Bất an với nhiều trạm thu phát sóng không phép

(Baohatinh.vn) - Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh có 5 nhà mạng hoạt động với gần 1.500 trạm thu phát sóng thông tin di động (gọi tắt là trạm BTS), trong đó chỉ 98 trạm được cấp phép xây dựng. Điều đáng nói, những trạm BTS có cột ăng-ten mọc ngay trên sân thượng xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, gây bất an cho người dân, đặc biệt khi mùa mưa bão cận kề...

Dựng lên khắp nơi

Nhiều năm trước, bóng dáng các trạm BTS hầu như chỉ thấy ở các bưu điện, các khu đất trống hay đồi núi… Tuy nhiên, thời gian gần đây, trạm BTS đã trở nên “gần gũi” hơn với người dân. Tại địa bàn TP Hà Tĩnh, trạm BTS có ở khắp nơi. Suốt trục đường chính như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông…, chúng tôi đếm được cả chục trạm BTS mọc “chễm chệ”, chằng chịt trên nóc các tòa nhà cao tầng với đủ kiểu dáng, độ cao khác nhau. Có chỗ, 2 trạm BTS của Viettel và Vinaphone nằm trên nóc 2 nhà đối diện, chỉ cách nhau chưa đầy 100m (số nhà 336B và 357 - Hải Thượng Lãn Ông).

Không ít trạm BTS chễm chệ trên nóc tòa nhà cao tầng, gây bất an cho người dân xung quanh.
Không ít trạm BTS chễm chệ trên nóc tòa nhà cao tầng, gây bất an cho người dân xung quanh.

Chủ nhà 336B - Hải Thượng Lãn Ông (nhà 2 tầng, cho Vinaphone đặt trạm BTS) cho biết: “Nhà tôi cho xây lắp trước năm 2007 nên không cần giấy cấp phép xây dựng. Các thủ tục đều do bên thuê lo, khoản tiền thuê khá cao, mỗi tháng 3,5-4 triệu đồng, lại ổn định trong nhiều năm mà không thấy ảnh hưởng gì nên gia đình tôi cho thuê lâu dài”. Tuy nhiên, rất nhiều người dân ở khu vực này lo lắng khi 2 trạm BTS đặt quá gần nhau, nếu có gió bão rất dễ xảy ra sự cố, trong khi đó chưa thấy cơ quan quản lý nào thông báo chính thức việc từ trường từ trạm phát sóng có ảnh hưởng đến sức khỏe, các thiết bị điện tử trong nhà hay không.

Được biết, trước năm 2007, việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS chưa có quy định cụ thể về quản lý, mỗi doanh nghiệp tự lắp đặt theo nhu cầu riêng, chỉ cần có thỏa thuận với hộ có mặt bằng sân thượng. Đến nay, công tác rà soát, kiểm tra hệ thống trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh chưa được thực hiện nên ngoài 98 trạm được cấp phép xây dựng sau này, hơn 1.400 trạm còn lại đang bị “thả nổi” về chất lượng cũng như các quy định hiện hành về xây dựng trạm BTS.

Bác Trần Văn N. (khối phố 6 - phường Nguyễn Du) chia sẻ: “Nhiều năm sống dưới trạm thu phát sóng Viettel được xây trên tầng 3 nhà hàng xóm, gia đình tôi luôn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về. Trạm Viettel cao chênh vênh, được chằng néo dây với cột trụ, không biết thiết kế của ngôi nhà có đủ độ chịu lực hay không nên ở trong nhà mình mà cứ nơm nớp cột ăng-ten bị gãy đổ”.

Khó kiểm soát

Trước đây, nhu cầu phát triển mạng lưới thông tin, các doanh nghiệp viễn thông ồ ạt đầu tư xây dựng, phát triển trạm BTS mà chưa được quy hoạch, kiểm soát. Theo đó, việc kiểm soát hoạt động của trạm từ phía ngành chức năng gần như bị thả nổi. Chỉ đến khi Thông tư 12/2007 liên Bộ TT&TT - Xây dựng ra đời, công tác thẩm định, kiểm soát, cấp phép xây dựng trạm BTS mới được chú trọng. Theo đó, Sở TT-TT chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm định tầm sóng; Sở Xây dựng thẩm định chất lượng, độ an toàn công trình. Vậy là, phần lớn các cột ăng-ten thu phát sóng đã được xây dựng nên việc cấp phép phải đi sau một bước.

Việc rà soát, kiểm tra hệ thống trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh chưa được thực hiện
Việc rà soát, kiểm tra hệ thống trạm BTS trên địa bàn toàn tỉnh chưa được thực hiện

Ngoài ra, do công tác phối hợp thanh, kiểm tra giữa các đơn vị quản lý còn hạn chế nên việc xác định hiện trạng các BTS như thế nào, có đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn hay không vẫn chưa có lời đáp. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, bên cạnh việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn do Bộ TT&TT ban hành, việc xây dựng các trạm BTS (nhất là trạm BTS loại 2) phải tuân thủ các điều kiện khác về yếu tố chịu lực, bắt buộc phải có văn bản kiểm định về an toàn chịu lực của công trình được đặt trạm BTS. Tuy nhiên, nhiều công trình nhà ở trước khi xây dựng không tính đến việc sau này phải “cộng” thêm cột BTS nên việc đảm bảo độ an toàn chịu lực tương đối khó khăn.

Theo các quy định được ban hành, việc đảm bảo an toàn cho các trạm BTS và những công trình lân cận, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành không chỉ là trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh, khai thác viễn thông mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương.

Không thể phủ nhận, việc xây dựng các trạm BTS đã góp phần mở rộng không gian phủ sóng và nâng cao chất lượng sóng viễn thông. Song, để đảm bảo việc xây dựng các trạm BTS tuân thủ quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị, quy hoạch phát triển mạng viễn thông của tỉnh và không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cho cộng đồng, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá quá trình xây dựng và lắp đặt các trạm BTS đúng quy định của Nhà nước, nhằm hạn chế tối đa các sự cố “vô tình” mà các trạm BTS có thể gây ra đối với đời sống của người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast