Tàu to, lo gì sóng!

(Baohatinh.vn) - Tiết trời lành lạnh cộng với màn mưa xuân lất phất không làm vơi không khí ấm áp, sum vầy. Trong khoang tàu vỏ thép, những ngư phủ quây quần nâng chén rượu nồng và kể cho chúng tôi nghe những chuyến vượt sóng trên con tàu mơ ước…

tau to lo gi song

Tàu vỏ thép rẽ sóng, vươn khơi.

Ước mơ thành hiện thực

13 tuổi, Nguyễn Lưu Truyền (xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) đã theo cha lên thuyền đánh bắt cá kiếm tiền mua sách vở. Sau gần 30 năm gắn bó với nghiệp biển trong và ngoài nước, đã tạo cho anh sự vững chãi, tự tin nơi “đầu sóng ngọn gió”. Ước mơ lớn dần cho đến ngày anh là người đầu tiên trong tỉnh sở hữu con tàu vỏ thép với công nghệ đánh bắt hiện đại. Vui mừng xen lẫn hồi hộp khi được chạm tay vào vô lăng con tàu gần cả nghìn CV, trị giá hơn 13 tỷ đồng. Đúng là ước mơ đã trở thành sự thực. Những chuyến vươn khơi đầu tiên của anh hướng về vùng biển Trường Sa thân yêu. Dù bước đầu còn bỡ ngỡ do chuyển đổi nghề, đánh bắt xa hơn nhưng anh và các thuyền viên vẫn cảm thấy rạo rực, phấn chấn khi được rẽ sóng cùng tàu lớn của ngư dân các tỉnh.

Nhấp chén rượu, anh kể về một kỷ niệm khó quên: Một hôm, khi tàu cách bờ chừng 120 hải lý thì bất ngờ gặp phải sóng to, gió lớn. Giữa trùng khơi mới cảm nhận được sự giận dữ của biển cả, từng đợt sóng cao 3-4m, đổ ập xuống như muốn nuốt chửng con tàu. Với kinh nghiệm từng trải, anh bình tĩnh cho mạn phải của tàu quay về hướng gió nhằm tránh nước trào lên boong và hạn chế sức đập dữ dội của sóng vào mạn tàu. Đề phòng tàu bị lắc ngang mạnh, anh cho tàu chạy tiến lên, đồng thời, giữ hướng di chuyển hợp với hướng sóng để hạn chế hiện tượng cộng hưởng, tránh bị lật tàu. “Đó là tàu vỏ thép, chứ tàu vỏ gỗ mà gặp phải sóng to thế này thì chỉ có tan tành, làm gì có cơ hội trở về…” - anh Truyền chia sẻ.

tau to lo gi song

Anh Truyền giới thiệu các tính năng mới trên con tàu hiện đại trị giá 13 tỷ đồng

Những chuyến đánh bắt hải sản tiếp theo ở vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Bình…, nơi nào nguồn lợi hải sản dồi dào là anh lại cho tàu vươn khơi, bám biển. Sau hơn 10 chuyến ra khơi, tàu anh đánh bắt được gần chục tấn cá thu, cá ngừ… mang về cả tỷ đồng. Anh em trên tàu ai cũng phấn chấn khi đón nhận “món quà” từ biển.

Bám biển bảo vệ chủ quyền

“Nghe đài báo chuẩn bị có đợt gió mùa nên anh em mới có dịp ngồi với nhau khề khà chén rượu. Chứ trời yên, biển lặng thì làm gì được thảnh thơi như thế này” - ngư dân Nguyễn Đức Huy (cùng xóm Hội Thủy) vui vẻ góp chuyện.

Nét mặt dầy dặn, từng trải ở cái tuổi 46, thuyền trưởng Huy là người chịu khó bám biển, thời gian lênh đênh trên biển nhiều hơn ở đất liền. Là người thứ hai tiếp nhận con tàu vỏ thép theo Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, ông hào hứng kể về những chuyến vươn khơi trên con tàu vỏ thép.

tau to lo gi song

Sau gần 7 tháng đặt ky, tàu đánh cá vỏ thép mang số hiệu HT 96708 TS (công suất 829 CV) của ông Nguyễn Văn Lồng, trú thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã cập cảng cá Cửa Sót vào chiều 25 Tết

Có tàu thép, ông theo một tổ hợp khai thác ở Nam Định vươn khơi đánh bắt tận các vùng biển quốc tế. “Họ toàn tàu vỏ gỗ, riêng mình đi tàu sắt nên cũng “oai” lắm. Thế nhưng, ra khơi, thấy rất nhiều tàu thuyền của các nước bạn to lớn đang đánh bắt hải sản mới thấy mình thật nhỏ bé. Vậy mà, ngư dân mình vẫn vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương” - ông Huy khảng khái nói. Nhiều lúc bị tàu lạ chạy qua ép nhằm phá hỏng ngư lưới cụ nhưng tổ đội vẫn không hề nao núng, cứ dựa theo con gió tìm kiếm ngư trường hải sản để đánh bắt. Mỗi chuyến ra khơi, bám biển từ 6-8 ngày, có hôm, may mắn bắt được cả tấn cá thu, có con nặng 30-40 kg, mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2016, thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, Hà Tĩnh đã triển khai đóng được 12 tàu, trong đó, có 4 tàu vỏ thép của ngư dân Xuân Hội đã được hạ thủy vươn khơi với tổng mức hỗ trợ gần 60 tỷ đồng. 7 tàu còn lại của các ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ hạ thủy vào quý I/2017. Những con tàu vỏ thép rẽ sóng ra khơi, mang về những sản phẩm giá trị cao từ biển cả quê hương. Chia tay những ngư dân thực thụ, luôn xem “tàu là nhà, biển cả là quê hương”, chúng tôi tin rằng, họ sẽ bình yên trở về sau mỗi chuyến vươn khơi, bởi bên họ, mẹ biển luôn dang tay che chở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast