3 công an viên kéo 4 gia đình vào... vòng xoáy bi kịch!

(Baohatinh.vn) - Hành động sai lầm của 3 công an viên đã kéo cả 4 gia đình vào vòng xoáy bi kịch. Người chết, kẻ đi tù, tiếng cười đầy ắp trong căn nhà nhỏ ngày nào nay tắt lịm. Chỉ sau một đêm, người phụ nữ trẻ bỗng trở thành góa phụ, 2 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi...

3 công an viên kéo 4 gia đình vào... vòng xoáy bi kịch! ảnh 1

Chỉ sau 1 đêm, người vợ trẻ bỗng trở thành góa bụa...

Đêm muộn ngày 27/2/2015, anh Nguyễn Văn Tình (thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn, Kỳ Anh) qua nhà anh Nguyễn Văn Cảnh (anh họ Tình, cùng thôn) để uống rượu giải khuây. Khi đã ngà ngà men rượu, 2 người tổ chức đánh bài ăn tiền.

Khoảng 4h sáng 28/2, Bùi Ngọc Sơn (công an viên thôn Thanh Sơn, gần nhà anh Cảnh) nghe tiếng ồn ào nên sang bắt quả tang và thu giữ được 72.000 đồng.

Do vấp phải sự phản ứng từ phía anh Tình và anh Cảnh, Sơn gọi thêm Nguyễn Văn Thanh và Cao Ngọc Thảo (cũng là công an cơ động của xã) sang đưa cả 2 về trụ sở UBND xã để giải quyết.

Thế nhưng, sau thời gian bị tạm giữ tại trụ sở xã, sức khỏe anh Nguyễn Văn Tình trở nên yếu. Hơn 8h sáng 28/2, anh Tình được công an viên đưa đến Trạm Y tế xã Kỳ Văn trong tình trạng ngất xỉu, toàn thân tím tái. Thấy bất ổn, trạm trưởng trạm y tế xã yêu cầu công an viên gọi người nhà đưa nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sỹ xác nhận anh Nguyễn Văn Tình đã tử vong.

Trong quá trình điều tra, Bùi Ngọc Sơn thừa nhận khi bắt giữ đã tát anh Tình một cái. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, anh Nguyễn Văn Tình tử vong do bị tụ máu trong não.

Ngày 29/10, TAND huyện Kỳ Anh đưa các bị cáo Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Thanh, Cao Ngọc Thảo với tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật” ra xét xử. Trả giá cho hành vi phạm pháp, cả 3 bị cáo đã phải nhận mức án 11 năm 6 tháng tù giam.

Dù đã biết gia đình anh Tình thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng khi đặt chân đến, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, khiêm tốn nép mình sau những rặng cây. Bức tường xi măng lỗ chỗ, chiếc cửa sổ được làm vụng về từ tấm liếp sắt và 2 trụ nhà bằng gỗ không còn xác định được tuổi… Thế nhưng, đây lại là nơi trú ngụ của 4 con người trong một gia đình.

Nhác thấy bóng khách lạ, cụ bà Hoàng Thị Lựu dáng vẻ còm cõi, gầy gò, mặc manh áo cũ tất tả chạy ra. Khi nghe người đối diện nhắc tên con rể, đôi mắt trũng sâu, mờ đục của người mẹ chợt chùng xuống. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà hớt hải qua nhờ hàng xóm gọi điện cho con gái, bởi “nhà tôi nghèo lắm, cả mấy mẹ con không có nổi chiếc điện thoại để liên lạc”.

Chẳng để khách phải chờ lâu, chỉ một lúc sau, chiếc xe máy cà tàng đỗ kịch trước sân. Người đàn bà khắc khổ vất vả dỡ từng túi rau, củ xuống. Quệt vội những giọt mồ hôi thi nhau vã ra trên trán, chị Lê Thị Bình (vợ anh Tình) chậm rãi giải thích, bán rau, củ, quả ở chợ xép là nguồn sống của mấy mẹ con kể từ sau khi chồng qua đời.

Với chị, được sống bên cạnh những người mình yêu thương là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời. Dẫu cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng anh chị chẳng khi nào quên dành thời gian chăm sóc các con, để những đứa trẻ được lớn lên trong sự đùm bọc, bảo ban của cha mẹ. Vậy nhưng, tất cả chỉ còn là quá khứ. Kể từ ngày chồng mất, không đêm nào chị ngon giấc bởi nỗi đau đớn, nhớ nhung giày xéo tâm can. Nhiều khi, chị chỉ biết đi lại như cái bóng vật vờ, cô đơn trong chính tổ ấm của mình.

9 tháng kể từ ngày chồng về nơi chín suối, nước mắt chị Lê Thị Bình đã không còn rơi. Thay vào đó là sự cam chịu, nhẫn nhịn đến kiên cường của người phụ nữ. Hai con của anh chị, đứa đầu năm nay lên 8, đứa nhỏ mới chỉ 2 tuổi, chúng còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi mất mát. Đôi lúc, nghe tiếng con nhỏ bất giác ngơ ngác hỏi cha, lòng người mẹ lại quặn thắt vì đau đớn.

Mặt trời sắp sửa khuất núi, tiếng trẻ thơ bi bô đi học về. Đứa trẻ 2 tuổi ngoan ngoãn vòng tay trước di ảnh chào bố, khuôn mặt ánh lên vẻ tươi vui khiến ai nấy đều không khỏi xót xa…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast