Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện phát triển KT-XH năm 2010 và kế hoạch năm 2011

Thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011, các đại biểu cho rằng nền kinh tế có dấu hiệu khả quan: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 13,8% so với năm trước; môi trường đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về một số lĩnh vực và chỉ số tăng trưởng.

Điều chỉnh chính sách tiền tệ cần linh hoạt

Theo đại biểu Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hòa Bình), nỗi lo về giá cả thị trường thế giới tăng cao gây áp lực đến thị trường trong nước, đặc biệt hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp Nhà nước chưa được cải thiện. Tình trạng chậm trễ, sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước còn khá phổ biến, mặt bằng lãi suất luôn ở mức khá cao. Cho dù cơ quan Nhà nước đã có nỗ lực nhất định, nhưng các quyết định điều hành chính sách tiền tệ còn nặng tính hành chính, chưa sát với thực tiễn của diễn biến thị trường. Những yếu tố này, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, giảm môi trường đầu tư.

Đại biểu Bùi Văn Tỉnh đề nghị, để giải quyết tình trạng trong khi công tác giải ngân cao, nhưng giá trị khối lượng hoàn thành thấp, không nên gọi là giải ngân trong thanh toán đầu tư mà nên gọi là tạm ứng theo cơ chế là tạm ứng không quá 50% kế hoạch vốn hàng năm và không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án; có quy định thời hạn tạm ứng, nếu quá hạn sẽ tính theo lãi suất ngân hàng; tiến hành kiểm tra cơ sở để hình thành lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt; nghiên cứu cơ chế huy động cao nhất các nguồn vốn còn rất lớn trong dân; tăng cường kiểm soát giá cả, đặc biệt là mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu.

Nợ công cần được kiểm soát chặt chẽ

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao và chỉ số lạm phát ở mức 8,64% và 2 tháng cuối năm có thể tiến tới 2 con số. Theo đại biểu, đây là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc vì tăng trưởng kinh tế mà không gắn với đời sống kinh tế tăng lên thì chất lượng tăng trưởng thấp.

Nêu ý kiến về một số chỉ số liên quan đến chất lượng tăng trưởng, trong đó có chỉ số ICOR đo lường hiệu quả đầu tư đang kéo chỉ số tăng trưởng của Việt Nam với chất lượng rất hạn chế. Nếu tính mức đầu tư phát triển là 41% theo như báo cáo của Chính phủ, để có được 6,7% tăng trưởng thì chỉ số ICOR là 6,2%, ở khu vực công có thể lên đến 10%. Như vậy nước ta là một trong những nước có chỉ số đầu tư công là khá cao. Điều này chứng tỏ tăng trưởng và đầu tư công khá là bức xúc mà Quốc hội cùng Chính phủ tập trung vào giải quyết.

Cũng về vấn đề nợ công, theo báo cáo nợ Chính phủ là 44,5%, trong đó nợ nước ngoài là 42,2%. Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu tính đúng, tính đủ theo Luật Đầu tư công thì chỉ số nợ đầu tư công còn cao hơn hiện nay. Bởi lẽ, chúng ta chưa tính hết đến các khoản nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp của Nhà nước vay, nợ trái phiếu Chính phủ của doanh nghiệp mà Chính phủ sẽ phải bảo lãnh. Do vậy, nợ công của Việt Nam đang tiệm cận đến những vấn đề không an toàn.

Hiện nay, có nhiều dự án vay vốn của doanh nghiệp nhà nước mang lại hiệu quả thấp, chưa nói là làm mất đi khá nhiều vốn, làm tiềm ẩn những nguy cơ. Bên cạnh đó, khoản nợ nước ngoài 42,2% chỉ cần tính theo chênh lệch tỷ giá USD, EUR, Yên đang bị trượt giá rất nhiều. Nếu tính khoản trượt giá này cũng kéo theo khoản nợ hàng tỷ USD đối với nền kinh tế. Đại biểu đề nghị cần đặt khoản nợ công vào sự kiểm soát đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ nhằm mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn.

Công tác xây dựng quy hoạch còn nhiều bất cập

Đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, quy hoạch những năm qua bất cập, thiếu liên kết, kém bền vững, gây lãng phí lớn. “Trong 12 năm qua, Bộ Xây dựng 4 lần điều chỉnh ngành xi măng do cung – cầu phá vỡ quy hoạch. Ông dẫn chứng: Ngành thép cũng thế, do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Một tỉnh miền Đông Nam bộ có 14 dự án, trong đó 9 dự án ngoài quy hoạch, tiêu tốn hết 60% sản lượng điện của toàn tỉnh. Tỉnh này trở thành thiếu điện, thừa ô nhiễm”.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, vẫn còn khá nhiều ví dụ khác về các “quy hoạch thiểu năng” như vậy, mà một lý do quan trọng là ngành nào biết việc của ngành nấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa với nhau. Đơn cử, quy hoạch điện 6 có nguy cơ bị phá vỡ vì thiếu than. Hiện nay ngành than đang hối hả xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng, trong khi 31 nhà máy nhiệt điện đang đói than từng ngày, ngành thủ công mỹ nghệ thì ăn đong than từng giờ. Quy hoạch các KCN, KCX cũng không sáng sủa. Nhiều khu lay lắt không thể lấp đầy, có quy hoạch thành “treo” xuyên thế kỷ...

Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ xây dựng “quy hoạch nhân lực”, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ công tác quy hoạch. Đồng thời, phải thành lập hội đồng thẩm duyệt công tâm, đủ năng lực; đặt hàng viện nghiên cứu tham vấn, phản biện quy hoạch và kiên quyết chấm dứt hiệu lực đối với những quy hoạch yếu kém, bất cập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast