Chưa phát hiện chất tạo nạc trong thực phẩm ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trước thông tin thịt lợn có chất tạo nạc liên tục được phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam, nhiều người tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh tỏ ra lo ngại.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người tiêu dùng và chế biến thực phẩm không phân biệt được thịt lợn giống cao sản, siêu nạc và thịt lợn có chứa chất tạo nạc.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người tiêu dùng và chế biến thực phẩm không phân biệt được thịt lợn giống cao sản, siêu nạc và thịt lợn có chứa chất tạo nạc.

Lo lắng, băn khoăn nhưng khi hỏi về cách nhận biết thịt lợn thường và thịt lợn có chứa chất tạo nạc thì hầu hết người dân đều không biết. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nói thật, người bán hàng bảo sao thì chúng tôi nghe vậy chứ không phân biệt nổi. Sáng sớm đi chợ, hầu hết các cửa hàng thịt lợn đều rất tươi, miếng nào cũng như miếng nào…”.

Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả người kinh doanh, chế biến cũng rất hạn chế trong việc để ý và nhận biết thịt lợn có chất tạo nạc. Chị N.T.H, chủ một cơ sở chế biến giò khá nổi tiếng tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Lâu nay, chúng tôi dùng thịt lợn để làm giò, nhưng cũng khó phân biệt. Điều chúng tôi quan tâm nhất là thịt phải đảm bảo tươi sống bởi nó tạo nên độ ngọt tự nhiên của giò. Chúng tôi cũng thường xuyên nói chuyện với người cung cấp thịt về chất tạo nạc nhưng họ cũng như chúng tôi, đều rất mù mờ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sở đã tiến hành lấy 30 mẫu từ các lô hàng thức ăn và thức ăn bổ sung trên địa bàn tỉnh để phân tích chất tạo nạc, chất vàng ô (cho gà ăn thì vàng đẹp) nhưng kết quả đều âm tính.

Sở NN&PTNT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp, bắt đầu kiểm tra từ ngày 23/12/2015 đến ra Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng chưa phát hiện các chất cấm nói trên.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng bày tỏ lo ngại về việc dùng các chất cấm trong chăn nuôi bởi nó được đưa vào bằng đường tiểu ngạch, trong khi công tác kiểm soát của ngành chức năng còn gặp khó khăn. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của người dân. Ngành NN&PTNT đã phát hàng ngàn tờ rơi và dán áp phích tại các xã, hội quán, thông báo về đường dây nóng, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác việc dùng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi để có hình thức xử lý triệt để.

Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương vào cuộc thực hiện nghiêm túc. Đối với các xã để xảy ra trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi nói riêng và an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, lợn nếu được nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng. Khi chọn thịt, cần tránh loại có lớp mỡ mỏng, chưa đến 1 cm (lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5-2 cm). Cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, có dịch vàng thì đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn có chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast