Nuôi lợn gặp khó, người dân bãi ngang ven biển Hà Tĩnh “chăm” gà an toàn sinh học

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành thì bệnh LMLM lại xuất hiện ở nhiều địa phương. Chăn nuôi lợn gặp khó khiến nhiều nông dân ở Thạch Văn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chuyển hướng sang nuôi gà thịt an toàn sinh học...

Nuôi lợn gặp khó, người dân bãi ngang ven biển Hà Tĩnh “chăm” gà an toàn sinh học

Hiện, vườn nhà của chị Lê Thị Phượng có 1.800 con gà thịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Chị Lê Thị Phượng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Tân Văn, xã Thạch Văn (Thạch Hà) đã từng có thời gian dài gắn bó với chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, điều kiện chăn nuôi càng khó khăn, nhất là kể từ khi dịch tả Châu phi hoành hành (DTLCP) thì chị đã không còn có ý định đầu tư vào con nuôi một thời sinh lãi này nữa.

Tận dụng sân vườn rộng, nằm trên vùng đất cát, chị Phượng mạnh dạn chuyển hướng đầu tư chăn nuôi gà thịt bán thả rông theo hướng an toàn sinh học. Với gần 2.000 con gà, nuôi theo hình thức cuốn chiếu 3 - 4 lứa mỗi năm, gần như tháng nào chị cũng có gà để bán, thu lãi hàng trăm triệu đồng từ gà.

Không những thế, chị còn tìm kiếm những người cùng chí hướng, thành lập nên HTX Chăn nuôi Tân Văn để tạo ra số lượng hàng hóa thường xuyên đáp ứng cho thị trường và hướng đến chăn nuôi bền vững.

Nuôi lợn gặp khó, người dân bãi ngang ven biển Hà Tĩnh “chăm” gà an toàn sinh học

Nuôi gà trên cát đang là hướng đi bền vững cho nông dân Thạch Văn

Chị Lê Thị Phượng cho biết: “Nuôi gà trên cát đã được người dân vùng biển áp dụng từ rất lâu, tuy nhiên chỉ mang tính nhỏ lẻ, an toàn dịch bệnh không cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường, chúng tôi đã tìm hiểu và đầu tư hơn về con giống, quy trình kỹ thuật để đầu tư một cách bài bản và phát triển nghề chăn nuôi chủ lực của địa phương. Hiện nay, HTX có trên 10.000 con gà/lứa, vừa gà con và gà đến kỳ xuất bán. Cứ định kỳ, các đầu mối thu mua theo lứa với giá ổn định 60.000 đồng/kg”.

Hiện nay, 10/10 hộ chăn nuôi trong HTX đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chuồng trại, chấp hành công tác vệ sinh chuồng trại và bảo vệ môi trường... Cuối năm 2018, HTX đạt doanh thu 5 tỷ đồng từ chăn nuôi, trong đó gà thịt khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Phan Danh Chỉ (thôn Bắc Văn) sau hơn 3 năm chăn nuôi gà trên cát hiệu quả đã may mắn hơn khi được lựa chọn là một trong bảy hộ dân thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học do Trung tâm Huấn luyện vật nuôi (Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ.

Ông cho biết: “Tận dụng nguồn cát tự nhiên để xử lý môi trường, cùng đó chúng tôi được hướng dẫn can thiệp các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi để phòng dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh... Các lứa gà dễ xuất bán và được ưa chuộng hơn, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ làm cho chất lượng gà thịt ngon hơn mà còn bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi”.

Nuôi lợn gặp khó, người dân bãi ngang ven biển Hà Tĩnh “chăm” gà an toàn sinh học

Nuôi gà thịt an toàn sinh học phải tuân thủ khép kín từ giống đến quy trình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng dịch, thú y và vệ sinh chuồng trại...

Thuận lợi của nuôi trên đất cát chính là thoát nước nhanh, do vậy mà đảm bảo được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế mầm bệnh. Cùng với việc đầu tư tỉ mỉ về kỹ thuật như: chọn lọc nguồn giống, vệ sinh phòng dịch, tuân thủ tiêm phòng định kỳ các vắc xin, vệ sinh chuồng trại, hạn chế thuốc kháng sinh... thì giá trị hàng hóa đàn gà ở Thạch Văn tăng cao. Bình quân, mỗi đàn gà 500 con, người dân thu về 10 triệu đồng trong 3 tháng.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết: “Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến căng thẳng, việc tăng đàn, tái đàn lợn là bất khả kháng tại địa phương. Do vậy, xã tập trung vào mũi nhọn phát triển chăn nuôi gà trên cát. Trong đó, mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đã thu được hiệu quả và sức lan tỏa, tạo động lực cho bà con chuyển hướng phát triển nghề truyền thống địa phương theo hướng bền vững hơn”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast