Phục dựng Văn miếu Hà Tĩnh - tôn vinh giá trị văn hóa

(Baohatinh.vn) - Thành Sen xưa, thành phố Hà Tĩnh ngày nay luôn là trung tâm tỉnh lỵ được quan tâm phát triển toàn diện cả kinh tế - văn hóa và an ninh chính trị. Đặc biệt, lịch sử đã tạo cho mảnh đất Thành Sen một địa chỉ văn hóa rất phong phú. Văn miếu Hà Tĩnh hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa truyền thống của dải đất Lam Hồng nói chung và Thành Sen nói riêng.

Hiện ở Văn miếu, những người thợ, các nghệ nhân đang say sưa với công việc xây dựng, tôn tạo, sớm đưa công trình vào hoạt động phục vụ khách tham quan.

Phục dựng Văn miếu Hà Tĩnh - tôn vinh giá trị văn hóa ảnh 1
Dự án “Phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn miếu Hà Tĩnh” có tổng mức đầu tư hơn 74,9 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa. Ảnh: VnExpress

Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Văn miếu Hà Tĩnh được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1883) trên cánh đồng Đông Lỗ, nay thuộc khối phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh với một quần thể di tích tương đối lớn, được thiết kế theo kiến trúc cổ, nhiều hoa văn, họa tiết điêu khắc độc đáo, có nhiều nét tương đồng, giống Văn miếu Quốc Tử Giám. Đây là nơi thờ tự các bậc hiền triết, cũng là nơi đào tạo, tuyển chọn hiền tài phục vụ quê hương đất nước, nơi ghi danh các thế hệ người Hà Tĩnh học hành, đỗ đạt cao.

Đặc biệt, tại Văn miếu trước đây thường diễn ra các lễ tế với nghi thức trang trọng, như lễ tế xuân (tháng 2 âm lịch) và tế thu (vào ngày 15 tháng 8 âm lịch), tức là ngày lễ tế Nho thánh và các vị tiên hiền. Lễ tế rất trang nghiêm do các vị quan đầu tỉnh và các bô lão chủ trì, Hội Tư văn đảm nhiệm việc tế. Trước lễ tế, quan địa phương, các vị bô lão khăn đóng, áo dài làm lễ. Sau khi tế có cuộc hội ẩm của quan chức, văn thân hàng tỉnh. Hội Tư văn là một tổ chức của giới nho sĩ, gồm các nhà khoa bảng, các văn thân tiêu biểu trong tỉnh.

Những người đậu đạt cao trước khi nhận ấn tín, mũ áo vua ban thường đến Văn miếu lễ bái để tỏ lòng biết ơn các vị Nho thánh đã xin ban ân đức, học hành đỗ đạt để làm rạng rỡ gia tộc, họ hàng và tự hứa sẽ giữ trọn đạo “vua tôi”. Ngoài tế lễ, Văn miếu còn là nơi tổ chức các kỳ sát hạch học trò toàn tỉnh, chọn ra những người tài giỏi để đi thi Hương. Kỳ thi Hương năm 1919 là kỳ thi cuối cùng, từ đó về sau, kỳ sát hạch học trò cũng không còn nữa. Sau Cách mạng tháng Tám, ở Văn miếu chỉ diễn ra lễ tế xuân đinh, thu đinh và một số hoạt động văn thơ của Hội Tư văn.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Văn miếu Hà Tĩnh đã bị tàn phá nặng nề và hiện chỉ còn lại rất ít dấu tích. Nhằm kịp thời trùng tu, tôn tạo Khu di tích Văn miếu, bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử của ông cha và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, thành phố đã triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích Văn miếu ngay trên nền đất cũ.

Dự án “Phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn miếu Hà Tĩnh” có tổng mức đầu tư hơn 74,9 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa, với quy mô gần 1,7 ha, gồm 19 hạng mục công trình như tắc môn, nhà đại bái, nhà tả vu, hữu vu, khải thánh, nhà bia, nhà trưng bày, tứ trụ, lầu trống, lầu chuông, hồ bán nguyệt, nhà phục vụ… Công trình do UBND thành phố Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Tôn tạo, phục chế công trình văn hóa Việt thi công. Gói xây lắp với tổng giá trị hơn 24,8 tỷ đồng đang được triển khai đúng tiến độ và dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 4/2016.

Trong ký ức của người dân Hà Tĩnh, Văn miếu là nơi lưu danh các bậc hiền tài, điểm nhấn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của đất Thành Sen. Văn miếu Hà Tĩnh được trùng tu, tôn tạo nguyên trạng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Thành Sen địa linh nhân kiệt, đồng thời, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast