Khủng hoảng nước sạch đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới

(Baohatinh.vn) - Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo ra ngày 3/5 đã cảnh báo, giữa thập kỷ này, nhiều quốc gia trên thế giới có thể sẽ phải gánh chịu các tác động đáng kể về tăng trưởng kinh tế khi lượng nước sạch trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu.

khung hoang nuoc sach de doa tang truong kinh te the gioi

Người dân Ấn Độ đang chật vật để đối phó với tình trạng nắng nóng và thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh: Reuters)

Trung Đông có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Định chế tài chính có trụ sở chính đặt tại Washington, D.C. dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Đông sẽ giảm đến 14% vào năm 2050, trừ khi khu vực này có các biện pháp kịp thời nhằm tái phân bổ lại nguồn nước. Những biện pháp này bao gồm các nỗ lực và đầu tư có hiệu quả vào các công nghệ như khử muối và tái chế nước thải, WB cho hay.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và hạn hán. Tuyết rơi được thay thế bởi mưa với tỷ lệ bốc hơi cao hơn. Các núi băng tuyết dần bị thu hẹp lại, tình trạng tan sông băng trong đất liền có thể làm cạn kiệt nguồn dòng chảy, bên cạnh đó nguy cơ xâm nhập mặt do nước biển dâng cao cũng đang đe dọa đến nguồn nước ngầm.

Tình trạng thiếu nước sạch có thể gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp đến năng lượng, theo WB. “Nước chắc chắn là trung tâm của cuộc sống nhưng nó cũng là trung tâm của các hoạt động kinh tế” - Ông Richard Damania, nhà kinh tế học chính của WB, kiêm tác giả chính của báo cáo cho biết.

Tình trạng khan hiếm nước sẽ không gây tác động tương tự trên toàn thế giới. Theo WB, các nền kinh tế ở Tây Âu và Bắc Mỹ có khả năng sẽ thoát khỏi những ảnh hưởng này, tuy nhiên, các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ có thể chịu tác động mạnh.

Trong vành đai Sahel trải dài khắp châu Phi, phía dưới sa mạc Sahara, GDP khu vực này có thể giảm 11% do tình trạng khan hiếm nước. WB cho hay, Trung Á cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự.

Theo WB, các biện pháp để tái phân bổ nước sạch chỉ có thể làm giảm tác động ở một số vùng. Chẳng hạn, thay đổi trong cách phân bổ có thể giúp GDP ở Trung Á tăng khoảng 11% vào năm 2050.

WB cũng ủng hộ phương án định giá tiêu thụ nước tuy nhiên đề xuất này đang vấp phải một số phản đối do nhiều người cho rằng tiêu thụ nước là một quyền của con người.

Khoảng 1/4 dân số thế giới, tương đương 1,6 tỷ người đang sống ở các quốc gia khan hiếm nguồn nước. Tháng trước, 175 nước đã ký kết một thỏa thuận đạt được năm ngoái tại Paris nhằm làm chậm lại sự nóng lên toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.

(Theo Reuters)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast