Nghịch lý giá nông sản

2/3 thậm chí là ¾ giá trị hàng nông sản đang chảy vào khâu phân phối. Công sức của người nông dân không được đánh giá đúng mức, trong khi người tiêu dùng cũng không hoàn toàn được lợi. Hà Tĩnh đang thiếu đi những kênh phân phối ổn định, hợp lý hay người sản xuất hàng nông sản Hà Tĩnh đang thiếu sự trợ giúp của cơ quan chức năng?

Đang có một sự chênh lệch quá lớn về giá nông sản. Sự chênh lệch khiến người nông dân không khỏi tủi thân và người tiêu dùng cũng phải chạnh lòng
Đang có một sự chênh lệch quá lớn về giá nông sản. Sự chênh lệch khiến người nông dân không khỏi tủi thân và người tiêu dùng cũng phải chạnh lòng

Chênh lệch về giá giữa sản xuất với phân phối là điều tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thế nhưng nhìn vào thị trường nông sản hiện nay thì rõ ràng đang có một sự chênh lệch quá lớn. Sự chênh lệch khiến người nông dân không khỏi tủi thân và người tiêu dùng cũng phải chạnh lòng.

Một ví dụ: Giá một kg dưa hấu tại gốc ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà vào đầu vụ chỉ là 2.500 đồng, hiện nay tăng lên gần 4.000 đồng nhưng tại chợ TP Hà Tĩnh mỗi kg dưa hấu được bán lên tới 10.000 đồng. Không rõ một quả dưa hấu từ Bắc Sơn đến TP Hà Tĩnh phải đi qua bao nhiêu đầu mối trung gian nhưng trên thực tế khâu phân phối đã chiếm đến 2/3 giá trị.

Một ví dụ khác: trong và sau đợt dịch tai xanh vừa qua, giá lợn hơi thấp đến mức kỷ lục. Có thời điểm giá xuống còn 35.000 đồng/1kg. Thế nhưng, trung bình mỗi kg lợn thịt tại chợ TP Hà Tĩnh vẫn dao động trên dưới 100.000 đồng, nghĩa là bằng mức giá được thiết lập vào dịp Tết nguyên đán. Như vậy người chăn nuôi chỉ hưởng 1/3 giá trị từ sản phẩm, 2/3 còn lại chảy vào khâu phân phối.

Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về các sản phẩm nông nghiệp đang chịu sự chênh lệch lớn về giá giữa khâu sản xuất với khâu tiêu thụ. Dĩ nhiên, để đến được tay người tiêu dùng, sản phẩm phải trải qua một số công đoạn với một số chi phí nhất định nhưng một khi phần lớn giá trị đang chảy vào khâu phân phối thì không thể không khiến người sản xuất phải suy nghĩ.

Ông Lê Văn Nhị – Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco cho rằng, khâu phân phối hàng nông sản ở Hà Tĩnh đang có vấn đề. Theo ông Nhị, việc giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường vẫn không chịu hạ khi giá lợn hơi sụt giảm thảm hại là đi ngược với quy luật cung cầu. Nguyên nhân được lý giải là do nguồn cung thịt lợn cho thị trường phụ thuộc vào một nhóm tể lô. Dù với bất cứ biến động nào thì số thịt lợn bán ra thị trường cũng được khống chế với một khối lượng giết mổ nhất định và do vậy giá cả luôn được duy trì ở mức chênh lệch bất hợp lý.

Do quá phụ thuộc vào thị trường trong từng thời điểm nên người sản xuất (nông dân) hầu như không có nhiều lựa chọn. Cách đây một năm giá mủ cao su tụt xuống tới 45 triệu đồng/1 tấn, nghĩa là chỉ bằng một nửa giá bình quân trước đây nhưng người trồng vẫn phải ngậm ngùi xuất bán.

Trên một số lĩnh vực, nông dân thậm chí còn phải đối diện với tình trạng càng sản xuất nhiều thì khả năng tiêu thụ càng bị đe dọa. Cách đây 5 năm giá mỗi lạng nhung hươu trên dưới 1,5 triệu đồng thế nhưng cùng với phong trào nuôi hươu được mở rộng từ Hương Sơn sang Vũ Quang, Can Lộc, Hương Khê…thì nay mỗi lạng nhung hươu chỉ còn hơn 1 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Trần Bá Hoành thừa nhận, dù địa phương có lợi thế vào loại nhất nhì huyện Thạch Hà về trồng dưa hấu nhưng cũng chỉ giám phát triển diện tích cầm chừng vì sợ làm quá nhiều lại không bán được.

Vấn đề là ở chỗ thị trường tiêu thụ luôn bị giới hạn, trong khi thời điểm xuất bán của nông sản luôn mang tính thời vụ. Lời giải cho bài toán thời vụ nằm ở khâu chế biến lại đang gần như là con số không ở Hà Tĩnh. Dù tỉnh đã có rất nhiều chính sách khuyến khích nhưng không hiểu sao số doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Một nguyên nhân khác khiến cho hàng nông sản không giữ được giá khi xuất bán đó là việc bảo vệ thương hiệu. Cách đây 6 năm, bưởi Phúc Trạch đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc gia, thế nhưng đến bất cứ nơi đâu người mua cũng được giới thiệu là bưởi Phúc Trạch. Những tấm tem bảo hộ thương hiệu được dán tùy tiện lên sản vật. Sự đánh đồng giá trị bưởi Phúc Trạch đã làm mất giá thứ sản vật có một không hai của đất Hà Tĩnh.

Một ví dụ khác: 2 năm trở lại đây người dân Tượng Sơn huyện Thạch Hà tập trung trồng rau xanh theo tiêu chuẩn Viet Gap. Rau Viet Gap là rau phải được chăm bón bằng nguồn phân hữu cơ, theo một quy trình sạch. Phàm là những gì làm theo quy trình, làm theo tiêu chuẩn đều đòi hỏi chi phí cao hơn cách làm thông dụng.

Chi phí cho việc trồng rau theo tiêu chuẩn Viet Gap dĩ nhiên cũng phải cao hơn chi phí trồng rau bình thường. Thế nhưng, khi xuất bán thì không ai xác nhận đâu là rau Viet Gap đâu là rau bình thường. Hệ quả người bỏ chi phí lớn cũng phải chấp nhận giá bán ngang hoặc thấp hơn giá sản phẩm của những người bỏ chi phí ít. Thua thiệt chắc chắn thuộc về người trồng rau Viet Gap trong khi các khâu trung gian luôn được lợi vì nguồn cung dồi dào, chất lượng rau tốt, chênh lệch về giá lại được đội lên.

Rõ ràng giữa sản xuất với phân phối hàng nông sản đang có những sự chênh lệch lớn về giá trị hay nói cách khác phần lớn giá trị nông sản đang rơi vào kênh phân phối. Hà Tĩnh đang thiếu đi những kênh phân phối ổn định, hợp lý hay người sản xuất hàng nông sản Hà Tĩnh đang thiếu sự trợ giúp của cơ quan chức năng? Có lẽ cả hai nguyên nhân đều đúng vì ít nhất cho đến thời điểm hiện tại công việc của phần lớn nông dân vẫn là sản xuất, còn tiêu thụ ra sao hoàn toàn tùy thuộc vào thị trường trong từng thời điểm cụ thể.

Dường như trên sân chơi này, nông dân vẫn là những người đơn độc!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast