Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam: Sao phải ngại?

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hình thức thu phí rác thải này rất đơn giản, dễ làm.

Đề xuất đổi mới chính sách thu tiền rác thải sinh hoạt từ bình quân đầu người sang khối lượng tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến đánh giá cao và ủng hộ việc thay đổi cách thu phí rác thải, bởi nó góp phần hạn chế phát thải rác và đảm bảo công bằng.

Bên cạnh đó, vẫn có không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về cách thực hiện: có phải thêm bộ máy cồng kềnh; nhân viên vệ sinh môi trường phải mang theo cân mỗi khi thu rác rồi ghi sổ; cân có “gian” hay người dân có vì thế mà tìm cách “tẩu tán” rác nhà mình sang nhà hàng xóm hay vất ra công viên, ao hồ...?

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định, hình thức thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng hoàn toàn hợp lý và không cần phải lo lắng về những vấn đề này, bởi trên thế giới rất nhiều nước đã thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng với nguyên tắc: người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, người phát thải nhiều rác thác thì phải trả nhiều tiền

“Quan trọng là phải thu thế nào cho đơn giản, thuận lợi”, ông nói và nhắc lại trường hợp của thành phố Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), coi đó như một mô hình quản lý, xử lý rác thải tiêu biểu mà Việt Nam có thể học tập.

Cá nhân PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn vào năm 2005 đã có chuyến tham quan Đài Bắc, làm việc với cơ quan môi trường Đài Loan và đánh giá cao cách xử lý rác thải của họ.

Vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, Đài Loan là khu vực ô nhiễm rác thải đô thị trầm trọng nhất thế giới khi rác không được phân loại, người dân thường đổ rác ngay cạnh nơi ở. Những núi rác chồng chất, ngập ngụa trên đường phố khiến Đài Loan từng mang tên gọi khác không mấy hay ho - “Đảo Rác”. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực cải thiện môi trường và ứng phó với rác thải, Đài Loan đã trở thành một trong những điểm sáng của thế giới về phân loại và xử lý rác thải, có môi trường sạch đẹp đáng ngưỡng mộ.

Thu phí rác sinh hoạt theo kilogam: Sao phải ngại?

Người dân Đài Loan ý thức trong việc phân loại rác thải. Ảnh: The Wall Street Journal.

Theo đó, cơ quan môi trường Đài Loan bán ra các túi đựng rác thải, có dán cả tem chống làm giả. Rác thải sau khi phân loại phải đựng trong những chiếc túi này thì nhân viên vệ sinh môi trường mới thu gom, trường hợp người dân không phân loại rác, không đựng rác trong những chiếc túi trên hoặc vứt rác bừa bãi thì nhân vệ sinh môi trường có quyền từ chối thu gom và người dân sẽ bị xử phạt nặng.

“Cách này rất đơn giản, khi người dân mua túi đựng rác thải coi như đã nộp phí, không phải trả tiền hay cân đo đong đếm gì nữa”, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói.

Ở thời điềm 2005, khi PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn sang Đài Bắc làm việc, mỗi chiếc túi như vậy chứa được khoảng 5kg rác thải, giá bán chừng 20-30.000 đồng. Ai phát thải nhiều rác thì phải tốn nhiều túi hơn và mất nhiều tiền hơn nên người dân buộc phải tiết giảm phát thải rác sinh hoạt.

Nói về phân loại rác - việc bắt buộc phải thực hiện và cũng là để thuận lợi cho xử lý rác, ở Đài Loan, mọi thứ rác đều phải phân thành ba loại: loại có thể tái chế, loại rác không tái chế, và một loại là thức ăn thừa, còn gọi là rác nhà bếp.

Xe đi thu gom rác ở Đài Loan bao giờ cũng có thêm một thùng chứa thức ăn thừa, hay rác nhà bếp. Rác có thể tái chế thì mỗi tuần xe có thể đi thu gom 1-2 lần. Những loại rác quá khổ như bàn, ghế... cũng được thu gom riêng để xử lý.

Ở Đài Bắc, người dân có thể tra cứu các điểm chở rác bằng ứng dụng smartphone, qua đó xác định xe chở rác đã đến địa điểm nào để đổ rác.

Với những nỗ lực lớn, Đài Loan có mức tái chế đạt 55% vào năm 2015. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), tỷ lệ này cao gấp hơn chục lần so với mức 5% vào năm 1998.

Từ cách phân loại, xử lý rác thải của Đài Loan, trở lại với Việt Nam, vị chuyên gia môi trường trả lời câu hỏi: Tại sao phân loại rác, điều vốn được coi là đương nhiên phải làm, lại thất bại ở Việt Nam? Đó là vì cách làm ở Việt Nam chưa đồng bộ. Cơ quan quản lý, cơ quan môi trường kêu gọi người dân phân loại rác, thế nhưng đến đoạn thu gom thì công nhân vệ sinh môi trường/xe rác lại đổ chung các loại rác vào với nhau.

Bên cạnh đó, kể cả đã phân loại rác tại nguồn thì vẫn phải thu phí rác thải theo lượng (khối lượng, thể tích...) và cách triển khai thực hiện, như bài học của nhiều quốc gia, không hề khó khăn chút nào.

Theo Thành Luân/Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast