Châu Âu họp khẩn vì đòn trả đũa của Nga

Các quan chức nông nghiệp hàng đầu đến từ tất cả 28 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (14/8) đã có cuộc họp khẩn cấp bàn về những ảnh hưởng gây ra từ đòn trả đũa của Nga. Đó là lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, rau quả từ Mỹ và EU.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Nga hồi tuần trước thông báo áp đặt một lệnh cấm vận kéo dài một năm đối với thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, rau và hoa quả đến từ các nước như Mỹ, EU, Canada, Australia và Na-uy. Đây là đòn đáp trả chính thức đầu tiên của Moscow nhằm vào Mỹ và phương Tây sau khi các nước này tung ra một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế gây ảnh hưởng đau đớn lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Giới phân tích phương Tây cho rằng Nga có thể tự gây đau đớn cho mình khi đẩy giá thực phẩm lên cao cho người tiêu dùng và làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga có thể mở cửa thị trường cho nhiều nước khác đang mong muốn thâm nhập được vào thị trường rộng lớn của Nga trong khi những người nông dân của EU lại đang “đứng ngồi không yên” trước viễn cảnh tình trạng thừa mứa nguồn cung cấp thực phẩm và rau quả tươi có thể khiến họ phải đối mặt với việc họ phải bán rẻ các sản phẩm của mình.

Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu (EU) đã thông báo hỗ trợ những người trồng đào ở khu vực. Ủy ban Châu Âu cho biết, những người nông dân trồng đào và xuân đào đã phải đối mặt với sự sụt giảm giá lớn trước lệnh cấm của Nga và một lệnh cấm của Nga đã khiến tình hình thêm tồi tệ. Điều này đã buộc EU phải ra tay hành động cứu giúp những người nông dân trồng đào.

Tính tổng thể, xuất khẩu nông sản của EU sang Nga chiếm khoảng 11 tỉ euro (khoảng 14,7 tỉ USD) mỗi năm, chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu hàng nông nghiệp của liên minh. Một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Ba Lan đang phải hứng chịu tổn thất khi mất đi khách hàng nhập khẩu táo lớn nhất. Trong khi đó, Pháp – nền kinh tế nông nghiệp dẫn đầu liên minh Châu Âu, đang lo lắng trước viễn cảnh một khối lượng lớn táo Ba Lan không được nhập vào Nga ào ra thị trường sẽ khiến giá của sản phẩm này của Pháp bị hạ giá thành nghiêm trọng.

Sau những cải cách về Chính sách Nông nghiệp Chung của EU được hoàn thành năm 2013, liên minh này có một quỹ khẩn cấp trị giá khoảng 420 triệu euro dành cho việc đền bù cho những nhà sản xuất nông nghiệp trong trường hợp họ phải đối mặt với những thay đổi đột ngột của thị trường.

Giới chức Ủy ban Châu Âu cho biết, họ sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định về việc có nên sử dụng quỹ khẩn cấp trên trong tình hình hiện nay hay không nhưng trước hết họ cần phải được cung cấp đầy đủ dữ liệu về những tổn thất mà các nước thành viên EU phải hứng chịu từ đòn trừng phạt của Nga để quyết định xem ai là lực lượng cần được cứu trợ nhất.

Ủy ban Châu Âu có thể tìm cách giảm nguồn cung như họ đang làm với những người trồng đào và xuân đào. Theo kế hoạch hỗ trợ ngành này được công bố hồi đầu tuần, những người trồng đào sẽ tăng số lượng hai loại quả này rút ra khỏi thị trường từ 10% xuống còn 5%. Những người trồng hai loại đào trên sẽ được đền bù tất cả khoảng từ 20 đến 30 triệu euro để họ từ bỏ việc trồng đào.

Các lựa chọn khác là tang cường những chiến lược marketting ở trong nước và ở các thị trường mới.

Hồi đầu tuần này, giới chức giấu tên của EU cho biết, có một khả năng nữa là họ sẽ tìm cách thuyết phục các thị trường thay thế của Nga không bán sản phẩm cho Nga. Tuy nhiên, nhiều quan chức nhận định đây là điều không thực tế. Thậm chí có người còn miêu tả hành động đó là một “kiểu chính trị ảo tưởng”.

Thủ tướng Slovakia giận dữ chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga

Sau khi ngấm đòn trừng phạt của Nga, các nước EU đang quay sang chỉ trích lẫn nhau. Thủ tướng Slovakia hôm qua đã giận dữ lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu nhằm vào Nga vì Ukraine, nói rằng những biện pháp đó chỉ đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế của liên minh gồm 28 thành viên này.

"Tại sao chúng ta lại làm hại nền kinh tế EU khi nó vừa bắt đầu tăng trưởng”, Thủ tướng Robert Fico đã nói như vậy tại một cuộc họp báo.

"Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng, người ta nên giải quyết nó bằng các biện pháp khác thay vì dùng những biện pháp trừng phạt vô nghĩa. Ai sẽ được lợi khi nền kinh tế EU suy thoái, nền kinh tế Nga gặp rắc rối và nền kinh tế Ukraine bị suy sụp”, Thủ tướng Slovakia đặt câu hỏi.

Ông Fico cũng cho biết, Slovakia phải chuẩn bị đối phó với khả năng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho nước này thông qua đường ống trung chuyển ở Ukraine.

Nga hôm 16/6 đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine trong cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề thanh toán những khoản tiền mua khí đốt của Nga mà Kiev còn nợ. Tuy nhiên, Moscow vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho các khách hàng khác của Nga thông qua đường ống trung chuyển khí đốt ở Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự căng thẳng ở miền đông Ukraine giữa quân Kiev và lực lượng ly khai cùng những đòn trả đũa trừng phạt qua lại giữa Nga với EU và Kiev đang làm dấy lên quan ngại về khả năng nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu thông qua hệ thống đường ống trung chuyển ở Ukraine sẽ bị cắt đứt.

1/3 nhu cầu khí đốt của Châu Âu phụ thuộc vào Nga và khoảng 40% trong số này đi qua hệ thống đường ống trung chuyển trên lãnh thổ Ukraine.

Theo VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast