Cương quyết và đoàn kết

Nhà báo Pháp viết riêng cho Tuổi Trẻ về những nhận định tình hình sắp tới ở Pháp.

Cương quyết và đoàn kết ảnh 1

Nỗi đau đớn tột cùng của những người Pháp khi IS tấn công Paris, sát hại cả trăm người - Ảnh: Reuters - AFP

Còn nhớ sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm, phản ứng của cộng đồng thật đáng nể: hàng triệu người ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới đã xuống đường tuần hành, những lời chia sẻ, ủng hộ đến từ khắp nơi.

Lần này cũng thế, gần như ngay lập tức hầu như toàn thế giới đều tuyên bố đứng cạnh nước Pháp. Thật ấn tượng. Hình như không có nhiều quốc gia có được làn sóng chia sẻ mạnh mẽ đến thế khi đất nước bị đau đớn.

Chính quyền đã thực thi những biện pháp mạnh đáp trả lực lượng khủng bố, thiết lập tình trạng khẩn cấp và kiểm soát biên giới... Nhưng trong những ngày tới và những tuần tới thì sẽ như thế nào? Thái độ của người dân Pháp sẽ ra sao? Sau những vụ khủng bố tàn bạo này tôi nghĩ người Pháp sẽ thêm cương quyết và thêm đoàn kết.

Cương quyết bởi lẽ thời đại này quả thật phức tạp và mỗi cá nhân phải tập quen sống trong một môi trường không còn an toàn tuyệt đối. Đáng buồn thay, hai vụ việc tại Paris trong một năm càng cho thấy người Pháp cũng không còn an toàn với khủng bố, đặc biệt là kiểu bạo lực cuồng tín “thánh chiến”.

Thật ra nước Pháp từng bị khủng bố nhưng năm 2015 này là một tầm mức khác. Vụ tấn công tối 13-11 là vụ lớn nhất. Nói theo cách nào đó thì từ nay phải học hoặc học lại cách đánh nhau, cách đáp trả, cách dấn thân. Không thể hài lòng với việc sống hưởng thụ nữa rồi.

Nhiều chuyện đã thay đổi những năm gần đây và chúng ta phải thích ứng. Chúng ta sống trong thế giới “hậu 11-9” nhưng dường như chúng ta vẫn chưa hiểu rõ được thảm kịch đó hoặc thừa nhận nó.

Lối sống “cả thèm chóng chán”, sự bối rối phân biệt giữa thông tin và màn diễn thường khiến chúng ta chuyển từ sự kiện này sang sự kiện khác, quên nhanh chuyện đã qua và do đó mất đi ý niệm về lịch sử.

Sự kiện ngày 13-11 cũng giúp người Pháp siết chặt hàng ngũ. Đương nhiên là thảm kịch này sẽ được những người ủng hộ kiểu “an toàn tuyệt đối” khai thác để bảo vệ cho yêu cầu tống đuổi người nước ngoài, giành lại “nước Pháp cho người Pháp”.

Chỉ vài tuần nữa sẽ diễn ra kỳ bầu cử cấp vùng. Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) có lẽ sẽ nắm được hai vùng lớn là Nord-Pas de Calais-Picardie và Provence-Alpes-Côte d'Azur. Người Pháp liệu có biết cách đoàn kết lại để tránh kiểu “nước Pháp của người Pháp”?

Những người Pháp mà trong những năm gần đây đã dành thời gian suy tư về bản thân, về bản sắc của mình, giờ đây liệu có tránh được sự quyến rũ của kiểu quan niệm sống mang tính cộng đồng tạo ra sự chia cách trong xã hội?

Bản đồ chính trị liệu sẽ được vẽ lại vì một kiểu đoàn kết quốc gia nào đó? Các đảng phái chính trị liệu có thể thống nhất được, xung quanh chính phủ, về đường lối của cuộc chiến chống IS, thậm chí còn phải điều chỉnh một số lựa chọn chính sách đối ngoại, chẳng hạn như quan điểm của Pháp đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và với Nga...

Những người Pháp, vốn rất giỏi chuyện tranh luận và nổi tiếng với những cuộc tranh cãi bất tận, liệu lần này có thật sự đoàn kết được?

Nhà báo MARC CAPELLE

Giám đốc Trường báo chí ESJ, Pháp

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast