6,5 tỷ USD vốn ODA cam kết cho năm tới

Nhật Bản giữ vai trò nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam năm tới. Các tổ chức đa phương cũng cam kết ở mức khá cho dù kinh tế thế giới không khả quan.

Phát biểu cuối phiên họp Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội ngày 10/12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết các nhà tài trợ cam kết số vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho năm tới là 6,485 tỷ USD. Con số này không cao như năm ngoái, và đánh dấu năm giảm thứ 3 liên tiếp, song phía Việt Nam đánh giá cao hỗ trợ của các nhà tài trợ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

"Người dân tại các quốc gia tài trợ vẫn đang phải thắt lưng buộc bụng, chống chọi với khủng hoảng kinh tế, mà các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam một hỗ trợ rất to lớn. Do đó những dòng tiền này càng quý giá hơn bao giờ hết”, Bộ truởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Cảm ơn các nhà tài trợ, Bộ trưởng Vinh thay mặt Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực để giải ngân với tiến độ tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, để không phụ lòng các nhà tài trợ, cũng như nhân dân của các nước tài trợ.

Khác với các Hội nghị CG thường niên trước đây, năm nay ban tổ chức không công bố chi tiết khoản cam kết của từng nhà tài trợ, chỉ cho biết con số tổng. Theo nguồn tin của VnExpress, Nhật Bản tiếp tục giữ vai trò nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam năm tới, cho dù số lượng cam kết giảm gần một nửa so với năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) là các nhà tài trợ đa phương lớn nhất, với mức cam kết dao động 1,4-1,6 tỷ USD.

Trong phiên làm việc buổi sáng, phía Nhật Bản chỉ tuyên bố về khoản viện trợ có thể cam kết thêm từ nay đến hết tài khóa 2012 (năm tài chính của Nhật, kết thúc vào tháng 3 năm sau). Dự kiến con số cam kết cho cả tài khóa này, theo Đại sứ Nhật Bản Tanizaki Yasuaki là 2,6 tỷ USD, cao hơn 700 triệu USD so với mức đã công bố cuối năm ngoái. Con số này chưa cố định mà còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ chuẩn bị dự án của Chính phủ Việt Nam, ông Yasuaki phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ (CG) diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

"Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam chỉ đạo để các dự án đuợc thực hiện một cách thuận lợi, qua đó hợp tác ODA của Nhật Bản sẽ tiếp tục mang lại nhiều thành công", vị Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói.

Về cam kết cho năm 2013, ông Motonori Tsuno, Trưởng Đại diện của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ cho biết Nhật Bản muốn tiếp tục làm nhà tài trợ lớn nhất về ODA cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng tham gia Hội nghị CG.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng tham gia Hội nghị CG.

Hai lĩnh vực lớn nhất mà Nhật Bản muốn tập trung hợp tác là cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Motonori Tsuno, khi Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nuớc có nền công nghiệp phát triển, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển nguồn nhân công cấp cao, lao động có tay nghề. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số liệu cho thấy trong số 1.836,1 tỷ yen tổng vốn vay cam kết của Nhật Bản cho Việt Nam đến năm 2011, chiếm đa số (39%) là vốn vay dành cho lĩnh vực Giao thông vận tải và 29% vốn vay cho ngành Điện lực.

Đại diện JICA chia sẻ thêm, cũng như các nhà tài trợ khác, Nhật Bản kỳ vọng Việt Nam cần cải cách hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nuớc. Theo đại diện JICA, Việt Nam cũng cần công bố một cách chính xác tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nuớc. Điều này sẽ giúp các nhà tài trợ nắm được một cách rõ ràng bức tranh chính xác về giới doanh nghiệp Nhà nước và giới ngân hàng.

Trong những năm vừa rồi, Nhật Bản liên tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam. Theo đại diện của JICA, tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA trong những năm qua ngày càng tiến bộ, nhờ vào các cải cách từ phía Chính phủ Việt Nam.

Đại diện Hàn Quốc hôm nay cũng tuyên bố trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, nuớc này sẽ cung cấp khoản tài trợ 1,2 tỷ USD cho Việt Nam, bên cạnh các dự án hợp tác hàng năm từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Liên minh châu Âu cũng cho biết trong năm 2013 sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản vay ODA trị giá 743,16 triệu USD. Nếu cộng cả khoản đóng góp từ EU cho ADB, Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới, tổng cam kết từ EU cho Việt Nam trong năm sau là 965 triệu USD.

Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những đánh giá tích cực cũng như góp ý của các nhà tài trợ. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ 20 năm qua, Việt Nam từ một quốc gia nghèo nay đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, thu nhập đầu người năm 1990 là 140 USD thì nay đã gần 1.600 USD. Đồng thời Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo.

"Đây không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn là thành công của các nhà tài trợ trong hơn 20 năm qua. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, xin cảm ơn những gì các nhà tài trợ đã dành cho chúng tôi 20 năm qua", ông nói.

Thủ tướng cho biết, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn, đòi hỏi Chính phủ điều hành linh hoạt hơn, huy động mọi người lực trong nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 và tạo sự phát triển bền vững trong dài hạn như chủ đề của CG năm nay. Theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho 2013, GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 5,5% và lạm phát giữ ở mức 6,5%. Để đạt GDP cao hơn, chính phủ tập trung giúp doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và cân nhắc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm ngoái, tổng mức ODA cam kết từ các nhà tài trợ là gần 7,4 tỷ USD, giảm so với con số 7,9 tỷ USD tại Hội nghị CG 2010 hay 8 tỷ USD hồi năm 2009. Trước đó, suốt từ Hội nghị CG đầu tiên năm 1993 đến Hội nghị 2009, mức cam kết của các nhà tài trợ liên tục tăng.

Trong 11 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã giải ngân được 3,56 tỷ USD, vượt 17% so với kế hoạch cả năm. Tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam những năm gần đây luôn ở mức cao, từ mức 1,785 tỷ USD năm 2006 lên 3,541 tỷ USD năm 2010 và 3,65 tỷ USD năm 2011.

Tính đến hết năm 2011, đã có khoảng 33,414 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam được giải ngân kể từ kỳ CG đầu tiên, chiếm 61% tổng vốn ODA đã ký kết.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, từ năm sau Diễn đàn Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ sẽ mang tên mới là Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam, là một nấc thang mới trong trong việc bàn thảo các chính sách cấp cao.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast