Bạo lực tôn giáo lại bùng phát ở Myanmar

Ít nhất một nhà thờ Hồi giáo và một số cửa hàng đã bị đốt cháy khi bạo lực bùng phát tại thị trấn Lashio.

Hàng trăm Phật tử đi trên xe máy, tay cầm các ​​thanh sắt và cọc tre đã diễu qua các đường phố tại thị trấn Lashio, phía đông bắc Myanmar hôm 29/5. Trước đó, ngày 28/5, một nhà thờ Hồi giáo và một trại trẻ mồ côi Hồi giáo đã bị đốt cháy khi làn sóng bạo lực mới bùng phát nhắm vào mục tiêu là các tôn giáo dân tộc thiểu số ở Myanmar. Người dân thị trấn cho biết, một rạp chiếu phim đã bị đốt cháy khi đám đông chạy xung quanh thị trấn.

Đám đông tụ tập xung quanh một nhà thờ Hồi giáo đang bốc cháy (Ảnh: Eleven Media)

Đám đông tụ tập xung quanh một nhà thờ Hồi giáo đang bốc cháy (Ảnh: Eleven Media)

Bạo lực bùng phát từ xích mích nhỏ

Nhiều Phật tử và tín đồ Hồi giáo đã khóa cửa ở yên trong nhà, các cửa hàng của họ cũng bị đóng cửa sau khi bạo lực bùng phát hôm 28/5 tại thị trấn Lashio, gần biên giới với Trung Quốc. Đây là khu vực mới nhất tại Myanmar rơi vào tình trạng bạo lực giáo phái. Vụ bạo lực bùng phát khi có thông tin cho rằng, một người đàn ông Hồi giáo đã thiêu cháy một phụ nữ Phật giáo.

Các vụ bạo lực chết người giữa Phật giáo và Hồi giáo đã xảy ra từ năm ngoái ở một số khu vực của Myanmar. Xung đột bùng phát lần đầu tiên tại một khu vực phía Tây và sau đó tại một đô thị ở miền Trung Myanmar. Vụ bạo lực mới nhất đang làm dấy lên nghi ngờ về quyết tâm của chính phủ Myanmar trong việc trấn áp nạn phân biệt chủng tộc và tôn giáo.

Sáng 29/5, tình hình tại Lashio vẫn bình thường, tuy nhiên vào buổi chiều, hàng trăm thanh niên tụ tập la hét và vung gậy gộc đi xe máy quanh khu vực trung tâm thị trấn.

Trên một đường phố khác, đám đông đã ném đá vào các tòa nhà. Nhiều người quá sợ hãi không dám ra ngoài. Ông Sai Myint Maung - một chính trị gia địa phương cho biết, một rạp chiếu phim đã bị đốt cháy và có tin đồn rằng các vụ bạo lực cũng diễn ra ở vùng ngoại ô của thị trấn.

"Tình hình đã thay đổi 180 độ. Thị trấn yên tĩnh cho đến khi bùng phát một đám cháy và tình hình đã thay đổi", ông Sai Myint Maung nói.

Nhân viên của một đồn cảnh sát ở Lashio cho biết, cảnh sát đã được điều động đến để cố gắng dập tắt cuộc bạo lực mới.

"Gia đình tôi đang ở bên thị trấn. Chúng tôi sợ bị tấn công", Ko Maung Gyi - một cư dân Hồi giáo nói qua điện thoại với AP từ ngôi nhà của mình tại khu vực tập trung đông người Hồi giáo sinh sống ở thị trấn Lashio.

"Tôi không bao giờ nghĩ rằng bạo lực chủng tộc sẽ bùng phát tại Lashio", ông Ko Maung Gyi nói. "Thị trấn nhỏ của chúng tôi được coi là đa chủng tộc và chúng tôi đã sống trong hòa bình trong một thời gian dài".

Hiện chưa có trường hợp nào tử vong được ghi nhận sau khi bạo lực bùng phát đêm 28/5 tại thị trấn miền núi xa xôi của Myanmar này.

Trật tự bước đầu đã được lập lại sau khi chính quyền cấm tụ họp nhóm hơn 5 người. Một lệnh giới nghiêm từ lúc hoàng hôn đến bình minh đã được áp dụng, nhiều cửa hàng đóng cửa và đường phố trống vắng, ông Sai Myint Maung nói.

Đám đông người theo Phật giáo với gậy gộc diễu qua các đường phố ở thị trấn Lashio (Ảnh: AP/Gemunu Amarasinghe)

Đám đông người theo Phật giáo với gậy gộc diễu qua các đường phố ở thị trấn Lashio (Ảnh: AP/Gemunu Amarasinghe)

Chính phủ kêu gọi người dân bình tĩnh

"Phá hoại các công trình tôn giáo và tạo ra cuộc bạo loạn liên quan đến tôn giáo là không phù hợp với các tiêu chí của một xã hội dân chủ mà chúng ta đang cố gắng tạo ra", phát ngôn viên của Tổng thống Myanmar, Ye Htut viết trên trang Facebook của mình. Thông điệp trên cũng cho biết "hai công trình tôn giáo và một số cửa hàng" ở Lashio đã bị đốt cháy, nhưng không rõ đó là những công trình của người Hồi giáo hay Phật giáo.

"Bất kỳ hành vi phạm tội nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Ye Htut nói.

Trước đó, truyền hình nhà nước đưa tin, một người đàn ông 48 tuổi bị buộc tội cố tình thiêu chết một phụ nữ theo Phật giáo 24 tuổi, đã bị bắt giữ. Thông tin cho biết, người đàn ông (được xác định là một người Hồi giáo Ấn Độ) đã ném chai xăng vào người phụ nữ.

Người đàn ông bị buộc tội cố tình gây thương tích cho người khác cũng như tàng trữ ma túy. Truyền hình Myanmar cho biết, các loại chất kích thích đã được tìm thấy trong túi của người đàn ông này. Người phụ nữ đang được điều trị với các vết bỏng ở ngực, lưng và tay.

Sau khi thông tin về vụ thiêu cháy người phụ nữ trên lan ra hôm 28/5, một đám đông hơn 100 người, bao gồm cả các nhà sư Phật giáo đã tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát đòi giao cho họ kẻ tấn công. Đám đông sau đó đi quanh thị trấn, đốt cháy nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Lashio và một số cửa hàng, truyền hình Myanmar cho biết.

Bạo lực liên quan đến tôn phái tại Myanmar lần đầu tiên nổ ra năm 2012 tại bang Rakhine, miền tây Myanmar. Trong các vụ bạo lực tại Rakhine, hàng trăm người đã thiệt mạng khi người theo đạo Phật và người Hồi giáo đụng độ với nhau. Bạo lực bùng phát tại đây cũng khiến khoảng 140.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo phải dời bỏ nhà cửa của họ. Phần lớn những người này hiện vẫn đang phải sống trong các trại tị nạn.

Trong tháng này, chính quyền tại hai khu vực ở bang Rakhine đã công bố quy định hạn chế các gia đình người Hồi giáo Rohingya không được sinh quá 2 con. Chính sách này đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Hồi giáo, các nhóm nhân quyền và lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell hôm 28/5 cho biết, Mỹ phản đối chính sách hạn chế sinh con này và kêu gọi Myanmar "loại bỏ tất cả các chính sách như vậy không chậm trễ".

Người Hồi giáo chiếm khoảng 4% trong tổng số khoảng 60 triệu người Myanmar. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011 (sau một nửa thế kỷ cầm quyền của quân đội), chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã bị chỉ trích nặng nề vì không hành động quyết liệt bảo vệ người Hồi giáo. Tuần trước trong chuyến công du Mỹ, Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố rằng, tất cả các thủ phạm gây nên tình trạng bạo lực sắc tộc sẽ được đưa ra trước công lý./.

Nguyễn Hùng/VOV Online Theo AP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast