Liệu cảng chiến lược Odessa có trở thành Crimea mới?

Những lá cờ Ukraine bay cao ở thành phố cảng nơi tập trung nhiều người nói tiếng Nga Odessa ở miền Tây Ukraine, đối diện với Crimea qua biển Đen. Tình hình căng thẳng và chia cắt thời gian qua tại Ukraine đã làm tăng những luận điệu dân tộc chủ nghĩa tại đây.

Người biểu tình ủng hộ Nga tại thành phố cảng Odessa của Ukraine (Nguồn: AFP)
Người biểu tình ủng hộ Nga tại thành phố cảng Odessa của Ukraine (Nguồn: AFP)


Mỗi ngày, hàng chục người tập hợp tại khu tượng đài Potemkin nổi tiếng. Khu tượng đài này, với những bậc thang dài bất tận, nổi tiếng trong bộ phim câm “Chiến hạm Potemkin" được sản xuất những năm 1920 kể về một chiếc tàu chiến với thủy thủ đoàn nổi dậy chống lại chế độ Sa hoàng ở Nga.

“Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền Ukraine và muốn Ukraine toàn vẹn, không chia cắt”, Anastasiya Belous, một trong những người tham gia biểu tình, nói. “Nhiều người dân Odessa đã xuống đường để cất lên tiếng nói của mình. Chúng tôi muốn tránh một kịch bản như Crimea, và chúng tôi sẽ không để đất nước bị chia cắt”.

Thành phố một triệu dân này từng là viên ngọc trên vương miệng của đế quốc Nga, nhưng hiện như nhiều vùng khác ở Ukraine, Odessa đang đứng trước ngã ba đường sau vụ bạo động chính trị lật đổ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và việc Nga sáp nhập Crimea.

Tình hình ở thành phố cảng chiến lược này, điểm trung chuyển một phần ba hàng hóa vào Ukraine, được theo dõi sát sao còn bởi nó nằm gần Transdniestr, một vùng nói tiếng Nga lớn ở nước láng giềng Moldova.

Giống như ở các thành phố công nghiệp nhiều người gốc Nga khác tại Ukraine, Donetsk, Kharkiv và Lugansk, các cuộc tuần hành ủng hộ Nga và kêu gọi trưng cầu dân ý để gia nhập Nga cũng diễn ra ở Odessa, làm gia tăng căng thẳng trong thành phố.

Ngày 3/3, khoảng 3.000 người biểu tình đã tấn công các văn phòng chính quyền ở Odessa, thay lá cờ vàng-xanh của Ukraine bằng lá cờ ba màu của Nga. “Odessa được nước Nga thành lập, và trở lại với Nga là điều hợp lý,” Oleksandr, từ chối cho biết họ, nói với AFP.

Chàng thanh niên này mặc áo jacket và đeo trên trán dải ruy-băng màu cam và đen, biểu tượng của thánh George, cũng là biểu tượng cho chiến thắng của nước Nga trước quân Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đối lập với những cuộc biểu tình thân Nga là các cuộc tuần hành đòi sự thống nhất cho Ukraine và nhà chức trách đã bắt giữ lãnh đạo của phong trào thân Nga. Dù Odessa chủ yếu nói tiếng Nga, hơn 60% cư dân ở đây là người Ukraine, ngược lại với Crimea, nơi có 60% là người Nga.

Trong khi các cuộc tuần hành và đụng độ ở các thành phố miền đông như Donetsk và Kharkov đã dẫn tới đổ máu, tình hình ở Odessa vẫn tương đối hòa dịu. Hàng nghìn người muốn Ukraine thống nhất đã tập hợp vào ngày 9/3 ở tượng đài Potemkin để hát quốc ca Ukraine, theo các đoạn băng phát tán trên internet.

“Căng thẳng giờ đã dịu xuống”, Artem Filipenko, nhà phân tích chính trị ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, nói. “Những người thân châu Âu đông hơn ở đây, và điều này có ý nghĩa quyết định. Vùng Odessa nghiêng hơn về phía Ukraine”.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast