Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều thất bại

Đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ - Triều thất bại; Anh bồi thường trên 1,5 tỷ USD cho ngân hàng Iran; Greta Thunberg được đề cử giải Nobel Hòa bình... là những tin chính thế giới ngày qua.

Triều Tiên: Cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã thất bại

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa."

Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều thất bại

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil. (Nguồn: Kyodo)

Cuộc đàm phán cấp chuyên viên ngày 5/10 giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vừa được nối lại sau nhiều tháng bế tắc đã đổ vỡ ngay sau khi bắt đầu.

Theo hãng tin Yonhap, sau cuộc gặp Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa."

Phát biểu trước Đại sứ quán Triều Tiên ở ngoại ô thủ đô Stockholm, ông Kim Myong-gil đã bày tỏ không hài lòng và nhấn mạnh cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng.

Greta Thunberg được đề cử giải Nobel Hòa bình

Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều thất bại

Greta Thunberg và tấm biển viết tay nổi tiếng. (Ảnh: EPA)

Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển, đang được dự đoán là ứng viên tiềm năng nhất cho giải Nobel Hòa bình năm nay.

Bài diễn thuyết mang tính chỉ trích một số lãnh đạo thế giới của nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg đã giúp cô thu hút thêm hàng triệu người hâm mộ.

Nếu được trao giải Nobel Hòa bình, ở tuổi 16, Greta Thunberg sẽ là nhân vật trẻ tuổi nhận được giải thưởng trị giá 930.000 USD và cũng là nhà hoạt động môi trường thứ 2 được trao giải, sau Phó Tổng thống Mỹ Al Gore năm 2007.

Tuy nhiên, phương pháp vận động môi trường mang tính đối đầu của Greta Thunberg, có thể khiến Ủy ban xét giải lưỡng lự.

Anh bồi thường trên 1,5 tỷ USD cho ngân hàng Iran

London đã bồi thường cho Ngân hàng Mellat của Iran 1,25 tỷ bảng Anh (1,54 tỷ USD) kèm theo lãi suất.

Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều thất bại

Trước đó, hồi tháng 6-2013, Tòa án tối cao của Anh bác bỏ quyết định của Bộ Tài chính nước này trừng phạt Ngân hàng Mellat vì cáo buộc có liên quan tới chương trình tên lửa của Tehran. Trong phán quyết, các thẩm phán cho rằng các biện pháp này là “trái luật”.

Theo The Times, phía Mellat yêu cầu bồi thường 3,2 tỷ bảng nhưng con số cuối cùng được hai bên thỏa thuận là 1,25 tỷ bảng kèm theo lãi suất. Hãng thông tấn Iran (IRNA) đưa tin khoản bồi thường được hai bên thống nhất là 1,6 tỷ USD. Khoản bồi thường cho Mellat được thực hiện thông qua một quốc gia thứ 3 để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Anh nhằm vào Ngân hàng Mellat là một trong loạt biện pháp tương tự mà các quốc gia phương Tây áp đặt với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Những biện pháp này sau đó đã được gỡ bỏ khi Tehran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết thỏa thuận năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

EU bác bỏ yêu cầu của Anh đối thoại Brexit

Truyền thông Anh hôm nay đưa tin, Liên minh châu Âu đã bác bỏ một yêu cầu của Anh tổ chức các cuộc đối thoại về việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào ngày cuối tuần này.

Ủy ban châu Âu cho biết, đề xuất Brexit mới của Thủ tướng Anh Boris Johnson không cung cấp bất cứ cơ sở nào giúp việc hướng tới một thỏa thuận cuối cùng. Do đó, các cuộc đối thoại về kế hoạch của Thủ tướng Anh nhằm thay thế điều khoản “chốt chặn” sẽ không diễn ra vào cuối tuần này. Theo người phát ngôn Ủy ban châu Âu, Anh sẽ có một cơ hội khác để trình bày chi tiết đề xuất của mình vào ngày mùng 7/10 tới.

Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều thất bại

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty.

Bất chấp sự bác bỏ của Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh vẫn nhắc lại sẽ không đề nghị trì hoãn Brexit. Trên trang mạng xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh “Thỏa thuận mới hoặc không thỏa thuận, nhưng không trì hoãn Brexit”. Tuy nhiên trong một thông báo trái ngược với nhận định của Thủ tướng, Chính phủ Anh hôm qua cho biết ông Johnson sẽ gửi thư tới Liên minh châu Âu yêu cầu trì hoãn Brexit, nếu Quốc hội Anh không nhất trí được một thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 19/10 tới.

Thủ tướng Anh hiện không có bất cứ giải thích nào về các tuyên bố trái ngược này, trong khi một số nguồn tin cho rằng, ông Johnson có thể sẽ tìm kiếm một lối thoát hợp pháp nào đó để tránh phải yêu cầu gia hạn, hoặc cố gắng gây áp lực để Liên minh châu Âu từ chối đồng ý với yêu cầu gia hạn./.

(Tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast