“Nóng” chuyện người nhà bệnh nhân tấn công thầy thuốc

Chuyện người nhà bệnh nhân quá khích bao vây, sỉ nhục, đuổi đánh, đập phá gây náo loạn bệnh viện không còn hi hữu. Đặc biệt gần đây, tình trạng này có dấu hiệu “nóng” lên cả về mức độ, tính côn đồ cũng như mật độ số vụ việc. Tìm ra căn nguyên và giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đội ngũ thầy thuốc là trách nhiệm của những người quản lý và cả các cơ quan chức năng.

> Không cứu được bệnh nhân, y bác sỹ bị đánh túi bụi

Nguy hiểm rình rập

Vụ việc người nhà bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, quê xã Cẩm Thăng - Cẩm Xuyên), điều trị tại Khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị tử vong do sốc phản vệ sau khi dùng kháng sinh tấn công y, bác sỹ kíp trực Khoa Hồi sức tích cực, làm 5 người bị thương; đập phá nhiều trang thiết bị bệnh viện vào trưa 12/8 đang gây bức xúc trong dư luận.

Phòng cấp cứu bệnh nhân, nơi người nhà ông Nguyễn Xuân Hồng đã ào vào đập vỡ cửa kính và tấn công đội ngũ y, bác sĩ. Ảnh: Vietnamnet
Phòng cấp cứu bệnh nhân, nơi người nhà ông Nguyễn Xuân Hồng đã ào vào đập vỡ cửa kính và tấn công đội ngũ y, bác sĩ. Ảnh: Vietnamnet

Không những thế, theo ghi nhận của chúng tôi, vụ việc đã thực sự gây hoang mang, lo lắng, bất an trong đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện. Một bác sỹ trong kíp trực sau 1 ngày xẩy ra vụ việc vẫn chưa hết hoảng sợ, phân trần: “Chúng tôi là những người cấp cứu bệnh nhân và đã làm hết mình. Họ biết điều đó. Vậy mà, khi biết người nhà tử vong, họ ùa vào có đến ngót chục người hùng hùng hổ hổ tìm y, bác sỹ đấm đá túi bụi. Chưa hết, họ còn trút cơn giận dữ của mình lên cả những thiết bị dùng để cấp cứu bệnh nhân”. Còn một y tá kíp trực nói: “Trong lúc nhốn nháo, đến cả người nhà bệnh nhân khác cũng bị đẩy ngã vào cầu dao, làm phòng điều trị mất điện, các máy thở của nhiều bệnh nhân ngừng hoạt động. May mà tôi (người van xin họ nên được tha - TG) kịp phát hiện, đóng lại cầu dao, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.

Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, vài năm lại đây, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ta đã xẩy ra nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân quá khích bao vây, tấn công y, bác sỹ, đập phá thiết bị y tế gây náo loạn bệnh viện. Hậu quả, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất y tế bị phá hỏng; nhiều thầy thuốc bị thương, nặng thì rách xước mặt mày phải khâu nhiều mũi, nhẹ cũng bầm tím chân tay và các vùng khác trên cơ thể.

Nhưng có lẽ nỗi đau dai dẳng hơn đó là thể diện người thầy thuốc bị xúc phạm! Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua đã xẩy ra 3 vụ việc nghiêm trọng, trong đó vụ việc kể trên là điển hình, 2 vụ việc khác đều xẩy ra tại Khoa Nhi. Hiện tượng trái với đạo lý, thuần phong mỹ tục này đang thực sự gây bức xúc trong dư luận, cần gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nguy hại hơn, hành vi quá khích của một bộ phận người nhà bệnh nhân đã làm cho đội ngũ y, bác sỹ cảm thấy bất an, lo lắng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế, nhất là tại các bệnh viện lớn, nơi có nhiều bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao.

Thử tìm nguyên nhân

Trước hết phải nói rằng, các vụ việc bao vây, tấn công thầy thuốc, đập phá bệnh viện là do một bộ phận người nhà bệnh nhân nhận thức non kém cả về đạo lý và pháp luật. Chẳng lẽ: họ cho rằng, khi mình không may mất đi người thân thì có quyền trút giận lên những người trực tiếp ra tay cứu người thân của mình? Quả thật không thể chấp nhận được!

Điều dưỡng viên Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Ảnh:Thục Chi
Điều dưỡng viên Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Ảnh:Thục Chi

Cũng không loại trừ trong quá trình điều trị, cấp cứu bệnh nhân đâu đó vẫn còn xẩy ra hiện tượng tắc trách, non kém về chuyên môn, vi phạm y đức, phác đồ, thủ thuật nghiệp vụ của một số ít thầy thuốc, dẫn đến bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào thì việc uy hiếp, bao vây, tấn công thầy thuốc đều vi phạm nghiêm trọng pháp luật, cần phải được lên án, nghiêm trị. Phải thật sự rạch ròi trong vấn đề này. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm. Thầy thuốc vi phạm phải được phân định và xử lý nghiêm, đừng bao biện cho nhau làm mất niềm tin trong dân chúng. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân nẩy sinh những hành vi quá khích của người nhà bệnh nhân, tạo thành một tiền lệ xấu trong thời gian qua.

Giải pháp đặt ra

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi có số vụ việc tấn công đội ngũ thầy thuốc nhiều nhất trên địa bàn nói: “Tới đây, có lẽ chúng tôi sẽ hợp đồng thêm vệ sỹ, những người có chuyên môn để bảo vệ thầy thuốc. Đành rằng, kinh phí phục vụ công tác này phải bớt ra từ nguồn phúc lợi của cán bộ, nhưng không còn cách nào khác”. Nếu phương án này của Giám đốc được thực hiện thì Bệnh viện có thêm một lực lượng bảo vệ mạnh, đủ điều kiện trấn áp các đối tượng quá khích ở mức độ nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, đây chỉ mới là giải pháp tình thế, xử lý phần ngọn. Cái căn nguyên, gốc rễ của vấn đề lại thuộc về nhận thức, ý thức của người dân. Muốn làm được điều đó, theo chúng tôi, cơ quan chức năng phải vào cuộc, cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ phía người dân quá khích, làm càn và cả với thầy thuốc tắc trách (nếu có). Sai đến đâu xử lý đến đó, bảo đảm minh bạch, rõ ràng. Phải chịu đau một lần, cắt đi những “khối u ác tính”. Đừng để người dân mất niềm tin, nghi ngờ vào sự công minh của pháp luật dẫn đến hành vi “tự xử”, làm phương hại đến phần đông những thầy thuốc chân chính.

Hy vọng rằng, thời gian tới, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện sự bình yên, thân thiện vốn có của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đó cũng là điều kiện tốt nhất để không chỉ bảo vệ danh dự, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc mà còn giúp họ tự tin làm tốt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast