Thiếu kiên trì, bệnh nhân dễ tái nghiện dù điều trị bằng Methadone

(Baohatinh.vn) - Cai nghiện ma túy đòi hỏi quyết tâm cao của bệnh nhân cũng như lòng kiên trì của đội ngũ cán bộ điều trị. Tuy nhiên, hiện nhiều đối tượng điều trị Methadone tại Hà Tĩnh có xu hướng tái nghiện, gây nhiều hệ lụy.

N.V.H (huyện Kỳ Anh) nghiện ma túy từ năm 2015 nhưng mãi đến năm 2017 mới được gia đình đưa đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh điều trị cai nghiện. Hàng ngày, H. đến cơ sở ở huyện Kỳ Anh uống Methadone theo phác đồ. Sau hơn 1 năm điều trị, H. dần cắt được cơn nghiện và đang trong quá trình giảm liều.

Thiếu kiên trì, bệnh nhân dễ tái nghiện dù điều trị bằng Methadone

Tư vấn cho người nghiện ma túy về phương pháp điều trị cai nghiện

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 211 bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Ngoài cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh (TP. Hà Tĩnh), còn có 2 cơ sở điều trị Methadone ở TX. Hồng Lĩnh, Hương Sơn và 3 cơ sở uống Methadone ở huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Hương Khê.

Bác sỹ Nguyễn Đình Du - phụ trách Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất – Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: "Có đến hơn 70% bệnh nhân sau một thời gian dài uống Methadon đã dần ổn định, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các chất ma túy, giảm liều. Thậm chí, rất nhiều người đã cai nghiện thành công".

Thiếu kiên trì, bệnh nhân dễ tái nghiện dù điều trị bằng Methadone

Tư vấn và cấp thuốc Methadone điều trị cho bệnh nhân

Hiệu quả của chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone trong 5 năm qua ở Hà Tĩnh đã được khẳng định. Tính đến thời điểm này, đã có trên 610 lượt bệnh nhân tham gia, trong đó có rất nhiều người đã cai nghiện thành công.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là có nhiều đối tượng điều trị Methadone có xu hướng tái nghiện dù đã trải qua liệu trình khá dài. Thậm chí, có những người điều trị được 1 năm, đã bỏ được cảm giác thèm ma túy và thực hiện giảm liều theo kế hoạch. Nguyên nhân chính là do nhiều bệnh nhân thiếu bản lĩnh, không kiên trì, ngại khó, dễ dàng bị lôi kéo trở lại nên bỏ cuộc giữa chừng.

Chúng tôi rất khó khăn để thuyết phục người nghiện điều trị, trong khi đó, việc bệnh nhân tự ý bỏ điều trị dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao, gây nhiều hệ lụy. Những trường hợp bệnh nhân tái nghiện khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, trầm cảm, tâm thần do thiếu thuốc tăng cao.

Bác sỹ Phùng Bình Văn – Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

Để đẩy lùi ma túy bằng cách tăng số bệnh nhân điều trị nghiện ma túy bằng Methadone, giảm số người tái nghiện là một “cuộc chiến” cam go, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thúc đẩy người nghiện tham gia điều trị.

Thiếu kiên trì, bệnh nhân dễ tái nghiện dù điều trị bằng Methadone

Bác sỹ Nguyễn Đình Du rà soát hồ sơ bệnh nhân tham gia điều trị cai nghiện bằng Methadone

Ngoài ra, hiện ở 6 cơ sở điều trị có 27 nhân viên hợp đồng được bố trí tiền lương dựa trên Đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 – 2020. Tuy nhiên, thời hạn của đề án này sắp kết thúc nên đội ngũ cán bộ hợp đồng đang lo lắng.

Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, rất cần xem xét, bố trí định biên cho đội ngũ cán bộ này để họ yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả của chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast