Mở rộng chính sách tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn

Nghị định (NĐ) 41/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ra đời là cơ sở pháp lý để các tổ chức, cá nhân có thêm những cơ hội mới trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đặc biệt, khi tỉnh ta đang tập trung nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp, nguồn vốn tín dụng theo NĐ 41 đã thực sự có môi trường thuận lợi để sinh sôi.

Cơ hội mới

Mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn các lĩnh vực khác, thủ tục hành chính được rút gọn, mức cho vay không thế chấp tài sản cho hộ cá thể và HTX tăng so với trước, có chính sách xử lý rủi ro khi xảy ra thiên tai trên diện rộng, miễn phí giao dịch đảm bảo tài sản cho hộ vay trong quá trình làm thủ tục thế chấp… là những điểm ưu đãi mà NĐ 41 mở ra cho người vay vốn. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), nguồn vốn phân bổ để phục vụ nông nghiệp, nông thôn luôn được ngân hàng trung ương ưu tiên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực này khá rộng, vì vậy, thuận lợi hơn trong đầu tư vốn.

Mạng lưới hoạt động rộng là lợi thế để Agribank đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Mạng lưới hoạt động rộng là lợi thế để Agribank đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và nỗ lực của ngành Ngân hàng, trong 3 năm thực hiện NĐ 41, dư nợ cho vay lĩnh vực “tam nông” tăng trưởng nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh. Đến 30/9/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 11 ngàn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay theo NĐ 41 chiếm tỷ trọng 60-70%. Doanh số cho vay theo NĐ 41 từ 30/6/2010 - 30/9/2013 đạt trên 16 ngàn tỷ đồng với gần 336 ngàn lượt khách hàng vay vốn.

NĐ 41 được triển khai trong khoảng thời gian tỉnh ta dồn nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà trọng tâm là thực hiện chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn vốn phân bổ cho chương trình xây dựng NTM, các địa phương có cơ hội tranh thủ nguồn lực từ các chính sách lớn như Quyết định (QĐ) 24, 11 khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, QĐ 853 về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Ngoài ra, các huyện, thị, thành phố đều ban hành những chính sách đặc thù để hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ từ các chính sách này đã tạo nguồn lực cộng hưởng thúc đẩy cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Cơ hội với người vay vốn mở rộng hơn khi các chính sách tín dụng ưu đãi khác từ trung ương đến tỉnh được thực thi, giúp người nông dân được vay nhiều nguồn vốn giá rẻ như: cho vay chống tổn thất sau thu hoạch theo QĐ 63 của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất 4%/năm do tổ chức, cá nhân vay vốn theo QĐ 03, 07 và hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển các mô hình sản xuất theo QĐ 26 của UBND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Ngân hàng No&PTNT tỉnh khẳng định, đây chính là môi trường thuận lợi để nguồn vốn theo NĐ 41 đầu tư đúng trọng tâm, phát huy tốt hiệu quả. Ngân hàng Nông nghiệp đã tranh thủ tốt cơ hội này để đồng hành với người nông dân, đưa dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng nhanh, chiếm 80% trong tổng dư nợ trên 7.400 tỷ đồng của toàn Chi nhánh.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, NĐ 41 vẫn có những điểm chưa thực sự “cởi trói” cho đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Thực chất đây vẫn là cơ chế tín dụng thông thường, đòi hỏi người vay phải đáp ứng được các điều kiện vay vốn như phương án SXKD hiệu quả, có khả năng trả nợ, chứng minh được mục đích sử dụng vốn vay. Ngoài ra, NĐ chưa rộng mở đối tượng khi quy định, khách hàng là những hộ gia đình, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp ở địa bàn thị trấn và phường ven thành phố hoặc thuộc địa phận thành phố không thuộc đối tượng được vay vốn. Trên thực tế ở tỉnh ta, người dân sống ở các địa bàn này chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên gặp thiệt thòi khi không được hưởng những điểm ưu đãi của NĐ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần nới rộng mức cho vay không có tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay, giúp người nông dân mạnh dạn vay vốn SXKD.

Nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 41 góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa.
Nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 41 góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa.

Xung quanh những thủ tục liên quan đến việc vay vốn theo NĐ 41, người dân đề nghị văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các địa phương cần miễn thu lệ phí đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của NĐ 41; chính quyền và ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở để thế chấp vay vốn.

Thực hiện NĐ 41, đối với các TCTD cũng có những khó khăn như cơ chế xử lý tài sản thu hồi nợ của khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được ban hành; nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi nông dân thường có nhu cầu vay vốn trung, dài hạn; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được thực hiện thành công để hạn chế rủi ro cho người sản xuất và ngân hàng.

Nhìn ở một khía cạnh khác, kết quả cho vay của NĐ 41 còn nhiều điểm chưa như mong đợi chính là sự phản ánh về những hạn chế về trình độ sản xuất của người nông dân và thực tế phát triển của nền kinh tế nông nghiệp tỉnh ta hiện nay. Bởi vậy, bên cạnh kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập của NĐ 41 và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các TCTD, các sở, ngành liên quan, thì việc thực hiện hiệu quả chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình sản xuất hàng hóa, tăng cường tiếp cận thị trường cho nông sản… sẽ góp phần tăng tốc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân hưởng lợi ích từ chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả cao hơn.

Tỷ lệ cho vay phát triển CN-TM, ngành nghề nông nghiệp còn thấp

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tổng dư nợ cho vay theo NĐ 41 của các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân, dư nợ cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp chỉ chiếm 4,47%, cho vay phát triển ngành nghề nông thôn chiếm 7,1%, cho vay chế biến tiêu thụ nông, lâm, diêm nghiệp chiếm 0,37%. Nguồn vốn cho vay đang tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp. Kết quả này phản ánh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn chưa mạnh mẽ.

Vốn đầu tư cho HTX, doanh nghiệp và chủ trang trại còn hạn chế

Nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung ở hộ gia đình, chiếm trên 90%. Dư nợ cho vay doanh nghiệp chỉ chiếm 6,73%, HTX chiếm 0,17% và chủ trang trại là 0,25%. Nguyên nhân của thực trạng này là do sự phát triển của doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, số trang trại được công nhận đủ tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chưa nhiều. Đặc biệt, hiện nay, toàn tỉnh có gần 500 HTX nhưng rất ít đơn vị đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Một số HTX vay vốn theo hình thức cá nhân đứng ra thế chấp tài sản với ngân hàng.

Ngân hàng cần mạnh dạn hơn trong xem xét cho vay

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện NĐ 41, đại diện chính quyền các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Cẩm Xuyên cho rằng, trên thực tế, các ngân hàng vẫn đang e ngại về những rủi ro trong đầu tư, vì vậy thường coi trọng việc hộ vay có đủ tài sản đảm bảo để thế chấp hay không. Để phát huy hơn nữa kết quả cho vay theo NĐ 41, đề nghị các ngân hàng cần mạnh dạn hơn trong việc xem xét các điều kiện vay vốn. Đặc biệt, đối với các mô hình mới, có quy mô sản xuất lớn, phát triển theo đúng định hướng sản phẩm chủ lực thì ngân hàng cần linh động trong xem xét yêu cầu về tài sản đảm bảo.

Mai Thủy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast