EU bắt đầu một cuộc chiến mới

Kể từ sau khi vấn đề nợ công bùng nổ, Liên minh châu Âu (EU) – tổ chức khu vực vẫn được coi là thành công nhất thế giới, đã dần bộc lộ không ít nhược điểm.

Kết quả của hội nghị thượng đỉnh bất thường trong hơn 4 tiếng được cho là bước đi tiếp theo nhằm vãn hồi tình trạng ảm đạm của EU
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh bất thường trong hơn 4 tiếng được cho là bước đi tiếp theo nhằm vãn hồi tình trạng ảm đạm của EU

Ba năm qua, các nhà lãnh đạo EU đã có không ít nỗ lực nhằm khắc phục những khiếm khuyết của tổ chức này, đúng như tuyên bố “Chúng tôi có cách làm riêng của mình” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso tại cuộc gặp thượng đỉnh G20 hồi tháng 6-2012 tại Los Cabos, Mexico. Bắt đầu từ chuyện bơm tiền nhằm cứu vãn các nền kinh tế bên bờ phá sản như Hy Lạp, Ireland, Síp, v.v. rồi các chính sách thắt chặt chi tiêu, tới việc đạt được thỏa thuận về việc thành lập một liên minh ngân hàng (19-3-2013, tại Brussels Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và đại diện các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về các đạo luật liên quan việc thành lập cơ quan giám sát ngân hàng trung ương, hoạt động dưới sự bảo hộ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), một bước chuẩn bị cho việc thành lập Liên minh ngân hàng vào năm 2014). Nhưng dường như, tất cả những nỗ lực này là chưa đủ để vực dậy các nền kinh tế, trước hết trong khu vực đồng euro (tỉ lệ thất nghiệp tại eurozone đã lên tới gần 11%, tương đương khoảng 19,2 triệu người thất nghiệp).

Trong bối cảnh đó, kết quả của hội nghị thượng đỉnh bất thường trong hơn bốn tiếng đồng hồ ngày 22-5-2013 (tại Brussels, Bỉ) được cho là bước đi tiếp theo nhằm vãn hồi tình trạng ảm đạm của EU. Các nhà lãnh đạo EU đã thỏa thuận trong sáu tháng cuối năm sẽ nỗ lực dỡ bỏ mọi bức tường bí mật bao quanh các ngân hàng (trong Liên minh) nhằm tránh thất thoát hàng nghìn tỷ euro mỗi năm.

Đúng là nếu theo số liệu mà tổ chức Oxfam đưa ra là hiện có hơn 12 nghìn tỷ USD đang “ẩn náu tại các thiên đường thuế” (đấy là các địa chỉ ngoài EU như Thụy Sỹ, Andorra, Liechtenstein, Monaco và San Marino và cả trong EU tiêu biểu như Áo, Luxembourg, v.v. và tình trạng trốn thuế này đã khiến EU thất thu tới 1000 tỷ euro/năm) thì quyết định trên đây của EU là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh EU đang rất khó khăn về tài chính. Hơn thế, điều hiển nhiên là việc thất thu thuế còn khiến cho sự bất tín nhiệm vào chính phủ gia tăng, sự chia rẽ trong xã hội thêm sâu sắc và cuối cùng là nhiệm vụ khắc phục khủng hoảng kinh tế càng khó thực hiện. Tất cả từ các nhà lãnh đạo đến người dân EU đều hiểu “trốn thuế là một tội phạm nghiêm trọng … là không công bằng” (Lời của Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz tại hội nghị).

Tuy nhiên, để đạt được điều hiển nhiên này lại không hề đơn giản, thậm chí khó khăn tới mức như ông Chủ tịch EU Herman Van Rompuy khẳng định tại hội nghị rằng “đây chính là cuộc chiến chống thất thu thuế ở châu Âu”.

Trước hết, trốn thuế luôn câu chuyện muôn thuở của nhiều doanh nghiệp không chỉ trong khuôn khổ EU mà có lẽ trên phạm vi toàn cầu. Thỏa thuận minh bạch các nguồn gửi (hiện nay cơ chế trao đổi thông tin giữa các ngân hàng các nước EU mới chỉ áp dụng đối với các tài khoản tiết kiệm, tức là với lượng tiền không lớn) chắc chắn sẽ đụng chạm tới nhiều ngân hàng, mà nguồn thu chính của họ là từ các cá nhân, tổ chức gửi tiền nhưng không muốn công khai danh tính. Những ngân hàng này còn có thể đối mặt với việc các khách hàng sẽ rút tiền ồ ạt khi Thỏa thuận trên bắt đầu triển khai. Tình trạng sụp đổ một loạt ngân hàng chính là một trong những lý do khiến câu chuyện chống trốn thuế cứ kéo dài nhiều năm không được thực hiện triệt để. Đó là chưa kể tới việc chính các ngân hàng này sẽ tìm mọi cách gây sức ép ngược lại với các nhà làm chính sách của EU để chí ít cũng có thể trì hoãn quá trình thực hiện Thỏa thuận.

Thứ hai, Thỏa thuận minh bạch ngân hàng chỉ có thể thực hiện được trên một diện rộng bao gồm cả những “thiên đường thuế”, bởi nếu chỉ trong phạm vi EU thì cuộc chiến chống trốn thuế sẽ lại chỉ dừng ở điểm xuất phát mà thôi. Điều kiện mà Áo và Luxembourg đưa ra (họ đồng ý với Thỏa thuận trong trường hợp EU cũng sẽ đạt được thỏa thuận với các nước bên ngoài như Thụy Sỹ, Monaco, Andorra, v.v.) cho thấy sự chia rẽ vì khác biệt lợi ích nhóm hay lớn hơn là lợi ích quốc gia trong nội bộ EU vẫn còn lớn tới mức nào. Chính vì thế, Thỏa thuận có nhiều khả năng sẽ khiến cho sự chia rẽ trong EU thêm sâu sắc. Hơn nữa, nếu EU không có những bước triển khai Thỏa thuận này một cách cẩn trọng và đồng bộ thì có khi lại rơi vào tình cảnh “cốc mò cò xơi”, bởi một nguồn tiền lớn từ các ngân hàng EU có thể bốc hơi sang các nước khác ngoài EU.

Thứ ba, việc minh bạch ngân hàng là nhằm chống thất thu thuế nhưng hệ lụy của nó có thể lại là sự sụt giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư EU. Trong tình cảnh ảm đạm hiện nay, có lẽ mục tiêu lớn nhất và cấp bách hơn cả đối với EU phải là kích thích tăng trưởng. Sự chán nản của người dân trước tình trạng thất nghiệp cứ tiếp tục gia tăng, thu nhập không có dấu hiệu tăng trưởng, v.v. sẽ có thể khiến cho Thỏa thuận này sẽ chỉ dừng lại ở hình thức văn bản hành chính.

Có lẽ chính vì những thách thức không hề nhỏ trên cộng với tình trạng chia rẽ nội khối ngày càng rõ ràng mà các nhà lãnh đạo EU đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được Thỏa thuận minh bạch các nguồn gửi ngân hàng tại hội nghị thượng đỉnh bất thường lần này và coi đây thực sự là một thành công.

Nhưng cũng chính từ việc coi Thỏa thuận này là một thành công của EU vào thời điểm hiện tại lại làm nảy sinh một câu hỏi về mô hình liên kết EU.

Từ rất lâu rồi, tất cả đều hiểu, đối với một quốc gia thì việc chống trốn thuế có lẽ là một trong những công việc đầu tiên phải làm của bất cứ một chính phủ nào. Đơn giản vì đó là một trong những đảm bảo quan trọng để quốc gia đó tồn tại và phát triển. Vậy thì tại sao ngay từ thời khắc ban đầu xây dựng liên kết EU các quốc gia thành viên lại bỏ qua (hoặc coi nhẹ) nhiệm vụ đầu tiên này, phải chăng là vì nó quá khó hay vì thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia.

Như vậy, mô hình EU đang ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết phải chăng là bởi chính việc các nhà lãnh đạo EU bỏ qua (hay tạm gác lại) những nhiệm vụ đơn giản, nhưng lại là rất quan trọng đối với sự sinh tồn của mỗi quốc gia thành viên, trong quá trình xây dựng nền móng của ngôi nhà liên kết ? Bởi rõ ràng, khi một quốc gia cho dù là nhỏ bé gia nhập một liên kết nào đó, thì vấn đề của quốc gia này sớm hay muộn cũng sẽ là của cả liên kết. Đây có lẽ cũng sẽ là một bài học đắt giá cho nhiều mô hình liên kết trên thế giới hiện nay.

Theo Nhân Dân Điện tử

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast