Đuối lý, Trung Quốc quay sang đổ lỗi

Truyền thông Trung Quốc hôm qua lại dùng giới chuyên gia đổ trách nhiệm cho Mỹ gây ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông.

Động thái trên nhằm chữa thẹn sau khi Trung Quốc đã một phen “mất mặt” ở Đối thoại Shangri-La 13, vừa kết thúc hôm 1-6 tại Singapore. Đồng thời, bị cộng đồng quốc tế “vạch mặt” là “kẻ gây hấn” sau khi những hình ảnh hành xử không mấy tốt đẹp của Trung Quốc đối với tàu chấp pháp Việt Nam ở biển Đông đã được phóng viên các hãng tin quốc tế ghi nhận từ cuối tháng 5 đến nay.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) tại Brussels ngày 4-6.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) tại Brussels ngày 4-6.

Đổ lỗi cho Mỹ

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc và Thời Báo Hoàn Cầu đã thay phiên nhau cho đăng bài xã luận “Mỹ nên bị quy trách nhiệm trong căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc”.

Đây là giọng điệu của truyền thông Trung Quốc mỗi khi đuối lý trong các vụ tranh chấp, họ thường mượn miệng của giới học giả, chuyên gia phát loa “đổ thừa” theo kiểu “chó càn cắn giậu”.

Tác giả bài viết - nhà nghiên cứu Đổng Xuân Lĩnh, thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc (CICIR) - suy diễn rằng tình hình tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc leo thang đến mức xung đột chỉ ngay sau chuyến viếng thăm Việt Nam hôm 7-5 của ông Daniel Russel - trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông Đổng bình luận rằng với sự hậu thuẫn của Mỹ, Việt Nam bắt đầu chống lại Trung Quốc mạnh hơn và “làm quá” vấn đề ở biển Đông khi tổ chức các cuộc họp báo quốc tế, cũng như điều thêm tàu đến ngăn cản những hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông.

Ông Đổng cáo buộc sự trỗi dậy của Việt Nam trong các cuộc tranh chấp này có “bóng dáng” của Mỹ với vai trò bên thứ ba. Và Mỹ đã lợi dụng tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như các cuộc tranh chấp khác ở biển Đông để kiềm chế Trung Quốc.

Bài xã luận cáo buộc Mỹ đang “giả nhân giả nghĩa” khi can thiệp vào những vấn đề giữa Việt Nam - Trung Quốc nhưng thực chất Washington đang muốn lợi dụng tình hình quốc tế để hồi phục lòng tin của người dân Mỹ.

Bài báo còn giở giọng đe dọa rằng Washington sẽ không đạt được gì từ chiến lược can thiệp này mà trái lại đã mất rất nhiều thứ. Cụ thể, Washington phải trả giá bằng hiện trạng mối quan hệ Mỹ - Trung đang bị phủ bóng đen. Ông Đổng còn nặng lời cho rằng “tiếng kêu gào của các nước ở biển Đông đang đánh thức một con chó ở Mỹ”?

Nhà nghiên cứu “diều hâu” này còn dọa rằng các nước ở biển Đông vì quá tin vào sự ủng hộ của Mỹ mà quên đi lợi ích của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc. Nếu Mỹ tiếp tục chiến lược kiềm chế Trung Quốc thì chính Mỹ sẽ không thoát khỏi thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi sử dụng các đồng minh là những nước nhỏ hơn Trung Quốc.

Khẳng định tấn công tàu Việt Nam để lấy lòng trong nước

Các cơ quan truyền thông chính thống của Trung Quốc lại đưa tin không đúng sự thật về tình hình tại khu vực mà họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Mới đây, truyền thông nước này còn trơ tráo cáo buộc ngược rằng Việt Nam đang gây hấn với họ bằng việc điều thêm tàu đến khu vực trên. Trong khi chính Bắc Kinh mới là bên gây căng thẳng khi điều cả tàu hộ vệ tên lửa, máy bay trinh sát điện tử, máy bay cánh bằng tiếp cận các khu vực có tàu chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa.

Hôm 3-6, Đài phát thanh nhân dân trung ương Trung Quốc (CNR) và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin tàu hải cảnh 46015 đã đâm vào tàu cảnh sát biển 2016 của Việt Nam gây hư hại nặng hôm 1-6.

CNR còn ngạo mạn kể rằng trước đó, tàu của Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư 635 tại vùng biển quanh nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên CNR và CCTV phát tin về các vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Dù với ý đồ muốn cho dân Trung Quốc thấy rằng “tàu của họ” mạnh hơn nhưng có lẽ động thái này đã gây hiệu ứng ngược.

Những điều mà hai cơ quan truyền thông lớn vào bậc nhất Trung Quốc đưa tin đã phủ nhận tất cả nỗ lực “đổ lỗi” cho “bên thứ ba” mà Trung Quốc đang thực hiện. Bắc Kinh cũng đã tự “vạch áo cho người xem lưng” khi những hình ảnh này đã được báo chí quốc tế dẫn lại với góc nhìn khách quan hơn.

Sau khi tường thuật những gì mà CNR và CCTV đưa tin, Hãng AFP dẫn lời giới chuyên gia quốc tế nhận định nhà cầm quyền Trung Quốc đang tìm cách lấy lại sự ủng hộ trong nước bằng việc thực hiện những động thái cứng rắn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển.

Theo Tuoitre

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast