Hà Tĩnh: Bước ngoặt trong hoạt động xuất khẩu!

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đạt trên 59 triệu USD (tăng 18,4% so với năm 2009) - một kết quả ngoài sức tưởng tượng ngay cả với những người trong cuộc. Ngoài sự biến động về cấu trúc kỳ hạn của lãi suất và sự gia tăng đột biến của đồng USD thì sự vượt khó đi lên trong sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu là hết sức quan trọng.

Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ra thị trường thế giới (chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu từ nội địa vào Khu kinh tế). Một số doanh nghiệp nằm trong “bảng vàng” về chỉ số kim ngạch xuất khẩu năm 2010 là: Công ty TNHH nguyên liệu Giấy Việt Nhật – Vũng Áng, Công ty trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha, Công ty TNHH Tân Trường Phát, Công ty CP May Hà Tĩnh, Công ty TNHH Hoàng Anh, Công ty TNHH TM và DV Vận tải Viết Hải, Công ty CP XK Thủy sản Nam Hà Tĩnh….

Sự năng động, sáng tạo trong SX - KD của các doanh nghiệp đã mang lại con số 59,2 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010 (bằng 107 kế hoạch đề ra). Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 29,9 triệu USD, kinh tế tư nhân đạt 24,8 triệu USD và kinh tế nhà nước đạt 7,5 triệu USD.

Chế biến thủy hải sản tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh
Chế biến thủy hải sản tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Tĩnh

Những mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu là dăm gỗ, thủy sản, nông sản các loại và hàng dệt may… Hầu hết các mặt hàng này đều tăng từ 20 - 250%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 38%), Nhật Bản (chiếm 30%), Lào (chiếm 7%) và một số thị trường khác như: Singapore, Hồng Kông, Đài Loan…

Sự khó khăn về nguyên liệu chế biến đã làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, trong cái khó, ló cái khôn nên một số doanh nghiệp đã năng động giải được bài toán này. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản.

Theo lãnh đạo một số công ty này thì nguồn nguyên liệu thu mua trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Nguyên nhân là do một số chủng loại nguyên liệu đánh bắt, nuôi trồng trên địa bàn không đáp ứng đủ số lượng và chất lượng, đặc biệt là nguyên liệu chế biến mực đông lạnh xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường và ký hợp đồng với các doanh nghiệp ở các tỉnh từ Quảng Ninh cho đến Quảng Trị nhằm cung ứng đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Việc luôn chủ động dự trữ về nguồn nguyên liệu đã giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tương tự, nguyên liệu lâm sản trên địa bàn cũng chưa đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ và dăm gỗ. Do đó, các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu đều nhập nguyên liệu từ Lào, sau đó chế biến và xuất khẩu sang Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đang dần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu
Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đang dần thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu

Đối với Hợp tác xã chế biến nông sản xuất khẩu Thành Sen, trước đây, do thu mua nguyên liệu ớt từ khắp nơi về chế biến nên chi phí vận chuyển cao, dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Trước khó khăn này, HTX đã phối hợp với Liên minh các HTX Hà Tĩnh cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức trồng trên 200 ha ớt cay nên đáp ứng phần nào nguyên liệu để chế biến xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho rằng: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn còn hạn chế: sản phẩm xuất khẩu ít chủng loại, chủ yếu mới qua sơ chế nên giá trị thấp; các doanh nghiệp xuất khẩu đều có quy mô vừa và nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được các doanh nghiệp chú trọng; hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ xuất khẩu như: cảng container, dịch vụ logistic, khu chế biến xuất khẩu tập trung chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Ngoài nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp thì sự quan tâm của tỉnh với những chính sách cởi mở để cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, là sự chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện xuất khẩu với dư nợ trong năm 2010 đạt hơn 25 tỷ đồng…

Năm 2011, Hà Tĩnh phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 70 triệu USD - một mục tiêu không dễ nhất là trong bối cảnh đồng đô - la đang lên giá, các mặt hàng như: điện, xăng dầu cũng đang lục đục điều chỉnh giá bán.

Muốn vậy, trước hết, Ban chỉ đạo về Đề án xuất khẩu của tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu như: dự án Nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy xuất khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu; triển khai thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi đã được ban hành, trong đó, có chính sách hỗ trợ xuất khẩu đối với các Doanh nghiệp XNK một cách có hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu như: Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cảng biển và dịch vụ cảng; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; xây dựng các sản phẩm chủ lực; tăng cường liên doanh, liên kết và chú trọng xây dựng chiến lược phát triển lâu dài...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast