Mỹ phác thảo "chiến lược Trung Đông" mới

Nhà Trắng đang phác thảo một "chiến lược Trung Đông" mới cho 18 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, trong đó trọng tâm là phải giải quyết các cuộc xung đột ở Iraq, Yemen và Syria trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Iran khá căng thẳng.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Obama mong muốn trước khi rời nhiệm sở vào năm 2017, ông sẽ giải quyết ổn thỏa tình trạng bất ổn ở khu vực này, cải thiện quan hệ với các đồng minh then chốt - những mối quan hệ đã bị tác động phần nào bởi các cuộc đàm phán với Iran. Các quan chức Nhà Trắng cũng coi việc hoàn tất các cuộc đàm phán với Iran như chìa khóa để ông Obama thúc đẩy một giải pháp chính trị ở Syria.

Mỹ phác thảo "chiến lược Trung Đông" mới ảnh 1

Chính quyền Obama mong muốn giải quyết dứt điểm cuộc xung đột ở Syria. Ảnh: Nhiều khu phố ở Syria chỉ còn là đống đổ nát do cuộc xung đột kéo dài. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc hoàn tất các cuộc đàm phán với Iran sẽ đưa Mỹ vào một không gian mới trong khu vực đầy biến động này, nơi mà những năm qua, việc Mỹ áp dụng chính sách ngoại giao với Tehran đã khiến cho quan hệ giữa họ và các đồng minh - trong đó có Israel và Saudi Arabia - trở nên vô cùng căng thẳng. Các đồng minh này của Mỹ có thể sẽ còn tức giận hơn nữa nếu Washington áp dụng các biện pháp nhằm tái thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Iran, và các quan chức Mỹ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đó là tìm cách xoa dịu những căng thẳng trong khu vực.

Chẳng hạn, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hợp tác với Iran trong cuộc chiến chống những tay súng cực đoan của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng sẽ khiến cho các nước láng giềng của Iran lo lắng. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác đã tìm mọi cách để giữ Iran đứng ngoài liên minh chống IS ở Syria và Iraq, đồng thời cáo buộc Tehran đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết trong "chiến lược Trung Đông" này, Mỹ sẽ tìm cách giữ cho mối quan hệ (giữa Mỹ) với các quốc gia vùng Vịnh không xấu thêm nữa. Tháng 5/2015, Tổng thống Obama đã gặp giới quan chức của các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và cam kết sẽ có những biện pháp quân sự và an ninh mới. Mỹ còn thành lập một nhóm để thực hiện các cam kết này. Chính quyền Obama cũng đang cân nhắc xem Washington sẽ can dự với Tehran ở mức độ nào trong các vấn đề nằm ngoài chương trình hạt nhân.

Những người chỉ trích ông Obama nói rằng chỉ vì muốn đạt được mục tiêu kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran mà ông đã lơi lỏng, để cho các cuộc khủng hoảng khác - đặc biệt là cuộc xung đột ở Syria - “tăng nhiệt”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng thúc giục Nhà Trắng tập trung hơn vào tình hình Syria. Trước đây, ông Obama luôn phản đối việc Mỹ can dự sâu hơn vào vấn đề Syria. Tuy nhiên, theo các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, hiện giờ, điều này có thể thay đổi. Giới chức Mỹ tin rằng việc kết hợp giữa áp lực quân sự và ngoại giao có thể gây thêm áp lực đối với ông Assad hoặc những người xung quanh ông, buộc họ phải tìm một kế hoạch “thoát hiểm”.

Nga sẽ là một nhân tố quan trọng trong bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ ở Syria. Quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên những hy vọng tại Nhà Trắng khi ngày 25/6 vừa qua, ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Obama để thảo luận về tình hình Syria. Phát biểu tại Lầu Năm Góc ngày 6/7, ông Obama nhấn mạnh: “Có một tin tốt lành là các đối tác trong khu vực ngày càng nhận thức được rằng khi phải đối mặt với mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng từ IS, việc chúng ta hợp tác cùng nhau là điều hết sức quan trọng”.

Tại Yemen, nơi Saudi Arabia đang chiến đấu với các tay súng Houthi, các quan chức Nhà Trắng cũng đang cân nhắc các biện pháp hợp tác với Iran để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho đất nước này.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast