Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam đã chọn hình ảnh con Sao la, được các nhà khoa học tìm thấy tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào tháng 5/1992 làm biểu tượng linh vật của SEA Games 31.

Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992. (Ảnh AP).

Sao la (tên khoa học là Pseudoryx Nghetinhensis) được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang.

Ngay sau khi loài Sao la được công bố, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã quyết định thành lập Trạm nghiên cứu, bảo tồn Sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang.

Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

Sao la còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” được biết đến như một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong núi rừng Việt Nam. (Ảnh WWF).

Việc khám phá ra loài Sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ XX là chuyện khó có thể xảy ra.

Tên Sao la được phiên âm ra từ tiếng Thái và tiếng Lào, có nghĩa là “cặp sừng thẳng vút”, trên khuôn mặt Sao la có các đốm trắng như những ngôi sao thể hiện sự sáng toả trong rừng thẳm, hy vọng của sự tồn tại của một khu rừng đa dạng và nguyên sinh.

Sao la còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” được biết đến như một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong núi rừng Việt Nam. Theo ước tính của các chuyên gia trên thế giới, hiện chỉ còn khoảng vài chục cá thể Sao la có thể được tìm thấy ở các cánh rừng rậm dọc biên giới Việt - Lào.

Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA games 31 chọn hình ảnh Sao la làm biểu tượng - linh vật của SEA Games 31. (Ảnh internet).

SEA Games 31 được nước ta đăng cai thu hút 11 quốc gia ASEAN tham dự, dự kiến có hơn 10 nghìn vận động viên trong nước và quốc tế tham gia tranh tài.

Vũ Quang vinh dự và tự hào khi được Ban tổ chức chọn làm nơi trình diễn bay khinh khí cầu chào mừng Đại hội thể thao - ngôi nhà của Sao la, với chủ đề “Cuộc dạo chơi của Sao la - Kỳ lân Châu Á”.

Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang chia sẻ: “Sao la là niềm tự hào của Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh và đất nước Việt Nam. Đối với Vườn Quốc gia Vũ Quang nói riêng và Nhân dân huyện nhà nói chung, khi Sao la được chọn làm linh vật của SEA Games 31, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Với những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi, điều đó thể hiện được tầm quan trọng, giá trị về đa dạng sinh học mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vũ Quang. Đây chính là cơ hội để quảng bá hình ảnh của huyện và Vườn Quốc gia Vũ Quang đến với các tỉnh, thành trong nước và bạn bè quốc tế".

Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

Khinh khí cầu chào mừng Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 bay thử nghiệm trên bầu trời Vũ Quang sáng nay.

Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, nơi đây lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong một vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Vườn Quốc gia Vũ Quang có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng, ếch cây sần Bắc Bộ...

Các loài mới cho khoa học nêu trên đều là các loài “đặc hữu” (edemic) cho vùng trung Trường Sơn nhưng được phát hiện, mô tả và công bố loài mới đầu tiên ở các sinh cảnh của rừng Vũ Quang. Khu vực này “có duyên” với việc phát hiện loài mới đến mức các chuyên gia và nhà báo nước ngoài từng nói rằng, “Vũ Quang là mỏ loài mới của Việt Nam”.

Linh vật SEA Games 31 - niềm tự hào của “Vườn Di sản ASEAN” tại Hà Tĩnh

Vườn Quốc gia Vũ Quang đã và đang làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được công nhận là “Vườn Di sản ASEAN” (Khu AHP) cùng với 3 đại diện khác của Việt Nam. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, công nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng như của Nhân dân Hà Tĩnh.

“Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử đối với Việt Nam và cả khu vực. Đồng thời, điều này góp phần quan trọng nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân trên địa bàn" - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Thái Cảnh Toàn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Toàn, từ đầu năm 2020 đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc và tiến hành tái thả về rừng gần 700 cá thể với 20 loài động vật hoang dã. Trong đó, có nhiều loài nguy cấp quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới như: vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, cu li bé, rùa hộp trán vàng miền Bắc, trăn đất...

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast