Vụ việc người dân cản trở trồng cao su ở xã Hòa Hải: Huyện có thờ ơ?

Phát triển cây cao su là một chủ trương lớn của tỉnh, thế nhưng, mới đây, khi Công ty Cao su Hương Khê đang tổ chức làm đường và khai hoang trồng cao su trên diện tích đất đã được UBND tỉnh cho thuê tại xã Hòa Hải thì bị hàng chục hộ dân ngăn cản, không cho thi công. Điều đáng nói là, chính quyền và ngành chức năng huyện Hương Khê, xã Hòa Hải chỉ vào cuộc một cách hời hợt, khiến người dân được đà lấn tới, phát sẻ lấn chiếm lên đến khoảng 65 ha trên tổng số 324,5 ha đất của Công ty này.

Công ty thực hiện đúng quy trình

Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê được UBND tỉnh cho thuê 374,4 ha đất tại Tiểu khu 192 xã Hòa Hải, theo Quyết định số: 3202/QĐ-UBND, ngày 26/12/2012, do Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn ký. Trong số này, diện tích giao để Công ty trồng cao su là 324,5 ha; số còn lại là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Sau khi có quyết định cho thuê đất, quyết định về việc chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su tại Tiểu khu 192 xã Hòa Hải của UBND tỉnh; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Biên bản bàn giao đất, giao rừng ngoài thực địa cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê tại Khoảnh 5,7,8,11, Tiểu khu 192 xã Hòa Hải của Đoàn bàn giao (gồm Sở TN&MT, NN&PTNT, UBND huyện Hương Khê, UBND xã Hòa Hải), Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đã đóng nộp đầy đủ các khoản tiền đền bù theo quy định (nộp vào tài khoản ngân sách tỉnh 1 tỷ 808 triệu; ngân sách xã Hòa Hải: 1 tỷ 622 triệu đồng).

Một vùng rừng của Cty cao su bị người dân tự ý phát sẻ, lấn chiếm

Một vùng rừng của Cty cao su bị người dân tự ý phát sẻ, lấn chiếm

Tiếp đó, ngày 20/11/2012, Công ty có Thông báo số: 805/TB-CSHK gửi UBND huyện Hương Khê, các phòng, ngành liên quan và xã Hòa Hải, báo cáo về việc Công ty sẽ triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doah tại Tiểu khu 192 trên địa bàn xã Hòa Hải. Khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ theo quy định, Công ty mới tiến hành mở đường, khai hoang đất để chuẩn bị cho vụ trồng cao su năm 2013. Tuy nhiên, khi Công ty mới cho máy vào mở đường thì bị người dân cản trở, xâm lấn, gây đình trệ kế hoạch và có thể bị chậm thời vụ sản xuất của Công ty!

Người dân được đà lấn tới

Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định, sáng 22/11/2012, Công ty TNHHMTV Cao su Hương Khê tiến hành đưa máy vào mở đường và khai hoang trồng cao su tại Lô 17, Khoảnh 11, TK 192. Thế nhưng, trong lúc đang thi công, có 4 công dân xóm 11 xã Hòa Hải là: Phan Văn Khởi, Phan Văn An, Phan Văn Kháng, Phan Văn Tân đã có hành động ngăn cản, đồng thời sẻ phát bao và tuyên bố chiếm khoảng 15 ha đất rừng của Công ty.

Trước tình hình đó, Công ty đã phối hợp cán bộ địa chính xã giải thích, tuyên truyền và lập biên bản nhưng các hộ dân này vẫn cố tình ngăn cản. Sau khi sự việc xảy ra, ngày 30/11/2012, Công ty đã có báo cáo bằng văn bản về vụ việc và trực tiếp làm việc với Đảng ủy, UBND xã Hòa Hải, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Ngày 5/12/2012, Công ty phối hợp với Công an huyện Hương Khê, Công an xã Hòa Hải tiếp tục tiến hành thực hiện cho máy khai hoang để trồng cao su tại Lô 14 và lô 17 Khoảnh 11, Tiểu khu 192. Trong quá trình thi công, đến 15 giờ ngày 6/12, có 13 người dân xóm 11 xã Hòa Hải tiếp tục vào ngăn cản. Công ty và công an đã giải thích, tuyên truyền, vận động và lập biên bản nhưng 13 người này vẫn tiếp tục ngăn cản.

Sau khi Công ty làm việc với Thường trực Đảng ủy xã và báo cáo tình hình, ngày 12/12/2012, UBND xã Hòa Hải đã mời 13 hộ dân nói trên lên xã nói rõ, việc các hộ dân ngăn cản Công ty cao su như vậy là vi phạm pháp luật; đồng thời giải thích, tuyên truyền cho các hộ dân nhận thức đúng và chấp hành nghiêm theo pháp luật.

Tuy nhiên, vào hồi 10 giờ ngày 16/12/2012, Công ty Cao su Hương Khê phối hợp với công an xã Hòa Hải, Đồn Biên phòng 569 tiến hành cho máy ủi khai hoang trồng cao su tại Tiểu khu 14 và 17 Khoảnh 11 Tiểu khu 192 thì có 36 người dân xóm 10 và 11 xã Hòa Hải (có danh sách cụ thể) lại tiếp tục vào ngăn cản, không cho máy thi công. Cán bộ Công ty, cán bộ Đồn Biên phòng 569 đã tuyên truyền, giải thích và lập biên bản nhưng 36 người dân vẫn cố tình ngăn cản...

Không dừng lại ở đó, đến thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường (ngày 15/1/2013), người dân vẫn tiếp tục lên phát sẻ, lấn chiếm trên diện tích đất nhà nước đã giao cho Công ty cao su với diện tích phát sẻ lên đến khoảng 65 ha!.

Diện tích rừng của Công ty cao su bị người dân ngang nhiên phát sẻ, lấn chiếm lên đến khoảng 65 ha

Diện tích rừng của Công ty cao su bị người dân ngang nhiên phát sẻ, lấn chiếm lên đến khoảng 65 ha

Có đầy đủ thủ tục pháp lý và đã nộp gần 3,5 tỷ vào ngân sách nhà nước theo quy định, thế nhưng, Công ty cao su Hương Khê vẫn không thể vào khai hoang để thực hiện kế hoạch trồng cao su trên phần đất đã được UBND tỉnh cho thuê!. Hiện tại, Công ty đang cắt cử bảo vệ bám hiện trường để tuyên truyền, vận động. Còn chính quyền và ngành chức năng huyện Hương Khê thì vẫn vào cuộc ở mức… hời hợt.

Chính quyền và ngành chức năng huyện chưa quyết liệt!

Ban đầu là 4 người, sau đó lên 13 người, rồi 36 người, rồi lên đến hàng chục người dân Hòa Hải ngang nhiên ngăn cản và tự ý phát sẻ, lấn chiếm trên diện tích đất rừng mà nhà nước đã giao cho Công ty cao su Hương Khê nhưng, các cơ quan chức năng của huyện Hương Khê vẫn vào cuộc một cách rất hời hợt!

Việc hàng chục hộ dân ngăn cản không cho Công ty cao su thi công, và tổ chức phát sẻ rừng của Công ty đã được nhà nước giao, không phải xảy ra trong một vài ngày mà kéo dài hàng tháng trời, hết đợt này sang đợt khác, được Công ty Cao su báo cáo nhưng chính quyền và ngành chức năng vẫn không ngăn chặn một cách quyết liệt. Hậu quả bây giờ là người dân không cho máy vào thi công và đã phát sẻ lên đến khoảng 65 ha, gây đình trệ đến hoạt động sản xuất của Công ty.

Nếu huyện Huyện ủy, UBND, Công an huyện Hương Khê thực sự có trách nhiệm trong vấn đề này, chắc chắn không có chuyện người dân ngang nhiên ngăn cản hết đợt này sang đợt khác và ngang nhiên phát sẻ (nhằm mục đích trồng keo - PV) trên diện tích lớn đến như vậy. Việc làm này của người dân là vi phạm pháp luật, lẽ ra phải có biện pháp ngăn chặn nhưng không hiểu vì sao lại được các cấp, ngành chức năng ở địa phương này được dung túng?!

Ông Nguyễn Đình Quang: "Chúng tôi cũng nhận thấy địa phương có phần chưa chặt chẽ, chưa sâu sát trong vấn đề này"
Ông Nguyễn Đình Quang: "Chúng tôi cũng nhận thấy địa phương có phần chưa chặt chẽ, chưa sâu sát trong vấn đề này"

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết: “Việc đưa cây cao su về địa bàn, chúng tôi rất ủng hộ; đại đa số nhân dân Hòa Hải cũng đồng tình nhưng chỉ có một số hộ dân ở xóm 10 và 11 không đồng tình. Họ nói công ty cao su làm được thì họ cũng làm được. Tuy nhiên, năm 2001, chúng tôi tiến hành giao đất giao rừng, những hộ dân này không nhận; đến năm 2011, chúng tôi thông báo ai có nhu cầu thì làm đơn để xã giao đất rừng nhưng các hộ này cũng không nhận. Thế nhưng, khi Cty cao su vào thì họ lại ngăn cản. Việc hàng chục hộ dân Hòa Hải ngăn cản không cho Công ty cao su thi công và tổ chức phát sẻ một diện tích lớn như thế trên đất đã được tỉnh giao cho Công ty cao su, có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chúng tôi tự nhận thấy địa phương có phần chưa chặt chẽ, chưa sâu sát trong vấn đề này”.

Ông Quang cho biết thêm: “Theo khảo sát thiết kế, diện tích có thể trồng cao su khu vực này là 517,7 ha, nhưng chúng tôi chỉ đề xuất cho công ty cao su thuê 324,5 ha, số còn lại giao cho dân để phát triển cao su tiểu điền. Công ty đã có đầy đủ thủ tục và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước nên việc nhân dân ngăn cản, phát sẻ lấn chiếm trên đất công ty cao su là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ điều đó. Hiện tại, xã đang còn gần 700 ha rừng sản xuất thuộc quyền quản lý của xã nên sắp tới, chúng tôi sẽ xem xét để bàn giao cho các hộ dân, nếu họ có nhu cầu nhận đất, chứ không chấp nhận để dân lấn đất công ty cao su như thế này được. Chúng tôi vẫn nhận thức được rằng, Công ty có vào làm cao su đại điền thì phong trào trồng cao su tiểu điền mới phát triển được; nông dân Hòa Hải sẽ khá lên được”.

Một cán bộ lão làng trong ngành nông nghiệp cho biết: “Cây cao su đã được khẳng định về giá trị kinh tế cũng như có chức năng phủ xanh đất trống đồi trọc; được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh chứ không phải nghi ngờ gì nữa. Cao su đi đến đâu, hạ tầng được đầu tư đến đó, công ăn việc làm được giải quyết đến đó, vậy mà không ủng hộ cao su là quá vô lý. Tỉnh ta hiện có trên 10.000 ha cao su, tuy mới đưa vào khai thác chưa đầy 1/3 trong số đó nhưng hàng năm đã đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách, đặc biệt là đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Sản phẩm mủ cao su cũng đã được đưa vào danh mục các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Tôi thấy, việc hàng chục người dân Hòa Hải ngang nhiên vào ngăn cản, lấn chiếm phát sẻ trên đất cao su như vậy là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. Cây cao su phát triển mạnh, sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao hạ tầng nông thôn, đặc biệt là góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh nhà. Sự việc này diễn ra hàng tháng trời như vậy mà cơ quan chức năng vẫn thờ ơ như thế thì thật là quá vô lý!”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast