Dịch Zika lan rộng: Mỹ Latinh tăng cường biện pháp đối phó

Nhiều nước Mỹ Latinh và Caribe ngày 28/1 đã phải tiến hành hàng loạt các biện pháp mạnh để đối phó với dịch Zika.

Động thái này diễn ra sau khi Tổ chức Y tế Thế giới ra cảnh báo, loại virus này đang lan nhanh một cách bùng nổ với mức độ báo động.

Ước tính có khoảng từ 3 đến 4 triệu người ở khu vực châu Mỹ có thể nhiễm loại virus này. Còn tại châu Âu, nhiều nước cũng đã thông báo các ca nhiễm Zika đầu tiên.

Dịch Zika lan rộng: Mỹ Latinh tăng cường biện pháp đối phó ảnh 1
Một người đang xịt thuốc quanh khu nhà nhằm ngăn chặn muỗi Aedes mang virus Zika. (ảnh: AFP).

Phát biểu trong cuộc họp ngày 28/1 tại Geneva, Thụy Sĩ, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Margaret Chan đã cảnh báo về nguy cơ lan rộng của virus Zika. Theo bà Chan, mức độ báo động đối với loại virus này đặc biệt cao.

Ước tính sẽ có khoảng từ 3 đến 4 triệu người ở châu Mỹ, trong đó có 1,5 triệu người ở Brazil, có thể sẽ bị lây nhiễm loại virus này.

Để đối phó với dịch, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 1/2 tới để xác định lần bùng phát này của virus Zika đã đủ để ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế hay chưa: “Năm ngoái, loại virus này được phát hiện tại châu Mỹ và từ đây, virus này nhanh chóng lan rộng. Cho đến nay đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận loại virus này. Mức độ nhiễm dịch đang ở mức báo động cao. Sự xuất hiện của loại virus Zika ở một số nơi có liên quan đến chứng đầu nhỏ bất thường ở trẻ sơ sinh”.

Sau cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhiều nước Mỹ Latinh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh để đối phó dịch.

Dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm Zika nào song Tổng thống Peru Ollanta Humala ngày 29/1 đã tuyên bố đặt Peru trong tình trạng cảnh giác cao trước nguy cơ bùng phát dịch Zika.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Humala cho biết, ông sẽ áp dụng tất cả các biện pháp dự phòng cần thiết để tối thiểu hỏa nguy cơ bùng phát dịch: “Chúng ta đang trong tình trạng cảnh giác cao trước sự lây lan của dịch bệnh. Chúng ta đều biết rằng, sự xuất hiện của Zika ở Mỹ Latinh giờ đã trở thành một vấn đề hiện hữu. Chúng ta cần triển khai các biện pháp dự phòng để đối phó dịch”.

Tại Chile, cùng ngày, nhà chức trách nước này cũng đã ban hành hàng loạt các biện pháp đối phó dịch Zika nhằm ngăn chặn loại virus này có thể lan sang nước này.

Còn tại Venezuela, chính phủ và người dân nước này cũng đang phải chạy đua với thời gian nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tại thủ đô Caracas, chính quyền thành phố đã tiến hành chiến dịch khử trùng hàng loạt các ngôi nhà và đường phố nhằm diệt muỗi, được cho là tác nhân làm gia tăng các ca lây nhiễm Zika tại nước này.

Trong khi chưa có vaccine để đối phó dịch thì giải pháp được ưu tiên lúc này là bảo vệ người dân cũng như giảm số lượng muỗi. Tính đến nay đã có 4.700 ca lây nhiễm Zika được phát hiện ở Venezuela. Song hiện chưa rõ là có bao nhiêu phụ nữ đang mang thai bị nhiễm loại virus này.

Theo nhiều chuyên gia y tế Venezuela, điều mà họ lo lắng nhất lúc này là Venezuela chưa chuẩn bị tốt để đối phó dịch khi mà nước này đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế.

Ông Julio Castro, một bác sĩ tại Caracas nhận xét: “Sự thiếu hụt thuốc hiện đã lên đến đỉnh điểm. Có khoảng 62% số thuốc trong danh mục thuốc cần thiết lại đang trong tình trạng thiếu hụt mạnh. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ đối với hoạt động phòng chống dịch”.

Cùng ngày, Bộ Y tế Honduras thông báo số ca nhiễm virus Zika tại nước này đã lên đến 1.000 trường hợp tính từ tháng 12/2015.

Cùng với khu vực châu Mỹ, nhiều nước tại khu vực châu Âu cũng đã bắt đầu xuất hiện các ca lây nhiễm Zika. Tính tới nay, đã có 6 nước châu Âu bao gồm Anh, Italia, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và Thụy Sĩ ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch tại Nam Mỹ.

Nhà chức trách Pháp hôm qua đã kêu gọi các phụ nữ mang thai không nên tới các quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ và Caribe sau khi một loạt nước châu Âu thông báo có bệnh nhân nhiễm loại virus nguy hiểm này./.

Theo Hồng Nhung/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast