Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần nâng cao chất lượng, vị thế người lao động Việt Nam trên trường quốc tế

(Baohatinh.vn) - 3 đại biểu trong Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tích cực tham gia ý kiến với nhiều nội dung chất lượng, thiết thực.

Sáng 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tổ về 3 dự án luật quan trọng gồm: dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), dự án Luật Thỏa thuận quốc tế và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn điều hành buổi thảo luận cùng Đoàn ĐBQH 3 tỉnh: Hà Giang, Đắc Lắc, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần nâng cao chất lượng, vị thế người lao động Việt Nam trên trường quốc tế

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn điều hành thảo luận tổ.

Về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi): Khẳng định việc sửa đổi luật này là hết sức cần thiết, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, ở Việt Nam, số lượng người lao động tại nước ngoài khá lớn khoảng trên 100 nghìn người/năm, có mặt ở trên 150 nước; việc sửa đổi Luật nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng, điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Theo đại biểu, về phạm vi điều chỉnh, ngoài đối tượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xem xét bổ sung các quy định điều chỉnh đối tượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài không theo hợp đồng. Thực tế ở nước ta hiện nay, số lượng này khá đông, nhất là lao động đi các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc… Riêng Hà Tĩnh có gần 80.000 người làm việc tại nước ngoài, nhưng có hơn 30.000 lao động không hợp đồng.

Đánh giá thị trường lao động quốc tế hiện vẫn là “mảnh đất màu mỡ”, thu hút người lao động Việt Nam, là cơ hội để lao động nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm, có các chính sách đồng bộ hơn đối với người lao động Việt Nam trở về nước sau khi đi làm việc tại nước ngoài để họ tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, kỹ năng, nguồn lực có được của người lao động.

Về quy định hoạt động cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng “thời hạn cấp phép là 05 năm, được gia hạn nhiều lần, mỗi lần là 05 năm” tại Khoản 2 Điều 11, đại biểu cho rằng như vậy sẽ làm tăng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ. Cùng với đó, việc ngoài các đơn vị được cấp phép, “Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ không quá 03 đơn vị phụ thuộc” tại khoản 3, Điều 18 đã làm hạn chế quyền kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm xử lý đối với lao động vi phạm hợp đồng trong quá trình làm việc tại nước ngoài, việc chuẩn bị nguồn cho lao động tại các đơn vị giáo dục nghề nghiệp và dịch vụ việc làm cũng cần phải được quan tâm cụ thể hơn… Từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng người lao động, nâng cao vị thế của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần nâng cao chất lượng, vị thế người lao động Việt Nam trên trường quốc tế

Đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề thảo luận tổ

Về dự án Luật Thỏa thuận Quốc tế: Thể hiện sự đồng tình cao với các ý kiến của đại biểu Phan Trung Thành - Đoàn Đắc Lắc, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) nêu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật.

Đầu tiên là nhiều ý kiến trái chiều xung quanh khái niệm “Thỏa thuận Quốc tế”. Mục đích của Luật khi đưa ra khái niệm này nhằm để phân biệt với khái niệm “Điều ước Quốc tế” trong Luật Điều ước Quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Anh Tuấn, mục đích phân biệt không có nhiều ý nghĩa về mặt thực tiễn pháp luật quốc tế cũng như nhận thức chung về thỏa thuận Quốc tế của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần nâng cao chất lượng, vị thế người lao động Việt Nam trên trường quốc tế

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận

Về nguyên tắc, đã là cam kết quốc tế đều có sự ràng buộc trong quan hệ quốc tế giữa các chủ thể tham gia ký kết cũng như các bên đều phải tuân thủ nguyên tắc tận tâm và thiện chí theo quy định của pháp luật quốc tế. Thực tiễn pháp lý quốc tế thì cũng không thể nói là một thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa các nguyên thủ quốc gia lẫn nhau mà không phát sinh quyền và nghĩa vụ quốc gia. Càng không thể cho rằng “thỏa thuận quốc tế” trong những trường hợp này lại có giá trị thấp hơn “điều ước quốc tế”. Các thỏa thuận quốc tế do các chủ thể có thẩm quyền ký kết phù hợp với các quy định quốc gia theo thông lệ là các hành vi quốc gia, phản ánh chính sách quốc gia ở trong đó.

Chính vì thế, vấn đề ở đây không phải là đưa ra khái niệm để phân biệt mà vấn đề là cần có sự thống nhất trong nhận thức. Điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế đều là những công cụ khác nhau trong thực hiện quan hệ quốc tế và đồng thời tương ứng với mục đích áp dụng trong những bối cảnh cụ thể để chúng ta vận dụng, sử dụng hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia trong những bối cảnh nhất định.

Thực tế hiện nay, có những chủ thể ký kết các thỏa thuận quốc tế vẫn coi những thỏa thuận quốc tế đó không phát sinh quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Vì thế, rất ít những thỏa thuận quốc tế được ký, chỉ mang tính ngoại giao, ý tưởng, ý định, chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi bảo đảm thực hiện đúng đầy đủ nội dung đã cam kết. Trong khi về mặt nhận thức của các chủ thể nước ngoài thì họ luôn nhận thức đã ký kết thì phải thực thi, vì vậy họ rất quan tâm đến hiệu quả thực tế của việc thực hiện các cam kết thực tế mà đã ký kết với các đối tác là Việt Nam.

Theo đại biểu, đây là rào cản rất lớn về mặt nhận thức giữa các chủ thế và cần phải có sự tháo gỡ về mặt công cụ lập pháp để từ đó có cách nhìn nhận đúng đắn và qua quá trình thực hiện nâng cao được uy tín quốc gia trong quá trình ký kết thỏa thuận quốc tế.

Về dự án sửa đổi một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, Luật có hiệu lực thi hành đã gần 8 năm, tình hình kinh tế - xã hội, thực tiễn thực thi cũng như pháp luật quốc tế đến nay có nhiều thay đổi nên việc sửa đổi một số nội dung quy định về xử lý vi phạm hành chính là cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần nâng cao chất lượng, vị thế người lao động Việt Nam trên trường quốc tế

Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu

Đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều vi phạm hành chính có mức xử phạt còn thấp dẫn đến tính răn đe thấp, không đưa lại hiệu quả. Đại biểu đơn cử như việc khai thác cát trái phép hay làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Chính phủ, các địa phương, các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, các đối tượng chưa đủ để xử lý hình sự mà chỉ xử phạt hành chính, nhưng với lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng vẫn bất chấp thực hiện.

Đại biểu cũng đặt ra vấn đề thẩm quyền xử phạt hành chính đối với một số trường hợp vi phạm phổ biến, mức vi phạm thấp nhưng quy định hiện hành yêu cầu phải chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn để xử lý, nên mất nhiều thời gian, thủ tục phiền phức mới ra được quyết định xử phạt không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Đoàn Hà Giang - Vương Ngọc Hà, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh khoản 1 điều 81 gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bởi vì những người có thẩm quyền tịch thu như: chủ tịch UBND tỉnh, tổng cục trưởng thì không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm, địa điểm tịch thu để lập và ký vào biên bản.

Về sửa đổi khoản 5 Điều 125, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp tạm giữ vì thực tiễn phát sinh trường hợp cần thiết tạm giữ độc lập để xác minh bổ sung lỗi trong việc người vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường và bị xử lý đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng.

Ngoài ra, các đại biểu trong Đoàn Hà Tĩnh còn đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại khoản 2 Điều 9, Điều 26, Điều 39, Khoản 3 Điều 60, Điều 66, khoản 2 Điều 128, bỏ điểm d khoản 2 Điều 60,…

Nhấn mạnh yêu cầu cần nghiên cứu, xem xét hết sức kỹ lưỡng và tổng các điều khoản, nhất là đối chiếu tình hình thực tiễn vì phạm điều chỉnh của luật là khá rộng, các đại biểu cho rằng có như vậy mới kiểm soát quyền lực tốt hơn, tăng tính răn đe, nhắc nhở, nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan thực thi, từ đó nâng cao tính khả thi của dự án Luật.

Kết thúc thảo luận, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn chủ trì điều hành đã cảm ơn ý kiến tích cực tham gia góp ý của các đại biểu, đồng thời sẽ tổng hợp để báo cáo Quốc hội giao cơ quan chuyên môn tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast