Ba yếu tố giúp khoa học Việt Nam cất cánh

Sự can dự của các doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu khoa học, để cho kinh tế thị trường chi phối, tinh thần 'mạo hiểm', sẽ là những nhân tố để công nghệ của Việt Nam tỏa sáng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết.

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5

Ba yếu tố giúp khoa học Việt Nam cất cánh  ảnh 1

Bộ trưởng khoa học công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh: Quý Đoàn

Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân dành cho VnExpress cuộc trao đổi nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

- Bộ trưởng đánh giá khoa học Việt Nam đang ở ngưỡng nào?

- Theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hiện chúng ta đang đứng ở mức trung bình của các nước thuộc ASEAN. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua một số quốc gia, nếu như 2003 Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN thì năm 2013 đứng thứ 5, năm 2014 đứng thứ 4 trong khu vực, vượt qua Indonesia, Philippines và Brunei.

Chúng ta có đội ngũ cán bộ khoa học tương đối đông đảo, có trình độ được nâng cao, quan trọng là các sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam những năm qua đã phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế xã hội rất thiết thực. Số lượng các công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam cũng tăng lên, với tốc độ đạt yêu cầu của chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt.

- Ngày Khoa học Công nghệ có ý nghĩa thế nào với cộng đồng các nhà nghiên cứu, thưa ông?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong lễ công bố năm ngoái, Ngày Khoa học Công nghệ không chỉ là dịp tôn vinh những người làm khoa học mà còn là cơ hội để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Thông qua đó chúng ta sẽ có những phong trào đổi mới sáng tạo, có nhiều các doanh nghiệp khoa học, có nhiều nhà khoa học trẻ có sản phẩm tốt phục vụ xã hội.

- Khi chưa làm nhà quản lý, còn là nhà khoa học, ông có điều gì trăn trở?

- Trước năm 2003, tôi có thời gian dài làm hoạt động khoa học và đào tạo, có rất nhiều khó khăn vướng mắc mà nhà khoa học khó vượt qua. Ví dụ như cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu còn rất khiêm tốn, không có những văn phòng thí nghiệm hiện đại ở trình độ khu vực và thế giới, chưa có môi trường học thuật tạo thuận lợi cho người làm khoa học, không có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp cho những người làm khoa học. Những người làm khoa học hiện nay có lẽ là đối tượng duy nhất trong hệ thống công chức viên chức không có chế độ phụ cấp, trong khi những người làm giáo dục, y tế, các công việc khác trong hệ thống công chức đều có những phụ cấp khác nhau. Bên cạnh đó, những người làm khoa học cũng gặp rất nhiều vướng mắc về nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động của họ. Sau mấy mươi năm làm khoa học tôi có thể nhận thấy xác suất thành công rất ít, những người thành công được là do bằng ý chí, năng lực, làm trong lĩnh vực không cần có sự đầu tư lớn của nhà nước, ví dụ như nghiên cứu cơ bản, họ mới có thể thành công.

- Từ đó đến nay vấn đề được cải thiện thế nào?

- Trước đây tôi từng nói nghĩa vụ của mình là phải "trả nợ" cho những người làm khoa học, trả nợ ba vấn đề. Một là làm sao có đủ nguồn đầu tư đủ đáp ứng nhu cầu cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hai là có cơ chế tài chính thông thoáng và thuận lợi nhất, ba là chính sách đãi ngộ thỏa đáng với nhà khoa học.

Thời gian qua bằng nghị quyết 20 của trung ương, bằng luật khoa học công nghệ năm 2013 và hàng loạt các nghị định, thông tư của các bộ ngành, có thể nói ba vấn đề đó đều được đặt ra và giải quyết. Gần đây nhất là luật khoa học công nghệ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải dành một phần lợi nhuận của họ cho đầu tư cho khoa học công nghệ, như vậy từ nay chúng ta không chỉ dựa vào ngân sách mà còn huy động nguồn đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Nguồn đó lớn hơn rất nhiều so với nguồn ngân sách. Về cơ chế tài chính, đã tháo gỡ một số vướng mắc trong tài trợ kinh phí và thanh quyết toán, các đề tài nghiên cứu từ nay sẽ được cấp kinh phí theo cơ chế quỹ, mà kết quả của quỹ phát triển KH&CN quốc gia mấy năm qua là một điển hình. Các nhà khoa học đều nói rằng cơ chế quỹ đã giải phóng cho họ, họ được cấp kinh phí một cách thuận lợi, có thể tạo ra các sản phẩm công khai, minh bạch, bình đẳng và mang tính cạnh tranh.

Bộ Khoa học Công nghệ gần đây cũng trình Thủ tướng thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đến lượt các doanh nghiệp cũng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một cách công khai để có thể đổi mới công nghệ của họ. Chính sách với cán bộ thì Chính phủ đã có Nghị định 40, trước mắt tập trung ưu đãi cho 3 đối tượng là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, và các nhà khoa học trẻ có tài năng. Những người như nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Hiệp, vừa đoạt giải Tạ Quang Bửu năm 2015, có tuổi đời dưới 35, có giải thưởng trong nước và quốc tế, có bài báo xuất sắc, có bằng sáng chế thì sẽ được nhà nước giao nhiều nhiệm vụ nghiên cứu với chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ.

- Việc khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học được đặt ở vị trí thế nào thưa ông?

- Chúng tôi coi đây là giải pháp quan trọng nhất của đổi mới khoa học công nghệ hiện nay. Chúng ta phải đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ bằng cách để ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo một phần, còn doanh nghiệp phải đảm bảo phần lớn. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tức là doanh nghiệp và xã hội đầu tư gấp từ 3-5 lần của ngân sách. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học công nghệ tạo thuận lợi cho tiếp nhận và chi tiêu, không bị ràng buộc chặt chẽ như tiền ngân sách.

Ở Việt Nam bắt đầu có làn sóng đầu tư cho khoa học công nghệ từ doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, chẳng hạn tập đoàn Viettel năm nay dự kiến dành hơn 4.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, Tập đoàn dầu khí quốc gia dành khoảng 2.000 tỷ đồng, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông là công ty cổ phần nhưng mỗi năm dành 20% lợi nhuận sau thuế cho khoa học công nghệ.

Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều làm như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ giống các nước khác, có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp lớn hơn ngân sách hàng chục lần.

- Có chính sách nào như đòn bẩy để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ?

- Nghị định 95 của Chính phủ đã quy định rất rõ các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận của họ đầu tư cho công nghệ, hai là thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Nếu không thì họ có thể đóng góp cho quỹ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước, ở trung ương hoặc địa phương. Ba là doanh nghiệp được tham gia bình đẳng vào các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, kể cả chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao. Bên cạnh đó còn có chương trình nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến 2020. Như vậy nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đồng thời cho doanh nghiệp tham gia vào tất cả các chương trình dùng vốn ngân sách Nhà nước.

- Chính phủ vừa ban hành nghị định thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt - Hàn (VKIST). Theo ông cần điểm gì nhất để viện này thành công như của Hàn Quốc (KIST)?

- Có ba yếu tố quyết định thành công của KIST, một là họ có Đạo luật dành riêng cho nó, để nó được ưu đãi, vượt qua được tất cả các luật khác, có cơ chế hoạt động thông thoáng và thuận lợi. Hai là KIST được người lãnh đạo cao nhất của quốc gia quan tâm, giao cho nó quyền lực và những cơ chế chính sách tốt nhất, ba là Hàn Quốc có hệ thống chính sách đãi ngộ đủ để thu hút những người giỏi nhất của họ từ Mỹ, Nhật Bản và các nước khác về.

Chúng ta học tập những vấn đề này nhưng chắc là khó hơn rất nhiều, bởi cho đến nay chúng ta chỉ có một nghị định của Chính phủ, mà không có luật, VKIST được Thủ tướng rất quan tâm nhưng phạm vi quyền lực của viện vẫn còn ở tầm thấp, cuối cùng là chính sách đãi ngộ thì các bộ đang ngồi với nhau để xây dựng chính sách thu hút. Nếu chúng ta không mạnh dạn đột phá thì các nhà khoa học nổi tiếng của chúng ta ở nước ngoài như Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn chắc là cũng không thấy đủ hấp dẫn để về làm việc ở viện này.

- Kỳ vọng của ông với VKIST?

- Tôi coi là địa chỉ rất quan trọng để chúng ta thí điểm cơ chế chính sách theo thông lệ quốc tế, nếu nó thành công thì chúng ta quay trở lại sửa các cơ chế chính sách lỗi thời, lạc hậu, để các viện nghiên cứu khác cũng sẽ được cơ chế như VKIST. Các hệ thống viện cũng thành công như VKIST và sẽ được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới, như vậy khoa học công nghệ Việt Nam mới có thể phát triển được. Chúng tôi muốn đây cũng là ốc đảo thí điểm để thu hút các nhà khoa học giỏi của Việt Nam ở trong và ngoài nước đến làm việc. Từ đây sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm đóng góp cho nền công nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các công nghệ cao theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn, của các doanh nghiệp lớn, để có các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

- Chế độ lương của nhà khoa học thuộc VKIST ở mức nào so với mức dự kiến dành cho viện trưởng - khoảng 100 triệu đồng?

- Chắc chắn chế độ lương của nhà khoa học không thua kém nhiều so với lương người đứng đầu viện. Ngoài tiền lương, họ còn có thu nhập thêm từ việc thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp , từ việc chuyển nhượng các sản phẩm trí tuệ họ đã nghiên cứu thành công cho doanh nghiệp, từ việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào cho doanh nghiệp. Các nhà khoa học nếu có kết quả nghiên cứu tốt sẽ có thu nhập cao hơn nhiều lần so với người đứng đầu chỉ hưởng lương và phụ cấp của viện. Chúng tôi đang làm việc với các bộ ngành để thống nhất thang bảng lương của những người làm khoa học ở đây.

- Mới đây Thủ tướng vừa có cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên.Công chúng có thể so sánh như thế nào về họ với các nhà khoa học chuyên nghiệp?

- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Những nhà khoa học "chân đất" là những người lao động sản xuất bình thường nhưng có đam mê, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, cho gia đình và làng xóm. Tuy nhiên những sản phẩm của họ chủ yếu là sáng kiến, một số ở mức độ cao hơn, có thể coi là sáng chế, thực tế có nhiều người được cấp bằng sáng chế cho những ý tưởng của họ. Tuy nhiên khả năng thương mại hóa để trở lại phục vụ xã hội còn hạn chế. Chúng ta trân trọng tất cả dù họ ở vị trí nào, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, những sản phẩm của họ có đặc thù, quy mô và trình độ khác nhau, dù ở mức độ nào đều có ích cho cuộc sống và cần trân trọng.

- Có sự kết nối nào giữa các nhà khoa học không chuyên và chuyên nghiệp?

- Thực tế rất nhiều nhà khoa học không chuyên khi có ý tưởng họ đã đến tham vấn những người có trình độ cao ở địa bàn mình hoặc ở cơ quan quản lý ở địa phương, xem hợp lý chưa hay là cần hoàn thiện thế nào. Chúng tôi cũng huy động các viện, trường hỗ trợ cho bà con nông dân thông qua các chợ công nghệ thiết bị, thông qua các sự kiện kết nối cung cầu, mời họ đem sản phẩm sáng tạo của họ đến để các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp đến góp ý, trao đổi giúp họ hoàn thiện và giúp họ quảng bá sản phẩm với cộng đồng. Nhiều người sau khi được tư vấn đã hoàn thiện sản phẩm và thành lập các doanh nghiệp có nguồn thu nhập lớn từ sản phẩm của họ.

Chúng tôi sau này sẽ thành lập các sàn giao dịch công nghệ trong cả nước, trung ương và các địa phương đều có. Hiện nay các sàn này có ở Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM, đó là nơi tất cả những người có ý tưởng có thể đem công nghệ của mình đến để giới thiệu, chào hàng, tìm kiếm nhà đầu tư và nhà tư vấn để hoàn thiện sản phẩm.

- Theo ông vì sao người dân "cứ lặng lẽ nghiên cứu"?

- Các nghiên cứu của họ có thể chỉ gắn với một công việc cụ thể hàng ngày, họ nghĩ đơn giản là không cần tốn kém, không mất nhiều thời gian và công sức, họ làm và sử dụng trong cuộc sống, phổ biến cho cộng đồng. Thực tế rất nhiều người cảm thấy để có hỗ trợ của Nhà nước không phải đơn giản nên còn e ngại. Chúng ta vẫn chưa có kênh nào để ngân sách Nhà nước hỗ trợ kịp thời và trực tiếp cho người dân. Nghị định 13 của Chính phủ về sáng kiến mới nói về mặt nguyên tắc, nhưng bây giờ hỗ trợ thế nào thì các văn bản hướng dẫn cụ thể chưa làm được do còn vướng mắc từ luật Ngân sách Nhà nước. Chúng tôi hy vọng sắp tới Quốc hội thông qua luậtngân sách nhà nước mới thì trong luật sẽ có các điều khoản quy định các kênh hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho người dân.

- Để chọn một ưu tiên trong năm nay nhằm thúc đẩy phát triển của ngành, ông chọn điều gì?

- Tôi chọn "doanh nghiệp khởi nghiệp" hay còn gọi là doanh nghiệp start-up, nó là nhân tố thành công của nhiều quốc gia mới phát triển. Doanh nghiệp khởi nghiệp là kết hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nhà đầu tư, khi nhà khoa học có ý tưởng, các nhà đầu tư tìm đến để chấp nhận mạo hiểm, cho ra đời những doanh nghiệp hoạt động ban đầu có thể khó khăn nhưng triển vọng rất to lớn, họ chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Nếu trong năm nay chúng ta làm cho cơ quan quản lý chấp nhận khái niệm đầu tư mạo hiểm, quan tâm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thì năm sau chúng ta có thể có làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, sau 10 năm nữa chúng ta có thể nhìn thấy các kết quả đáng khích lệ như Israel cách đây mấy chục năm đã trở thành "quốc gia khởi nghiệp" như thế nào.

- Bước đi cụ thể cần làm là gì?

- Cần phải thay đổi tư duy của những người làm quản lý, những nhà quản lý và cả doanh nghiệp. Chúng ta hiện nay không có khái niệm đầu tư mạo hiểm, không có khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp, vì thế không ai tạo nên cơ chế chính sách phù hợp. Chúng tôi đã đi những bước đầu tiên rồi, năm nay đang tổ chức ngày hội khởi nghiệp tại ĐHQG Hà Nội. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ tư nhân thành lập quỹ mạo hiểm đầu tiên, hy vọng sau ngày hội khởi nghiệp này sẽ có hàng chục nhóm sinh viên tìm được nhà đầu tư sẽ thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp và sẽ thành công.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp thành công như Google, hay là Microsoft. Họ ban đầu cũng là các doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ.

Chúng ta sống quá lâu trong kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, trong đó có đầu tư mạo hiểm trong hoạt động khoa học. Trong nghiên cứu khoa học chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, có khi còn nhiều hơn thành công. Nhưng trong 10 dự án đầu tư mạo hiểm chỉ cần 1-2 thành công, đủ mang lại lợi ích cho xã hội, bù đắp được thất bại của các dự án khác. Chúng ta hãy để kinh tế thị trường phát huy tác dụng.

Theo VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast