Cảnh báo về làn sóng bài ngoại nguy hiểm mới trỗi dậy ở Đức

Theo hãng tin AFP của Pháp, trong những tháng gần đây, Đức đã chứng kiến sự trỗi dậy đáng lo ngại của AfD - một đảng nhỏ theo xu hướng chống liên kết châu Âu. Đây vốn là một phong trào dân túy cánh hữu được các phần tử phát xít mới hậu thuẫn.

Phong trào PEGIDA tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố của Đức. (Nguồn: DPA)

Phong trào PEGIDA tổ chức tuần hành ở nhiều thành phố của Đức. (Nguồn: DPA)

Vào mỗi tối thứ hai hàng tuần, hàng nghìn đối tượng thuộc AfD tổ chức các cuộc diễu hành, vẫy quốc kỳ Đức và hô vang các khẩu hiệu chống lại người Hồi giáo và những người tị nạn tại Đức.

Đặc biệt, trong tuần này, cả nước Đức lại "rúng động" bởi một loạt cuộc tuần hành quy mô lớn của phong trào mới có tên PEGIDA (Người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây).

Phong trào này không chỉ quy tụ được các đảng phái cực hữu mà lôi kéo nhiều người dân trước đây chưa từng có tư tưởng chống Hồi giáo và bài ngoại. Nguyên nhân chính để giải thích cho sự lớn mạnh của PEGIDA chính là tình trạng nhập cư ngày càng mạnh ở Đức.

Hiện tại, Đức chỉ đứng sau Mỹ về tiếp nhận người nhập cư. Từ đầu năm đến nay, nhà chức trách Đức đã nhận hơn 180.000 đơn xin tị nạn.

Số người nhập cư vào Đức tăng nhanh trong thời gian qua, nhất là khi xung đột leo thang tại Iraq và Syria. Năm 2008, Đức tiếp nhận 28.000 người nhập cư, đến năm 2012 con số này tăng lên 77.000 người và đến năm ngoái đã lên tới 127.000 người.

Giới quan sát thừa nhận sự xuất hiện của PEGIDA có thể so sánh với các phong trào chống người nước ngoài tại Pháp, Hà Lan, Áo và Hy Lạp.

Nhiều nhà phân tích chính trị cảnh báo nhóm PEGIDA sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, nếu nó kích động được bản năng hung hăng và coi thường pháp luật của đám đông những đối tượng cực đoan.

Trước mối lo ngại trên, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas tuyên bố: "Đức không thể ngồi im khi xu hướng bài ngoại trỗi dậy nhằm vào những người vốn đã mất tất cả và đến với nước Đức để tìm kiếm sự giúp đỡ."

Ông cũng khẳng định những cuộc biểu tình phản đối người nước ngoài tại Đức không phải là quan điểm của số đông người dân nước này./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast