Máy bay QZ8501 đã “tăng độ cao quá nhanh” trước khi biến mất

Theo dữ liệu radar, chiếc Airbus A320-200 này đã tăng độ cao với tốc độ khoảng 1.828m/phút - điều rất bất thường với 1 chiếc máy bay thương mại.

AP dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Indonesia ngày 20/1 cho biết, chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia mang số hiệu QZ8501 bị rơi vào tháng trước với 162 người trên khoang đã "đi lên với tốc độ cao bất thường, sau đó lao xuống và đột nhiên biến mất khỏi radar".

Máy bay QZ8501 đã “tăng độ cao quá nhanh” trước khi biến mất ảnh 1

Phần đuôi máy bay QZ8501 được trục vớt từ biển Java ngày 10/1 vừa qua (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Indonesia, Ignasius Jonan nói rằng, dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay Airbus A320-200 của AirAsia đã tăng độ cao với tốc độ khoảng 1.828m/phút trước khi nó biến mất khỏi radar vào ngày 28/12 vừa qua.

"Đây là điều không bình thường khi lên cao với tốc độ nhanh như vậy. Điều này rất hiếm khi xảy ra với các máy bay thương mại, thường chỉ tăng độ cao từ 300 - 600m/phút" ông Johan nói. "Việc tăng độ cao nhanh như vậy chỉ có thể được thực hiện bởi một máy bay phản lực chiến đấu".

Ông Johan cũng cho biết, sau đó chiếc máy bay này đã lao xuống rất nhanh và biến mất khỏi radar. Tuy nhiên ông Jonan không cho biết nguyên nhân nào khiến chiếc máy bay này lại tăng độ cao nhanh một cách bất thường như vậy.

Trong liên lạc cuối cùng của phi công với kiểm soát không lưu, phi công của chuyến bay QZ8501 đã yêu cầu được tăng độ cao từ khoảng 9.700m lên hơn 11.000m để tránh những đám mây đen. Tuy nhiên yêu cầu này bị từ chối bởi tại thời điểm đó, mật độ giao thông khá dày đặc ở khu vực này. 4 phút sau, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar và không có tín hiệu cầu cứu nào được ghi nhận.

Theo các chuyên gia, việc tăng độ cao quá nhanh có thể khiến một chiếc máy bay rơi vào trạng thái mất cân bằng khí động học. Năm 2009, một chiếc máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Air France bị rơi ở Đại Tây Dương trong điều kiện thời tiết xấu khi đang bay từ Rio de Janeiro tới Paris. Các nhà điều tra sau đó đã xác định, dữ liệu từ "hộp đen" của chiếc máy bay phản lực này cho thấy nó đã tăng độ cao và sau đó rơi vào trạng thái mất cân bằng và các phi công đã không thể khắc phục được tình trạng này.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của hãng Airbus, Justin Dubon cho biết rằng, vẫn còn quá sớm để nhận xét về sự tương đồng giữa hai vụ tai nạn này.

Cho đến nay, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã xác định được 9 mảnh vỡ lớn, bao gồm cả thân và đuôi chiếc máy bay phản lực của hãng hàng không AirAsia dưới đáy biển Java. Hai hộp đen của máy bay gồm thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay đã được trục vớt và đang được phân tích.

"Cho đến nay, chúng tôi đã tải về toàn bộ và ghi chép lại được khoảng một nửa dữ liệu trong thiết bị ghi âm buồng lái", ông Nurcahyo Utomo, một điều tra viên thuộc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Indonesia cho biết."Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào bởi chúng ta chưa biết những gì xảy ra trong nửa dữ liệu còn lại".

Ông Utomo cũng cho biết, không có dấu hiệu chiếc máy bay này bị khủng bố và không có tiếng nói khác trong buồng lái ngoài tiếng của cơ trưởng và phụ lái.

Cho đến nay, lực lượng tìm kiếm cứu hộ mới chỉ vớt được 53 thi thể nạn nhân trong tổng số 162 người có mặt trên chiếc máy bay. Thời tiết xấu và các dòng chảy ngầm mạnh đã nhiều lần ngăn cản các thợ lặn tiếp cận với phần thân chính của chiếc máy bay nằm ở độ sâu khoảng 30m dưới biển Java./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast