Tổ công tác của Thủ tướng giúp đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ của bộ ngành, địa phương

Với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại va chạm, công khai và minh bạch, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động mạnh mẽ, góp phần giúp chuyển biến tích cực tình hình triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao.

Theo ông Mai Tiến Dũng, trước đây, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các phát biểu, kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ không được kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nên cách nhìn nhận, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khi kiểm điểm không rõ, từ đó ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, doanh nghiệp với môi trường đầu tư trong nước.

to cong tac cua thu tuong giup day nhanh thuc hien nhiem vu cua bo nganh dia phuong

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài rất băn khoăn, vì đề xuất, kiến nghị của họ không được cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo một cách nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, việc đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm khi vừa nhậm chức, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, hay nói cách khác là rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bãi bỏ những nội dung không hợp lý, không cần thiết, kìm hãm sự phát triển.

Một năm trước, ngày 19/8/2016, Người đứng đầu Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương, tính thời điểm từ 1/1/2016. Đây là nhiệm vụ mới so với Chính phủ các khóa trước.

Gọn nhẹ và hiệu quả

Với cơ cấu gọn nhẹ, theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổ công tác gồm 1 Tổ trưởng, 2 Tổ phó, 5 thành viên và 3 cán bộ thường trực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trực tiếp làm Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là hai Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Nguyễn Cao Lục. Thành viên Tổ công tác gồm Thứ trưởng 5 Bộ là: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn.

Hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao, tính đến hết tháng 8/2017, Tổ công tác đã kiểm tra 31 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, kiểm tra 13 bộ, cơ quan ngang bộ, 6 địa phương, 5 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và tiến hành 7 cuộc kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo từng kỳ của Thủ tướng.

Với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại va chạm, công khai và minh bạch, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động mạnh mẽ, góp phần giúp tình hình triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao chuyển biến tích cực.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, số nhiệm vụ quá hạn giảm đã rõ rệt. Từ đầu năm tới ngày 29/8, có tổng số 13.672 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương; trong đó, có 7.455 nhiệm vụ đã hoàn thành; còn 6.217 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn 5.996, quá hạn 221).

Nếu như tỷ lệ nhiệm vụ chậm trễ trước khi Tổ công tác được thành lập (trước 30/7/2016) lên tới trên 25%, thì đến thời điểm này đã giảm mạnh, tới cuối tháng 8 chỉ còn chiếm 2,8%, giảm 0,4% so với tháng 7/2017.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, điều quan trọng hơn là thông qua Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa, nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã thành lập Tổ công tác của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ. Khi giao ban đều ưu tiên báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng, của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh. Trách nhiệm của từng lãnh đạo bộ, lãnh đạo tỉnh được phân công để xử lý các nhiệm vụ với thời hạn, yêu cầu cụ thể.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các bộ, cơ quan, địa phương, Tổ công tác phát hiện nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống, là rào cản, co kéo quyền lợi theo cơ chế bao cấp, không tốt cho sự phát triển và môi trường đầu tư, từ đó kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp mang tính chất tháo gỡ vướng mắc về thể chế, gây khó khăn cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ như Nghị định 86 về sản xuất ô tô, Nghị định về an toàn thực phẩm, bán hàng đa cấp…

Kiểm tra chuyên sâu hơn

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt là các nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đó là yêu cầu Thủ tướng đặt ra đối với Tổ công tác.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tới đây sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác đã họp và chuẩn bị một nội dung rất quan trọng, đó là sẽ tiến hành kiểm tra mang tính sâu hơn, chuyên đề hơn, hiệu quả, đi thẳng vào vấn đề.

Chẳng hạn việc cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, trọng tâm sẽ kiểm tra cắt giảm giấy phép con của các bộ chuyên ngành, việc thực hiện của các cơ quan thuế, hải quan; kiểm tra mang tính chuyên đề khác như giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, hiệu lực bộ máy Nhà nước…

Hay như hiện nay, nhiều người đặt vấn đề “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển, dưới chưa chuyển”, do đó, cần tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem chuyển động như thế nào.

Đưa ra hình ảnh chỉ có một đầu tàu kéo cả toa tàu thì không nổi mà cần phải vận hành cả lực đẩy, các toa tàu phải cũng có động cơ để kéo, tức là cần sự chuyển động của cả hệ thống, Bộ trưởng nêu rõ “Đầu tàu là Thủ tướng nhưng phần đẩy phải là từ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương”.

Cần nâng cao ý thức thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước, phải chuyển động thực sự, phải ý thức trách nhiệm thực sự với doanh nghiệp, người dân. Công văn chỉ đạo của Thủ tướng quy định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nếu đơn vị đó không thực hiện được thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast