Việt Nam được đánh giá thực hiện có hiệu quả các nguồn tài trợ

Bên lề Hội nghị giữa kỳ CG 2011, PV Hà Tĩnh Online đã có bài phỏng vấn ông Võ Hồng Phúc - Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT xung quanh những nội dung chính mà các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam cùng quan tâm.

Thưa Bộ trưởng, Hội nghị lần này, đâu là thông điệp chính của Chính phủ Việt Nam đưa ra đối với các nhà tài trợ?

Việt Nam được đánh giá là thực hiện hiệu quả các nguồn tài trợ
Việt Nam được đánh giá là thực hiện hiệu quả các nguồn tài trợ

Hội nghị lần này, các nhà tài trợ quan tâm đến 3 vấn đề lớn, và đó cũng là chủ đề của hội nghị. Vấn đề thứ nhất là ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Vấn đề thứ 2 là vấn đề, trên những thách thức lớn của kinh tế vĩ mô dẫn đến vấn đề an sinh xã hội đặt ra cho các nhà tài trợ. Và vấn đề nữa là chống tham nhũng.

Chuyện bất ổn vĩ mô của Việt Nam sẽ được thảo luận tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Thông điệp nhất quán đã được Chính phủ đưa ra: ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu.

Chính phủ một lần nữa khẳng định, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt. Và lần đầu tiên, thông điệp về chuyện chấp nhận sự đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định và cụ thể hóa bằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15%.

Có thể nói, đó là một sự lựa chọn đúng hướng, nhận được sự đồng thuận cao của các nhà tài trợ cho Việt Nam. Họ đã, đang và luôn hối thúc Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, không chỉ trước mắt, mà cả trong tương lai.

Thực tế cho thấy, sau hơn 3 tháng triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP, những kết quả bước đầu đã được ghi nhận, rõ nét nhất là trên thị trường ngoại hối; lạm phát cũng đã có xu hướng giảm tốc. Và Chính phủ Việt Nam khẳng định, nếu tình hình kinh tế vĩ mô vẫn bất ổn, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP. Lựa chọn mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề thứ 2 là đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ hiểu rằng, vấn đề giá cả, vấn đề tiền lương đang là vấn lớn, thách thức đối với người nghèo. Khủng hoảng tài chính, lạm phát ảnh hưởng đến người dân rất lớn. Thông điệp Chính phủ gửi đến các nhà tài trợ là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Và thực tế là Chính phủ đã có những chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hỗ trợ tiền điện cho người nghèo, thực hiện lộ trình tăng lương cho cán bộ công chức và phụ cấp cho hưu trí...

Vấn đề thứ 3 là chúng ta đưa ra bàn luận tại hội nghị lần này là chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai; thuế, hải quan; xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên, khoáng sản... Nhà đầu tư sẽ không bao giờ bỏ tiền vào những nơi mà họ nghi ngờ, mất niềm tin. Không phải ngẫu nghiên, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế đã nhiều lần ngồi lại với nhau để đối thoại về vấn đề chống tham nhũng. Các nhà tài trợ khi đề cập đến tham nhũng đã đưa ra thông điệp, tài trợ và tham nhũng là hai vấn đề mâu thuẫn, loại trừ nhau. Nếu không loại trừ được tham nhũng thì khó có tài trợ.

Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để tranh thủ và sử dụng tối đa các nguồn tài trợ từ nước ngoài?

Hiệu quả của vấn đề viện trợ cũng được đặt ra tại Hội nghị giữa kỳ CG lần này. Việt Nam đang là một trong những nước được các nhà tài trợ đánh giá có hiệu quả cao, chính vì thế mà nguồn tài trợ từ nước ngoài ngày càng tăng. Các nhà tài trợ cũng đang có nhiều biện pháp để tăng nguồn tài trợ cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung để tiếp cận tối đa nguồn tài trợ từ nước ngoài.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast