Mười xu hướng định hình châu Á trong năm 2014

Trong năm 2014, những rủi ro chính trị và căng thẳng an ninh sẽ tăng lên cùng với sự hoài nghi về việc các nước lớn ở châu Á có tuân thủ cam kết về cải cách hỗ trợ tăng trưởng hay không. Mười xu hướng sau đây sẽ định hình châu Á trong 12 tháng tới hoặc xa hơn nữa...

Mười xu hướng định hình châu Á trong năm 2014 ảnh 1

Thứ nhất, mối quan hệ của châu Á với nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách tích cực và ngoạn mục. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia G-7 đã mua hàng hóa xuất khẩu và đầu tư nhiều vào các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, châu Á cũng đang trở thành một nhân tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế do người châu Á đầu tư và tiêu dùng nhiều hàng hóa từ nước ngoài hơn. Ví dụ, người châu Á hiện tiêu thụ nhiều ngô và đậu tương của Mỹ để sản xuất thức ăn gia súc, nhập khẩu thịt lợn, nhập khẩu khí đốt tự nhiên để sản xuất điện, cũng như mua chứng khoán của các công ty Mỹ.

Thứ hai, thách thức chiến lược cơ bản tại châu Á hiện nay là sự va chạm giữa kinh tế và an ninh. Các nước châu Á - đang buôn bán, đầu tư và cùng nhau phát triển - đang bị những căng thẳng an ninh và các mối quan hệ ngoại giao bất thường bủa vây. Yếu tố trung tâm là Trung Quốc, những ý đồ chiến lược lâu dài của Bắc Kinh đang gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực. Do vậy, để đối phó, một số nước châu Á đang tăng cường hợp tác quốc phòng và chính trị với nhau và với Mỹ vì sự hợp tác về kinh tế không thể trở thành một cơ cấu giảm nhẹ xung đột.

Thứ ba, việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đã làm nảy sinh những câu hỏi lớn về mức độ ảnh hưởng của các tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại châu Á đối với hàng hóa và tài sản chung toàn cầu như không phận, không gian mạng và các đại dương. Những tranh chấp sẽ tăng lên về quyền đi lại, tự do hàng hải và cách giải thích khác nhau về luật pháp quốc tế.

Thứ tư, để cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động ngoại giao tại châu Á trong năm 2014. Tokyo sẽ xem xét mở rộng ảnh hưởng, tận dụng việc tài trợ dự án, thương mại, viện trợ, trao đổi giữa người dân và thậm chí cả hợp tác an ninh.

Thứ năm, việc thanh trừng ông Jang Song-thaek hồi tháng 12/2013 đang làm nảy sinh những câu hỏi về sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng và khả năng nhiều rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2014. Thiên hướng khiêu khích của Bình Nhưỡng sẽ tạo ra những lựa chọn khó khăn cho tất cả các nước Đông Bắc Á.

Thứ sáu, trong năm 2014, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn, thử thách những vai trò truyền thống của họ tại châu Á. Trong những năm gần đây, vai trò đảm bảo an ninh hàng đầu tại châu Á của Mỹ đang được tăng cường, nhưng các đồng minh của Mỹ đang quan ngại theo dõi xem liệu Mỹ có đầu tư lâu dài vào khả năng quốc phòng mới hay không. Khi sức mạnh kinh tế của Mỹ suy giảm, người ta chưa rõ liệu vai trò của Mỹ tại châu Á có bền vững hay không.

Thứ bảy, một loạt hiệp định thương mại khu vực hiện cạnh tranh sự chú ý tại châu Á, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực toàn châu Á (RCEP), không bao gồm Mỹ. Nếu có thể hoàn tất trong năm 2014, TPP có thể ấn định một tiêu chuẩn cạnh tranh mới tại châu Á.

Thứ tám, những nỗ lực cải cách của Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn do mô hình tăng trưởng của nước này bắt đầu "xì hơi". Bắc Kinh đã kết thúc năm 2013 bằng việc thực hiện một chương trình cải cách kinh tế sâu rộng, bao gồm những cam kết mới về tự do hóa tài chính, mạng lưới an sinh xã hội, bảo vệ quyền sở hữu đất đai ở nông thôn và phụ thuộc nhiều hơn vào những lực lượng thị trường.

Thứ chín, các nhà đầu tư toàn cầu và các cử tri có thể "kéo và đẩy" một loạt chính phủ châu Á theo những hướng khác nhau trong năm 2014. Tại Ấn Độ, cuộc bầu cử sắp tới dường như không dẫn tới những cải cách táo bạo hơn, trong khi Nhật Bản đang đối mặt với sự hoài nghi về việc liệu chương trình kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe có thể tạo ra một chiến lược tăng trưởng lâu dài hay không. Lòng tin của các nhà đầu tư sẽ bị thử thách tại Thái Lan, nơi xung đột chính trị đang tiếp diễn.

Thứ mười, những sức ép kinh tế và chiến lược mới cũng sẽ nổi lên tại Trung Á trong năm 2014, khi các nước này bị thử thách trong bối cảnh Mỹ rút quân tại Afghanistan, các sáng kiến đầu tư và cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc, những nỗ lực của Nga nhằm mở rộng liên minh hải quan và sự không chắc chắn của Iran.

Trong hai thập kỷ qua, các nước châu Á đã cùng nhau tăng trưởng và cùng kiểm soát những tranh chấp. Vấn đề là xu hướng tích cực này sẽ kéo dài bao lâu. Năm 2014 là một năm thử thách mới đối với những nỗ lực nhằm xây dựng một tương lai chung tại châu Á.

TTK (Theo Diễn đàn Đông Á)

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast