40 cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ mới nhất tại Nepal

Ngày 25/8, đụng độ tiếp diễn giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh Nepal - một ngày sau khi bé trai 18 tháng tuổi và 7 cảnh sát thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực phản đối hiến pháp mới.

40 cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ mới nhất tại Nepal ảnh 1
Cảnh sát được triển khai trên một tuyến đường ở thủ đô Kathmandu trong ngày biểu tình thứ hai trên toàn quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Vụ đụng độ mới nhất xảy ra tại huyện Rautahat, cách thủ đô Kathmandu 100km về phía Nam.

Theo một người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nepal, hơn 40 cảnh sát đã bị thương khi khoảng 150 người biểu tình ném đá vào các nhân viên an ninh, buộc cảnh sát dùng hơi cay và nổ súng để giải tán đám đông.

Tại huyện Kailali, phía Tây Kathmandu, hàng trăm người biểu tình đã đốt phá nhiều nhà trong khu vực, bất chấp lệnh giới nghiêm vô thời hạn áp đặt từ ngày 24/8 sau khi người biểu tình tấn công cảnh sát bằng gạch đá và giáo mác.

Trong cuộc họp của hội đồng bộ trưởng Nepal do Thủ tướng Sushil Koirala chủ trì ngày 25/8, Chính phủ Nepal đã quyết định thành lập một ủy ban 5 thành viên gồm các quan chức an ninh cấp cao tiến hành điều tra vụ bạo lực ở Kailali làm 8 người thiệt mạng chiều 24/8. Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin ít nhất 17 cảnh sát và 3 người biểu tình thiệt mạng tại huyện này.

Ngày 25/8, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR) đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về những diễn biến hiện nay ở Nepal, đồng thời hối thúc các lãnh đạo và người biểu tình nước này cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay trước khi bạo lực gia tăng dẫn đến mất kiểm soát.

Trong khi đó, Thủ tướng Koirala đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, trong đó ông Modi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và cho rằng cần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Sau trận động đất làm hàng nghìn người thiệt mạng tháng Tư vừa qua ở Nepal, các nhà lãnh đạo nước này thúc đẩy thông qua một dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo đó sáp nhập một số khu vực và Nepal trở thành một nhà nước liên bang gồm 7 bang nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không nhận được sự ủng hộ của các nhóm sắc tộc muốn quyền tự chủ lớn hơn, đặc biệt người dân ở Kailaili muốn tỉnh Tharuwat là một tỉnh độc lập với 8 huyện.

Đợt biểu tình bạo lực hiện nay bùng phát sau khi các chính đảng chủ chốt của Nepal nhất trí về kế hoạch cải cách trên./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast