Miền đông nam Ukraine: Cuộc ngừng bắn bấp bênh

Cuộc ngừng bắn mong manh, trong khi chưa thấy triển vọng về một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Ukraine.

Đại diện chính phủ Ukraine và các lực lượng ly khai hôm 5/9 đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk (Belarus). Chứng kiến cuộc ký kết có đại sứ Nga ở Ukraine và đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Thỏa thuận bao gồm trao đổi tù binh, thiết lập hành lang nhân đạo cho người tị nạn và viện trợ nhân đạo. Nếu ngừng bắn được thực thi, nó sẽ là một thành tựu nổi bật. Cuộc xung đột vũ trang đã tàn phá đất nước và hủy hoại nền kinh tế Ukraine. Theo ước tính của Liên hợp quốc, 2.600 dân thường đã thiệt mạng và hàng ngàn người đã bị mất nhà cửa.

Xe tăng của quân chính phủ Ukraine tăng cường hoạt động ở vùng ngoại ô của thành phố cảng chiến lược Mariupol hôm 5/9
Xe tăng của quân chính phủ Ukraine tăng cường hoạt động ở vùng ngoại ô của thành phố cảng chiến lược Mariupol hôm 5/9

Cuộc ngừng bắn lần trước kéo dài 10 ngày. Khi chiến sự lại nổ ra, quân đội chính phủ dùng lực lượng xe tăng, thiết giáp và pháo hạng nặng tấn công các cứ điểm của lực lượng ly khai gây tổn thất và đẩy lùi lực lượng này tại một số vị trí ở Donetsk và Lugansk. Nhưng gần đây, các lực lượng ly khai đã phản kích và mở rộng cuộc xung đột tới thành phố biển Mariupol ở phía đông nam của Ukraine, bên bờ Biển Azov, chiếm cảng Mariupol. Mariupol có gần 50 vạn dân, là thành phố lớn thứ 10 của Ukraine và lớn thứ hai trong vòng cung Donetsk. Tối ngày 6/9, chiến sự vẫn diễn ra ở khu vực gần cảng Mariupol do lực ly khai kiểm soát và tại sân bay Donetsk do lực lượng chính phủ Ukraine kiểm soát.

Nguy cơ chiến sự mở rộng và Nga có thể dính líu quân sự sâu vào cuộc xung đột ly khai là nguyên nhân thúc đẩy Kiev ngồi vào bàn thương lượng. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng thỏa thuận này sẽ giữ cho Ukraine thống nhất, nhưng có thể chỉ là một cuộc ngừng chiến tạm thời. Tổng thống Petro Poroshenko hứa hẹn mở rộng quyền hạn cho các địa phương nhưng không chấp nhận trao quyền tự trị theo thể chế liên bang như Moscow mong muốn. Nước Nga Putin muốn rằng các tỉnh miền đông của Ukraine có quyền theo đuổi chính sách đối ngoại riêng. Điều này có thể cho phép các chính quyền địa phương miền đông bác bỏ những thỏa thuận của Kiev gia nhập NATO. Ông Poroshenko, chịu sức ép của các thế lực thân phương Tây ở trong và ngoài chính phủ Kiev, không thể đưa ra những cam kết như vậy, đặc biệt khi ngày 26/10 sắp tới sẽ diễn ra bầu cử quốc hội. Nhưng như ông ta đã nhìn nhận, quân sự không thể là một giải pháp và thương lượng là một cách lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện nay.

Thỏa thuận này phản ánh những nội dung của đề nghị mà Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko đưa ra gần đây. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được tuyên bố, hai tổng thống đã nói chuyện bằng điện thoại, cam kết giữ vững ngừng bắn. Hai bên cũng thảo luận những biện pháp tiếp theo.

Các cuộc trao đổi tù binh đã được thực hiện theo thỏa thuận (phe ly khai bắt giữ 200 binh lính chính phủ); hành lang nhân đạo được mở cho dân thường đi lại, nhưng cảm tưởng chung ở Kiev cho rằng ông Putin đã ở thế thượng phong khi vẫn duy trì được nguyên trạng lực lượng vũ trang của phe ly khai. Tại một số nơi, người dân đã nhân dịp ngừng bắn để đi lánh nạn. Hai phe tố cáo lẫn nhau vi phạm ngừng bắn và điều có thể xẩy ra là mỗi bên sẽ lợi dụng thời gian ngừng bắn để tăng cường lực lượng của mình.

Phương Tây tiếp tục ép Nga

Các nhà lãnh đạo phương Tây bày tỏ nghi ngờ về cam kết của Nga đối với thỏa thuận ngừng bắn. Ukraine và NATO cho rằng nước Nga đã cử hàng ngàn binh lính chính quy sang chiến đấu trong hàng ngũ các lực lượng ly khai. Mặc dù Nga bác bỏ những cáo buộc này nhưng giới quân sự NATO cho biết số lượng binh lính Nga tham chiến dưới màu cờ sắc áo của lực lượng ly khai đã vượt quá con số 1.000 theo ước tính ban đầu của NATO.

Tại Hội nghị NATO lần này, tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn chưa được bàn tới. Nhưng các nhà lãnh đạo khối quân sự đã cam kết giúp Ukraine hiện đại hóa lực lượng quân đội, cho phép Ukraine tham gia các cuộc tập trận của NATO và được nhận các hỗ trợ quân sự phù hợp với tư cách thành viên ngoài NATO. Ít lâu trước đây, chính quyền Obama vẫn từ chối viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine vì cho rằng tình hình nội chiến vẫn trong tầm kiểm soát của chính quyền Kiev.

Cả Mỹ và các thành viên của EU đã đưa ra những biện pháp cấm vận gắt gao hơn đối với Nga. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng cách hiệu quả nhất để đảm bào ngừng bắn thành công là tiếp tục gây sức ép đối với Nga. Những biện pháp mới bao gồm ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường tiền tệ, bán vũ khí và công nghệ quân sự, các mặt hàng lưỡng dụng và các công nghệ nhạy cảm, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 5/9, sẽ có hiệu lực vào ngày 9/9. Đức là nước chịu hậu quả lớn nhất từ cuộc cấm vận Nga lần này. Thủ tướng Đức Angela Merkel để ngỏ cửa thoát hiểm cho chính quyền Putin, nói rằng, “Nếu những tiến trình nhất định được thực hiện, chúng tôi sẵn sàng bãi bỏ cấm vận”.

Hồi tháng 8, Nga đã trả đũa cuộc cấm vận của phương Tây bằng cách cấm nhập khẩu thịt, hoa quả, rau và các sản phẩm sữa từ EU và Mỹ.

Tại Thượng đỉnh NATO, các nước thành viên đã thỏa thuận thành lập một đơn vị phản ứng nhanh gồm hàng ngàn quân đồn trú tại các nước Đông Âu. Các thành viên NATO sẽ đóng góp lực lượng hải lục không quân cho đơn vị này. Điều này cho phép NATO hiện diện quân sự thường xuyên gần biên giới phía tây của nước Nga.

Các tiến trình hợp tác ở châu Âu hậu chiến tranh lạnh bị đẩy lùi. Những thành tố của một cuộc chiến tranh lạnh mới nẩy mầm.

Theo Tổ quốc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast