Con gái của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đầu quân cho tổ chức phi chính phủ Mỹ

(Baohatinh.vn) - Số phận kém may mắn nhưng bằng công lao giáo dục của thầy cô và nỗ lực của bản thân, nhiều đứa trẻ lớn lên ở Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã trưởng thành và là niềm tự hào của những người đã chăm sóc, dạy bảo.

Năm Bùi Thị Huyền (SN 1996, quê Hương Khê, Hà Tĩnh) tròn 10 tuổi thì bố em mất, mẹ để Huyền và hai đứa em lại cho ông bà nội chăm sóc rồi bỏ đi biệt tích. 3 đứa trẻ sớm chịu cảnh mồ côi, thiếu vắng cả tình cảm lẫn vật chất.

May mắn, Huyền và cậu em út (Bùi Đức Ban) đã được Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đón về nuôi nấng, chăm sóc. Cũng từ đó, làng trẻ là nhà; các bạn bè, cô chú ở đây là người thân.

Con gái của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đầu quân cho tổ chức phi chính phủ Mỹ

Bùi Thị Huyền (đeo kính) đã được nuôi dưỡng, chăm sóc ở làng trẻ từ ngày em còn bé

Không phụ công ơn của mọi người, suốt những năm học phổ thông, Huyền luôn là học sinh khá giỏi và thi đậu vào Trường Đại học Vinh với điểm số cao. Sau khi tốt nghiệp đại học, với khả năng ngoại ngữ khá, Huyền đã được Tổ chức Brittany’s Hope (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh) nhận vào làm việc.

Huyền cho biết: “Là trẻ mồ côi đã từng lớn lên ở làng trẻ nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, em đã làm cộng tác viên cho tổ chức. Sau khi ra trường, em đã xin vào đây làm việc với mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn như mình”.

Con gái của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đầu quân cho tổ chức phi chính phủ Mỹ

Huyền (áo xanh) đã trở thành cầu nối giữa làng trẻ và các chương trình, dự án về trẻ em kém may mắn (Trong ảnh: Huyền hỗ trợ nhân viên làng trẻ xử lý các văn bản, tài liệu bằng tiếng Anh)

Dù công tác ở tận TP Hồ Chí Minh nhưng Huyền không quên hướng về nơi đã nuôi nấng mình khôn lớn, trưởng thành. Huyền trở thành “cầu nối” khi thường xuyên hỗ trợ phiên dịch, kết nối các chương trình, dự án liên quan đến trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi giữa các tổ chức và Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, em còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi dịch các văn bản tiếng Anh sang tiếng Việt để các thầy cô, nhân viên ở làng trẻ tiện giao dịch trong công việc. Những bức thư của các em nhỏ ở làng trẻ cũng được Huyền dịch sang tiếng Anh để gửi cho bố mẹ nuôi, người tài trợ ở nước ngoài.

Noi gương chị gái, em trai của Huyền là Bùi Đức Ban (SN 2000) cũng chọn sự học làm con đường đi đến tương lai. Ban hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Vinh. Dù chưa có điều kiện phụ giúp công việc chuyên môn ở làng trẻ như chị gái nhưng một tháng đôi lần, Ban bắt xe bus về “nhà” thăm các cô chú, các em. Nhiều đứa trẻ ở làng vẫn chờ đợi khoảnh khắc anh Ban về vui đùa, dạy chúng học.

Con gái của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đầu quân cho tổ chức phi chính phủ Mỹ

Bùi Đức Ban (áo đen) là tấm gương để các em nhỏ ở làng trẻ noi theo

Dịp tết Nguyên đán vừa rồi, Huyền và Ban được về đón tết ở làng. “Hai chị em được gặp nhau, lại được đón năm mới ở nơi thân thuộc cùng những người thân yêu. Đó là những ngày ấm áp, hạnh phúc của chúng em” - Ban xúc động.

Không giấu nổi tự hào khi chứng kiến những đứa con của làng trẻ trưởng thành, Giám đốc Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Dù có số phận kém may mắn nhưng chị em Huyền và nhiều em đã nỗ lực học tập, có công việc và thu nhập ổn định. Điều đáng quý là bằng khả năng, điều kiện của mình, các con đã quay về hỗ trợ làng. Chúng tôi vui vì không chỉ nuôi được các con khôn lớn mà còn góp phần hình thành, giáo dục nhân cách để các con trở thành người có ích cho xã hội”.

Con gái của Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đầu quân cho tổ chức phi chính phủ Mỹ

Những đứa trẻ ở Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh luôn được giáo dục nhân cách để làm người có ích cho xã hội

Cũng như chị em Huyền luôn hướng về làng trẻ, một người con khác của làng - anh Hoàng Văn Thắng (SN 1984) hiện đang có công việc ổn định ở TP Huế, dù không quá dư dả nhưng vẫn đều đặn gửi tiền về ủng hộ các em nhỏ mỗi dịp lễ tết hay khi làng trẻ cần đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất.

Anh Thắng chia sẻ: “Không có làng trẻ thì tôi không có ngày hôm nay. Dù không nhiều nhưng đó là tấm lòng, là cách hướng về nơi đã nuôi nấng, dạy dỗ mình nên người”.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast