Vào một đời sống khác

Không thể nhớ đây là lần thứ bao nhiêu, Mai trình bày về căn bệnh kéo dài gần hai mươi năm của mình. “Tôi bị những cơn đau đến mờ mắt. Lúc đầu là đau nửa đầu bên trái, sau lan sang trán, và cuối cùng là mắt nhức, đau rất sâu ở bên trong”. Với tất cả những bác sĩ Mai gặp, cô đều trình từng tập bệnh án, những xét nghiệm, điện não đồ, đơn thuốc, dày dần theo năm tháng khám chữa.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Những đơn thuốc lúc khác nhau, lúc lặp lại. Có thời gian bệnh thuyên giảm chút ít, nhưng bất ngờ cơn đau lại ập đến. Mọi loại thuốc giảm đau bất lực. Thuốc bổ thần kinh lại càng vô nghĩa. Cả trăm thang thuốc đông y không hề làm giảm cơn đau đầu, lại phát huy tác dụng tăng cân, mọc tóc.

Ngồi trước mặt một bác sĩ chừng ba mươi tuổi, thông qua phiên dịch ở một bệnh viện của nước ngoài, Mai càng thấy ngán ngẩm. Câu “Còn nước còn tát” của mẹ và sự nhiệt tình của đồng nghiệp kiêm phiên dịch đẩy Mai đi đến một thành phố quá xa nơi chốn quen thuộc của cô. Ngoại ngữ không biết, cảm giác bế tắc, bất lực trước những cơn đau, những vốc thuốc nặng trĩu, khiến Mai tin rằng, cô bị u não. Một khối u độc ác, chèn ép một cách tùy hứng, thoắt ẩn thoắt hiện như kẻ thù ném đá giấu tay, chọc dao vào lưng, lâu lâu lại ló ra, nhăn nhở: “Tao đây. Đừng quên là tao vẫn tồn tại đấy” khiến Mai điên tiết. Lần này, theo bạn ra nước ngoài, là bước cuối cùng, cũng là sự tuyên chiến giữa cô và nó.

Mai nói với bác sĩ: “Tôi bị u não. Chụp cắt lớp cho tôi đi. Tôi không sợ bất cứ kết quả xấu nào”. Người bạn phiên dịch ngập ngừng, vì dù biết điều Mai nói là suy nghĩ thật, nhưng sự tàn nhẫn thẳng thừng của cô khiến anh dịch lấp vấp.

Viên bác sĩ trẻ, từ lúc Mai vào ngồi đối diện, đến khi cô đưa ra xác quyết “Tôi bị u não” vẫn chưa nói lời nào. Đọc các xét nghiệm, xem điện tâm đồ và từng tập đơn thuốc, rồi bỏ sang bên, bằng bàn tay với ngón thuôn dài, nuột nà như tay con gái. Nhìn sâu vào mắt Mai, rồi bác sĩ nói: “Tôi hiểu cô muốn gì. Để đến đây, cô đã đi khá xa. Nếu chỉ để vào phòng kia chụp cắt lớp, tôi nghĩ cô không cần vất vả như vậy”. Mai im lặng. Cơn giận con quỷ ác trong đầu vẫn hành hạ cô giảm đi chút ít. Bác sĩ nói đúng. Ở nơi cô sống, đâu thiếu các thứ máy chụp cắt lớp mà phải sang tận đây. “Cô có nhớ, những lần đau đầu nhất, thì trước đấy, cô đã làm gì, gặp chuyện gì. Nói chung, là có điều gì đã gây tác động để sau đấy gây đau?”.

Mai ngồi lặng. Chưa bác sĩ nào hỏi cô câu tương tự. Mỗi lần đi khám, sau khi kể lể dông dài về những triệu chứng, về mức độ đau đớn, Mai luôn được bác sĩ gật đầu phán luôn những tên bệnh “đau nửa đầu”, “làm việc quá tải”, “mất ngủ thường xuyên”, “rối loạn nhịp sinh học”, “Nếu sử dụng máy vi tính nhiều thì giảm đi nhé, không tốt”.

Chưa hề có ai hỏi trước khi đau, cô bị thế nào, điều gì đã khiến cô đau.

***

“Tôi luôn đau đầu sau những giấc mơ”.

“Những giấc mơ rất ám ảnh. Cô khóc, cãi nhau, đau khổ, tức giận, vui vẻ… ”.

“Chính xác”.

“Cô mơ đủ loại chuyện. Chuyện nọ dính vào chuyện kia, đều bắt nguồn từ đời sống thật, nhưng khi vào giấc mơ, nó nối vào nhau theo kiểu riêng, có thể nhảy qua nhiều năm, có thể chẳng liên quan gì, nhưng trong cơn mơ, tất cả kết nối thành một thể thống nhất”.

“Chính xác. Sao ông biết rõ thế?”.

“Có những điều rất nhỏ bé, vẩn vơ, chẳng bao giờ cô nghĩ đến nhưng lại chui vào não cô, nằm sâu đâu đó, biến thành tiềm thức. Chúng nằm yên trong các xó não cô, rồi lúc này lúc khác, tự chơi trò chơi xếp hình, biến thành những câu chuyện xuất hiện rõ ràng khi cô bắt đầu ngủ?”.

“Chính xác”.

“Và khi tỉnh dậy, cô thường đau đầu. Có khi chỉ đau nhẹ, có khi đau nặng hơn. Lại có những giấc mơ quá nhiều kịch tính, cô đã khóc, tranh luận, điên cuồng lên, nên khi dậy, cô đau đầu dữ dội?”.

“Chính xác”.

“Thời gian gần đây, cô đau nhiều hơn. Cô sợ phải ngủ, vì mỗi lần tỉnh dậy, cô lại đau như bị siết vào đầu?”.

“Sao ông biết?”.

***

Những viên thuốc bé như viên B1, màu vàng nhạt, đựng trong cái lọ nhỏ, bên ngoài dán tờ giấy tên cô. Một viên, có thể hai, dùng cho một đêm, uống trước lúc đi ngủ khoảng bốn lăm phút. “Việc chụp cắt lớp não bộ theo yêu cầu của cô, chúng tôi có thể tiến hành ngay. Nhưng tôi muốn cô giúp tôi một việc, và xin cô năm ngày, bốn đêm. Sau năm ngày bốn đêm đó, chúng ta gặp lại nhau. Nếu cô vẫn muốn chụp cắt lớp, tôi sẵn sàng. Một tuần nay, như cô nói, cô đau đầu liên tục. Vậy thì cô dùng thuốc này ngay tối nay, cô đồng ý không?”. Ánh mắt sáng, ẩn sau cặp kính lấp lánh của viên bác sĩ, giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt đầy ánh sáng, vừa tình cảm, vừa nghiêm khắc, và lọ thuốc đã nằm trong tay Mai.

“Tôi đã uống đủ loại thuốc ngủ, đều không tác dụng. Thuốc ngủ luôn làm tôi bứt rứt chân tay như có con gì chạy, cắn dưới da. Khó chịu vô cùng. Người tôi tan nát, xương cốt như mất hết, nằm đờ ra, nhưng đầu óc lại tỉnh táo. Thuốc làm tôi mỏi mắt, nhưng không mỏi não. Nếu lại là thuốc ngủ, thì tôi không uống”.

Bác sĩ vẫn chăm chú nghe một cách lịch sự, bình thản. “Đây không phải thuốc ngủ. Chúng có tên khoa học, nói gọn là an thần. Chữ an thần có thể hiểu rất nhiều nghĩa. Thuốc an thần có nhiều loại, dùng cho người tỉnh hay người bị tâm thần, cũng đều gọi là an thần. Nhưng cụ thể thành phần, công dụng từng loại thì khác nhau. Đây không phải thuốc ngủ”. “Vậy thì tôi uống. Nhưng năm ngày nữa, bác sĩ cứ chụp cắt lớp cho tôi. Nếu tôi có cái u trong não, tôi sẵn sàng mổ”.

Bác sĩ nhìn Mai đăm đăm, gật đầu.

***

Bây giờ là tháng tám.

Trời xanh trong, điểm xuyết những cụm mây trắng xốp.

Nằm ngoài hiên, dưới tán cây phượng còn sót lại vài chùm hoa đỏ thẫm, nắng vàng nhỏ giọt trên mặt hồ bơi. Mai lặng ngắt, bất động. Từ sáng, tới giờ là trưa, và sẽ trôi qua chiều, sang tối. Cô biết, mình sẽ nằm thế này. Đêm qua, rõ ràng là bố cô đi cùng cô, trên một con đường nhỏ, hai bên là ruộng lúa chín, có ruộng đã gặt, ai đó đã đốt rơm nên khói xông cay mắt. Bố đi, nghiêng ngả dáng gầy, như người đi trên dây trong rạp xiếc, để không rơi xuống ruộng. Mai lại đi cạnh bố, chân đạp lên những thân rạ cứng dưới ruộng lúa đã cắt. Bố cười, nói rất nhiều. Mai cũng vậy. Có nhiều người quen đi dưới ruộng cùng Mai. Cũng có người đi trên đường như bố. Họ cùng đến một khu đất rộng. Đang ruộng lúa mênh mông, thoắt cái đã là biển. Đoàn người đi dưới ruộng đứng sang một bên. Đoàn người vắt vẻo trên những con đường nhỏ ngăn giữa những mảnh ruộng đứng sang một bên. Bên ấy cao hơn, và cách một cái sân to, sâu hoắm. Hai bên nói cười, vẫy tay chào, nhưng không nhảy sang nhau được. Bố bảo: “Bố đi nhé, xong việc bố về”. Rồi tất cả mọi người bên ấy leo lên những chiếc xe U-oát cũ, tiếng nổ phành phành, khói mù mịt…

Mai gọi bố, muốn hỏi, lúc đi trên ruộng bố bảo con phải nhớ chuyện gì? Rõ ràng bố có nói điều gì đấy, con quên mất rồi. Gọi không được, cô chuyển sang gào. Gào cũng không thấy bố ngoảnh lại. Đoàn người bên bố đi chơi thật vui. Còn bên Mai, ai cũng khóc sụt sùi, cứ như tiễn người vào cõi chết. Mai thấy tức ngực, òa khóc, và tỉnh dậy.

Không thể nhớ, bố đã nói với cô điều gì.

Không thể biết, bố đã muốn Mai làm gì cho bố, khi bố đã ở thế giới bên kia hai mươi lăm năm. Đôi khi, trong quãng thời gian quá dài xa bố, ngỡ như cô sẽ quên đi giọng nói, ánh mắt, những câu chuyện. Nhưng không. Trong giấc mơ có bố luôn về, mỗi lần một chuyện. Chẳng bao giờ lặp lại hay đúng như chuyện cũ. Là những chuyện mà Mai tin, nếu ngày ấy bố không mất, hẳn đã xảy ra.

Nằm từ sáng, cố tìm trong yên tĩnh của một vùng biển trái mùa du lịch, không tiếng người, không tiếng xe máy, chỉ có tiếng sóng vỗ ì oạp ngoài bãi xa, cô tiếc xót ruột việc bố về báo mộng. Bố đã nói với cô nhiều điều mà cô không thể nhớ. Mọi ký ức đã xóa mờ, nhạt nhẽo, có cũng như không của những giấc mơ từ ngày cô dùng viên thuốc nhỏ xíu màu vàng từ tay viên bác sĩ trẻ mặt sáng như ánh trăng ngày rằm ấy. Đổi lại cho sự tiếc nuối vì đã quên, hoặc chỉ nhớ những chuyện không đầu không cuối trong mơ, Mai khỏi bệnh đau đầu.

***

Sau bốn đêm ở một nơi xa xôi, trước mỗi đêm đi ngủ lại uống một viên an thần, ngày thứ năm, Mai gặp lại bác sĩ. Nhìn khuôn mặt đã hồng hồng, hai mắt không đục đỏ của Mai, cũng thấy rõ, cô không phải chịu đựng những cơn đau.

“Hy vọng tôi không phải cho cô chụp cắt lớp”.

Mai gật, tròn mắt nhìn bác sĩ đang giở cuốn sổ nhỏ, có những dòng chữ viết vội, ghi lại chuyện xảy ra hằng ngày. “Tôi vẫn mơ. Hôm đầu tiên, tỉnh dậy, đầu rất nặng, nhưng không đau như trước. Giấc mơ tôi vẫn nhớ, có chút đứt quãng. Hôm thứ hai, có mơ, nhưng ngắn, vui vẻ. Hôm thứ ba, một giấc mơ dài, rất nhiều chuyện kinh khủng, có người cãi nhau, có cống rãnh, nước ngập. Nhưng cụ thể thế nào, không rõ lắm. Tỉnh dậy, không nặng đầu. Hôm thứ tư, tôi… thấy người yêu ngày xưa, chở một cô gái bằng xe máy, đến đứng ở ngõ nhà tôi. Cô ấy cầm con dao chặt hết hoa dâm bụt ở hàng rào, rồi cào vào mặt người yêu tôi. Sau đó, cô ấy nhảy lên xe máy phân khối lớn của anh ấy, hai bên chân, vạt váy bay tóe lên như hai cái diều. Rồi cả cô ấy lẫn cái xe to đùng bay vèo xuống mương nước. Tôi dậy, không đau đầu. Những gì trong giấc mơ, có đúng một phần rất nhỏ, là ngày xưa, anh ấy có trồng một bụi hoa dâm bụt ở vườn nhà. Cô gái đó là vợ một người bạn thân với tôi. Tôi và người yêu đã làm nhiều việc, nói chuyện nhiều, hình như tôi có khóc. Nhưng tôi không thể nhớ nổi, vì sao tôi đã khóc. Chỉ biết, gối tôi nằm ướt đẫm”. Mai đặt cuốn sổ xuống trước mặt, nói tiếp: “Khi chưa uống thuốc, mỗi sáng tỉnh dậy, tôi nhớ rõ từng chi tiết, địa điểm, câu chuyện, cảm xúc của giấc mơ vừa xảy ra. Khi uống thuốc của ông, mọi thứ vẫn có trong đầu, nhưng nhạt nhòa, không nhớ được cụ thể, cũng không còn cảm xúc, tức giận hay vui vẻ. Quá lắm là có khóc, nhưng không khóc mệt như xưa. Nếu không ngay lập tức viết vào cuốn sổ này, bước ra khỏi giường, tiếp xúc với bất cứ chuyện gì, tôi sẽ quên ngay”.

Một lọ thuốc 100 viên, với tên của Mai dán bên ngoài, và nụ cười trên đôi mắt lấp lánh sau cặp kính của viên bác sĩ tạm biệt Mai nơi cầu thang. “Lâu nay, cô sống triệt để thời gian của mình. Ngày, là cuộc đời thực. Đêm, tưởng mình ngủ, nhưng thực ra, cô bước vào một đời sống khác, vừa đẹp đẽ, vừa căng thẳng, lôi kéo cảm xúc rất mạnh. Nhiều năm rồi, cô không hề nghỉ. Đi ngủ, với cô chỉ là chuyển trạng thái. Cô nhắm mắt, thể xác thả lỏng, nhưng tinh thần vẫn hoạt động. Thế giới trong đêm của cô mới là thật”.

Người bạn tốt thở phào, ôm lấy cô, vì anh không phải nhìn thấy cô cạo trọc đầu, nằm bất động trên băng ca, bị đẩy vào máy chụp cắt lớp, rồi căng thẳng chờ đợi xem con ác quỷ được gọi tên là u não đó sẽ hiện nguyên hình. Sau đấy, đầu cô sẽ được phanh ra, và bác sĩ lôi cục u đó ném lên cái khay. Sau đấy là gì, chẳng ai dám nghĩ tiếp.

Nhưng Mai không bị u não.
Mai sống cùng những giấc mơ.
Những giấc mơ làm cô đau đớn.

***

Uống đến viên thứ mười hai, Mai bỏ thuốc. Không phải cô đã hết đau đầu. Không phải cô không coi những viên thuốc đó là cứu tinh của đời mình. Cô cũng không dũng cảm đến mức dám đối mặt với chuyện có thể mình có cục u trong não, phải mổ, và sự sống cái chết hoàn toàn không do cô quyết định.

Không uống thuốc, vì cô không thể xa những giấc mơ. Mai lại đau, cộng thêm cảm giác buồn bởi sự mất mát sau mỗi sáng trở dậy. Nó đến cùng những giọt nước mắt tiếc nuối vì bất lực, biết mình đã tự ném đi những điều quý giá: đấy là những giấc mơ.

Có đêm, thấy bà ngoại ngồi bên cửa sổ, rõ ràng là căn dặn Mai chuyện gì. Hình như bà đi chùa, và giao cô trông nhà. Nhưng Mai, lúc ấy là một cô bé mười ba tuổi, ham chơi chuyền, nhảy dây với bọn ngoài ngõ, đã bỏ nhà ra đường. Chỉ khi khói đã bốc mịt mù, lửa đỏ đã ngùn ngụt vượt qua ô cửa sổ, người ta chạy như điên để dập lửa, Mai mới tỉnh dậy. Cuống cuồng vắt óc nhớ lại, chộp ngay cuốn sổ con để sẵn (từ ngày uống thuốc quên - Mai tự đặt tên cho viên thuốc nhỏ xíu màu vàng của cô), vì cô biết, không ghi lại ngay, cô sẽ quên sạch.

Ghi xong, Mai bấm điện thoại gọi bác dâu, người lo việc hương khói cho tổ tiên: “Cháu mơ thấy bà. Bà nói nhiều lắm, dặn cái gì ấy, nhưng cháu quên mất rồi. Sau đấy, bà đi chùa, cháu đi chơi, một lúc thì thấy nhà cháy đùng đùng”. Bác dâu gào lên: “Cố nhớ xem, bà dặn gì. Quần áo bà có lành lặn không. Bà vui không. Bà có gầy không. Có thấy bà đói bà khát không. Cố nhớ đi, để bác làm lễ cho bà. Sắp rằm tháng bảy, bà về báo mộng đấy”. Mai chết lặng, đau xót: “Cháu không thể nhớ được”. “Ngày trước, cháu luôn nhớ mọi chuyện trong mơ mà. Nhiều điềm báo cho cháu đúng lắm, bác cháu mình đã từng kiểm tra, chả đúng hết là gì”. “Vâng, nhưng dạo này, cháu… uống thuốc để … quên bác ạ”.

***

Chiều xuống chậm. Ngoài bãi cát, tiếng trẻ con la hét, tiếng dân buôn gọi nhau về mớ cá, mớ tôm. Tiếng cô ca-ve ngang ngang, mùa vắng khách cô hát karaoke luyện giọng, tập các bài mới.

Cuốn sổ nhỏ trên tay cô, với những dòng chữ nhòe nhoẹt. Khi viết, cô đã khóc. “Ngày… Mơ thấy anh chở mình bằng xe đạp, leo dốc Tam Đảo. Mùa đông, trời tối. Vắng không bóng người. Mình buồn ngủ, anh lấy cái khăn buộc lưng mình vào lưng anh, gò người leo dốc. Leo một lúc, xe đạp biến thành xe máy. Mình thì ngủ, anh bảo, nếu mình rơi xuống vực, chẳng ai biết đâu mà tìm. Sau đấy là ăn uống, là đi chơi. Giấc mơ rất dài, vừa là kỷ niệm thật, vừa là nỗi nhớ mong, nhưng không thể nhớ thêm…”. “Ngày… Bố về bảo, bố vui lắm, có con bé mười ba tuổi mới về ở chung. Nó ngoan, cao gầy, chăm làm, lại hát hay, biết đánh đàn dương cầm. Bố đang dạy nó hát một bài, nhưng nó bảo không biết hát nhạc người lớn. Sau đấy, bố và Mai nói chuyện nhiều, gặp thêm ai đấy, cũng không thể nhớ nổi…”. “Ngày… Chị họ mấy năm không gặp, không tin tức gì vì theo chồng sang Pháp, tự nhiên ngồi nướng bún chả ngoài ngõ, bán hàng rất đông khách. Có ông khách tranh thủ lúc chị cúi cúi thổi cho than to lửa, thò tay bóp ngực đầy của chị, bị chị rút guốc đập tóe máu trán…”.

Mọi chuyện trong giấc mơ đều có một phần sự thật. Có chuyện đã xảy ra, có chuyện sau này mới xảy ra, như là điềm báo. Khi mơ thấy bố về, nói có cô bé mười ba tuổi đến ở, Mai vội gọi bác dâu. Bác là người thành kính duy nhất trong họ, luôn tin có một thế giới khác, mà khi người ta không còn ở thế giới trần này thì sẽ sang ở thế giới âm kia. Không có ai đã sinh ra rồi mất đi là mất hẳn. Bác nghe Mai kể, vội mua đồ lễ, cùng xuống nghĩa trang. Mai chết lặng, nước mắt tràn đầy mặt, khi thấy sát bên mộ bố là một ngôi mộ mới, một cô bé mười ba tuổi, ung thư xương. Người mẹ trẻ ngồi bên mộ con, kể một cách tự hào “Con bé xinh đẹp lắm, cao, gầy và chơi piano. Nó vừa bỏ tôi đi ba hôm nay”. Giấc mơ về người chị bên Đức làm tiến sĩ bỗng thành cô bán bún chả, đánh vỡ đầu khách, do Mai nghe chuyện hàng xóm. Ông tổ phó tổ dân phố, cả đời cốt cách, tự nhiên về già giở chứng, chiều đến đi thể dục ngoài công viên, cứ thấy cô nào bà nào mặc áo rộng ngực đi ngược chiều là thò tay bóp vú. Chiều hôm kia, vừa thộp ngực một cô béo quay chạy ngược chiều, bị một cô đi cạnh rút điện thoại di động đập vỡ trán, phải khâu bốn mũi. Còn anh, người yêu đầu đời của Mai, luôn chỉ gặp cô qua những giấc mơ, bởi anh cũng chết đã mười năm, vì ung thư phổi. Đang yêu nhau thắm thiết, khi biết mình mắc bệnh trọng, anh giả cách phá phách, vờ rượu chè bê tha, hôn hít các cô gái mát-xa cho Mai thấy mà khinh, mà căm thù và chia tay…

Mai định nằm im dưới tán phượng già, cố đào bới trong những nếp gấp của não, hình ảnh bố đêm hôm qua. Nhưng tuyệt vọng. Tất cả xóa trắng. Một đời sống thật, một giấc ngủ yên lành không mộng mị. Không còn những cơn đau thắt ngực trong đêm, những giọt nước mắt lặng lẽ bò trên má, xuống tai và thấm đẫm mặt gối bởi những cơn mơ luôn kéo Mai đi đến tận cùng. Không còn những ngày nặng trĩu lòng, khi kỷ niệm xưa tưởng không còn tồn tại bỗng quay về với những cảm xúc cứa như dao sắc. Những điều đi qua trong đời, tự nhiên như gió, như không khí, cách này cách khác đã tự ghép lại thành những câu chuyện có đầu có cuối…

Mai thấy rõ, chẳng có gì không để lại dấu vết.
Mà giấc mơ là phần đời không thể thiếu.

***

Giờ thì Mai biết, mình cần nhất điều gì ở trên đời này.

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast