Hỗn loạn và căng thẳng trong ngày bầu cử sớm ở Thái Lan

Bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp và các biện pháp tăng cường an ninh của chính phủ đã được ban bố, cuộc bầu cử sớm ngày 26/1 ở Thái Lan đã diễn ra trong sự hỗn loạn khi phong trào biểu tình chống chính phủ phong tỏa các khu vực bầu cử, khiến nhiều nơi phải hủy bỏ việc bỏ phiếu.

Những người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 24/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 24/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thông báo của Ủy ban bầu cử quốc gia, cuộc bỏ phiếu sớm tại miền Bắc, Đông Bắc, miền Trung đã diễn ra mà không gặp trở ngại nào, trong khi các khu vực bỏ phiếu tại Bangkok và miền Nam đều bị phong tỏa. Người biểu tình đã tiến hành bao vây các khu vực bỏ phiếu từ trước giờ mở cửa khiến các cử tri không thể đi thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakhaikul cho biết 45 trên tổng số 50 điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok bị đóng cửa, hoạt động bỏ phiếu sớm tại 10 tỉnh bị gián đoạn do các hành động cản trở của lực lượng phản đối chính phủ.

Giám đốc Ủy ban bầu cử của khu vực Bangkok Veera Yeephare tuyên bố những cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu sớm trong ngày 26/1 vẫn có thể đi bầu cử vào ngày 2/2 sắp tới.

Việc người biểu tình phong tỏa các khu vực bỏ phiếu sớm nhằm mục tiêu cản trở cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã kêu gọi những người ủng hộ tập trung tại tất cả các điểm bầu cử ở thủ đô. Điều này trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố trước đó của phong trào biểu tình rằng họ không ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu và chỉ kêu gọi lựa chọn tiến hành cải cách trước bầu cử.

Ủy ban bầu cử quốc gia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào chiều 28/1 nhằm thảo luận về khả năng hoãn bầu cử. Nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Yingluck chuẩn bị thảo luận việc hoãn cuộc bầu cử vào ngày 2/2 nếu như phe đối lập chấm dứt biểu tình và không tẩy chay hoặc tìm cách phá hỏng cuộc bầu cử được tổ chức lại.

Phản ứng trước tuyên bố của Chính phủ Thái Lan về khả năng chấp thuận hoãn bầu cử, các thủ lĩnh biểu tình nói rằng Thủ tướng Yingluck nên từ chức và Ủy ban bầu cử quốc gia sẽ thảo luận với chính phủ tạm quyền về kế hoạch bầu cử ngày 2/2. Một khi cuộc bầu cử này bị hoãn hoàn toàn, người biểu tình có thể sẽ đồng ý giải tán.

Trước đó, Tòa án hiến pháp đã tuyên bố cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 có thể hoãn được và trách nhiệm thực hiện là của các chính phủ và Ủy ban bầu cử. Vấn đề chính trong cuộc gặp này không phải là việc quyết định ngày bầu cử mới mà là làm thế nào để chấm dứt sự rạn nứt trong xã hội trước một cuộc bầu cử mới.

Ủy ban bầu cử quốc gia đã ra thông báo hướng dẫn các quan chức bầu cử địa phương ngừng cho tiến hành bỏ phiếu và rút vào các khu vực an toàn nếu những địa điểm đó bị người biểu tình bao vây. Các quan chức bầu cử địa phương cũng được quyền tuyên bố đóng cửa khu vực bầu cử mà họ phụ trách nếu nhận thấy tình hình nguy hiểm.

Ủy ban này cũng khuyến cáo chính quyền thận trọng trong việc tuyên bố áp dụng các quy định trong luật tình trạng khẩn cấp để không bị vi phạm hiến pháp. Lực lượng cảnh sát cũng được lệnh bỏ trống các vị trí gác tại những điểm bầu cử xảy ra xung đột.

Theo truyền thông Thái Lan, Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul khẳng định chính phủ sẽ không hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới khi mà 90% công tác bầu cử sớm đã được thực hiện.

Người giám sát Trung tâm gìn giữ hòa bình còn tuyên bố sẽ ra lệnh bắt giữ những người vi phạm luật tình trạng khẩn cấp và luật bầu cử khi bao vây các khu vực bỏ phiếu.

Chính phủ Thái Lan đã khẳng định quan điểm như vậy, nhưng rất khó có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ của Ủy ban bầu cử quốc gia, nơi có quyền yêu cầu quân đội và cảnh sát trợ giúp bảo vệ các điểm bỏ phiếu bị người biểu tình bao vây và cản trở.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast