Bão số 4 chưa qua, bão Nesat lại tới

Sáng nay (27/9), sau khi đi vào địa phận các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu vùng áp thấp, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh và các trạm thủy văn đầu mối hồ chứa, lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 25/9/2011 đến 13 giờ ngày 27/9/2011 tại Sông Rác là 133,6mm, Kẻ Gỗ 149mm, Nghèn 77mm, TP Hà Tĩnh 90,3mm, Chu Lễ 85,8mm, Hòa Duyệt 73,4mm, Hương Khê 84,7mm, Hương Sơn 37,5mm, Kỳ Anh 174,1mm, Linh Cảm 42,6mm.

Bà con nông dân toàn tỉnh hối hả gặt lúa chạy bão
Bà con nông dân toàn tỉnh hối hả gặt lúa chạy bão

Mực nước trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ là +4,97m (báo động I: 10,0m), tại trạm Hòa Duyệt +3,53m (báo động I: 7,5m. Trên sông Ngàn Phố, tại trạm Sơn Diệm, mực nước đạt + 5,94m (báo động I: 10,5m), tại Sơn Kim + 21,38m. Trên Sông La, tại trạm Linh Cảm mực nước là + 1,26m (báo động I: 4,5m).

Mực nước hồ Kẻ Gỗ 21,08/32,5m (đạt 26,7% dung tích thiết kế), Sông Rác 16,6/23,2m (đạt 34,7% dung tích thiết kế), Thượng Tuy 15,88m (đạt 18,7% dung tích thiết kế). Các hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu, Đập Họ, Họ Võ, Xuân Hoa, Mộc Hương đã chảy tràn. Các hồ chứa khác có dung tích phổ biến từ 64 – 87% so với dung tích thiết kế.

Bão số 4 chưa qua nhưng bão số 5 đang tới. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, hiện nay, ở phía Đông Philippin, cơn bão NESAT đang di chuyển về phía biển Đông. Hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 120,4 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Tây đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Đường đi và vị trí cơn bão số 5 (Nesat)
Đường đi và vị trí cơn bão số 5 (Nesat)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/h), giật cấp14, cấp 15.

Những ngày qua, bão số 4 gây mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều diện tích lúa hè thu đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhằm hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hai do mưa bão gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chạy bão. Đến chiều ngày 27/9, theo tổng hợp của Phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT diện tích lúa hè thu đã thu hoạch là 22.700ha/41.190ha gieo trồng (đạt 55,11%).

Cụ thể như sau: Đức Thọ 3.650/4.030 ha (90,57%); Hương Sơn 1.700/2.500 ha (67,81%); Vũ Quang 250/362 ha (69%); Hương Khê 800/1.428 ha (56,02%); Can Lộc 2.000/7.909 ha (35%); Thạch Hà 3.840/7.433 ha (51,66%); Cẩm Xuyên 5.820/8.235ha (70,15%); Kỳ Anh 2.000/4.257 ha (46,98%); Lộc Hà 500/1.820 ha (27,5%); Nghi Xuân 270/447 ha (60,4%); thị xã Hồng Lĩnh 980/1.309 ha (74,9%); thành phố Hà Tĩnh 890/1.350 ha (63,98%).

Dưới góc độ của cơ quan chuyên môn, kỹ sư Nguyễn Trí Hà khuyến cáo bà con nông dân hai vấn đề: đối với lúa đã tuốt, cần rải đều trên sàn, rồi bật quạt điện hoặc dùng bóng điện công suất lớn để làm mất hơi nước trong hạt nhằm hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng nảy mầm; đối với lúa vừa gặt nhưng chưa có điều kiện tuốt thì để ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với đất ẩm và dựng đứng bó mạ lên để hạt luôn khô ráo, tránh tình trạng nảy mầm.

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT đánh giá, thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã tập trung cao độ trong việc chỉ đạo và hỗ trợ bà con nông dân toàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. Nhận thức được diễn biến phức tạp của mưa bão, bà con nông dân đã hối hả gặt lúa chạy bão bằng hết khả năng của mình.

Cũng theo kỹ sư Hà, thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp, nhất là khi cơ quan khí tượng dự báo có thêm một cơn bão mới đang tiến vào biển Đông. Để hạn chế thất thoát lúa, đề nghị bà con nông dân, sau khi mưa ngớt, cần tiếp tục huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch gọn lúa hè thu theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Đồng thời với thu hoạch là tổ chức các biện pháp hong khô lúa nhằm hạn chế tình trạng nảy mầm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast