Sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” là tội ác!

(Baohatinh.vn) - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đều bày tỏ lo lắng về những nguy cơ của thực phẩm “bẩn” đối với toàn xã hội hiện nay. Một “chương trình nóng” đặt trước bàn nghị sự mà đoàn chủ tịch điều hành phiên họp đã nhận được ý kiến thẳng thắn cùng với những giải pháp đề xuất để ngăn chặn “đại họa” này.

san xuat kinh doanh thuc pham ban la toi ac

Vẫn còn nhiều nhà hàng trên địa bàn TP. Hà Tĩnh kinh danh thực phẩm "bẩn"

Có người đã thốt lên rằng: “Ăn nhiều thức ăn “bẩn” vào dạ dày là con đường ngắn nhất đến với nghĩa địa”. Phát ngôn này không gây “sốc” cho hàng triệu người dân trong cả nước. Bởi tất cả đều hiểu rằng: Đây chính là lời nói trung thực, có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe của chính mình và toàn xã hội.

Vì sao vậy? Vì nguồn thực phẩm “bẩn” đang tung hoành từ Bắc chí Nam, xuất hiện ở mỗi làng, mỗi xóm trong cả nước. Điều mà chúng ta dễ nhận thấy là ở địa phương nào cũng có hàng lậu, thực phẩm “bẩn” tràn vào qua cửa khẩu, đường tiểu mạch với các thủ đoạn tinh vi. Hàng lậu, thực phẩm “bẩn” được móc nối rất tinh vi với các “vệ tinh làm ăn” đã được cơ cấu chặt chẽ: Kẻ xuất hàng, kẻ vận chuyển, kẻ làm đại lý tiêu thụ, để từ đó chuyển tới người tiêu dùng. Hàng trăm vụ vận chuyển trót lọt nên thực phẩm “bẩn” được bày bán tại các chợ, nhà hàng, khách sạn.

Đó là chưa kể, thực phẩm “bẩn” sản xuất trong nước hàng ngày được các đại lý, cơ sở chế biến tích cực thu gom. Điều nguy hại hơn là thực phẩm lại được ngâm tẩm bằng hóa chất. Vì hám lợi, nhiều người đã trở thành “tội đồ”, “sát thủ thầm lặng” đối với cả cộng đồng. Thật đau lòng khi hàng triệu người dân phải “sống chung với thực phẩm bẩn”.

Thực phẩm “bẩn” đi vào bữa ăn của các gia đình, dẫn đến một “thảm họa lớn” đối với sức khỏe con người. Nhiều trẻ em mắc bệnh béo phì, không ít thanh niên chưa đến tuổi 30 đã bị tiểu đường, đau dạ dày, gan, viêm cầu thận... Đáng báo động nhất, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở nước ta ngày càng gia tăng mạnh, đặc biệt là ung thư dạ dày, gan, vòm họng đã phổ biến trong cả gái lẫn trai, cả già lẫn trẻ.

Hàng triệu người tiêu dùng đang rất bức xúc khi các cơ quan chức năng phát hiện ra những đường dây buôn bán thực phẩm “bẩn”, những cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn” nhưng chỉ “tịch thu tang vật” rồi “phạt nhẹ” vài chục triệu đồng. Cả nước hiện nay mới chỉ đưa ra tòa một vụ án làm thực phẩm “bẩn”. Luật pháp còn “nương nhẹ” như hiện nay, thì chuyện thực phẩm “bẩn” vẫn còn gieo tai họa cho cộng đồng là điều dễ hiểu.

Muốn ngăn chặn được thực phẩm “bẩn”, không còn cách nào khác là phải nghiêm túc xử phạt thật nặng, phải đưa ra khung án cụ thể từ giam, tù chung thân đến mức án tử hình...

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” đe dọa đến tính mạng con người là một tội ác. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ những cán bộ biến chất, tham gia vào “lợi ích nhóm”, bao che, dung túng cho những kẻ sản xuất và tiêu thụ thực phẩm “bẩn” để trục lợi.

Tuyên truyền cho toàn dân hăng hái trồng rau sạch, nuôi gia súc bằng thức ăn sạch và tích cực tố cáo những kẻ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast