Nam Ossettia muốn trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga

Ngày 19/10, Thư ký báo chí của nhà lãnh đạo Cộng hòa Nam Ossetia tự xưng Leonid Tibilov, bà Ghana Yanovska ngày 19/10 cho biết trong cuộc họp với trợ lý của Tổng thống Nga, Vladislav Surkov, ông Tibilov đã bày tỏ ý định tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.

Nam Ossettia muốn trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga ảnh 1

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Nam Ossetia tự xưng Leonid Tibilov. (Ảnh: TASS)

Theo bà Yanovska, ông Tibilov cho rằng việc sáp nhập vào Nga là nguyện vọng từ lâu nay của người dân Nam Ossetia.

Hãng tin Regnum dẫn lời ông Tibilov nói: "Thực tế chính trị hiện nay là như vậy, chúng tôi phải thực hiện sự lựa chọn lịch sử, cần sáp nhập với người anh em Nga để đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong nhiều thế kỷ cho nước cộng hòa, nhân dân chúng ta."

Ông Tibilov cho rằng việc tổ chức trưng cầu ý dân là cần thiết từ quan điểm pháp lý, tính đến kết quả các cuộc trưng cầu ý dân năm 1992 và 2006. Ông Tibilov bày tỏ tin tưởng người dân Nam Ossetia sẽ ủng hộ sáng kiến trên.

Ông kết luận: "Trưng cầu ý dân, với kết quả tích cực là điều tôi không hề nghi ngờ, sẽ cho phép gắn kết dân tộc chúng tôi, mang lại đổi mới và tái thiết tất cả các tiến trình tích cực trong xã hội,"

Ông nhấn mạnh tất cả các bước đi nhằm hiện thực hóa kết quả trưng cầu ý dân ở Nam Ossetia sẽ chỉ được thực hiện theo thỏa thuận với Moskva.

Ngày 18/3/2015, Nga đã ký Hiệp ước Liên minh và Hội nhập với Nam Ossetia - khu vực ly khai của Gruzia. Động thái này bị chính quyền Tbilisi lên án là nhằm hiện thực hóa âm mưu thâu tóm của Moskva trong khi bị Phương Tây cho là có thể đe dọa ổn định và an ninh khu vực.

Thỏa thuận khung này do Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Nam Ossetia Leonid Tibilov ký kết, trong đó phác thảo những kế hoạch nhằm hợp nhất các lực lượng an ninh, các cơ quan quân sự và hải quan của Nam Ossetia với các cơ quan của Nga.

Cũng theo hiệp ước này, Nga sẽ bảo vệ đường biên giới của Nam Ossetia. Nga đã công nhận Nam Ossetia là một quốc gia độc lập sau cuộc chiến kéo dài 5 ngày với Gruzia hồi năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết các nước khác vẫn coi khu vực này là một phần của Gruzia.

Theo TTXVN

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast