Nga được phép đưa 25.000 quân đến Crimea

Tuyên bố của Ukraine tại Liên Hợp Quốc rằng 16.000 binh lính Nga đã được đưa sang Crimea đã khiến phương Tây rất bất bình.

Tuy nhiên, họ đã phớt lờ một sự thật rằng số binh lính trên đã đồn trú tại đây kể từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước theo đúng thỏa thuận Kiev-Moscow.

Theo RT, báo chí phương Tây mô tả tình trạng hiện nay tại nước Cộng hòa tự trị Crimea như thể Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng toàn diện với những tít rất giật gân kiểu: “Ukraine tuyên bố Nga đưa 16.000 quân đến Crimea” hay “Ông Obama có thể làm gì với việc Nga xâm chiếm Crimea?”

Một tàu hải quân Nga tại Sevastopol (Ảnh AFP)
Một tàu hải quân Nga tại Sevastopol (Ảnh AFP)

Rõ ràng họ đã chọn cách không đề cập đến thỏa thuận mà hai nước đã ký từ hơn một thập kỷ qua.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin ngày 4/3 đã nhắc lại rằng thỏa thuận liên quan đến Hạm đội Biển Đen nói trên cho phép Nga được đưa tới 25.000 quân đến đồn trú tại Ukraine. Mặc dù vậy, báo chí phương Tây dương như đang “giả điếc” trước thực tế này.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng quân đội Nga “đang tuân thủ triệt để thỏa thuận trên và đang thực thi đúng lời kêu gọi của chính quyền hợp pháp tại Ukraine cũng như chính quyền hợp pháp tại Crimea”.

Việc đồn trú của Hạm đội Biển Đenđã là chủ đề gây tranh cãi giữa Nga và Ukraine kể từ sau năm 1991. Sau đó, năm 1997, cả hai nước đã tìm ra một tiếng nói chung và ký kết các thỏa thuận quyết định đến việc đóng quân của binh lính và hải đội của Nga tại Crimea.

Theo đó Nga nhận lại hơn 80% số tàu của Hạm đội Biển Đen sau khi đền bù cho chính quyền Ukraine số tiền 526,5 triệu USD.

Sau đó, Moscow hằng năm đã xóa khoản tiền nợ lên tới 97,75 triệu USD của Kiev để đổi lấy quyền được sử dụng các vùng nước, những tần số sóng vô tuyến và đền bù cho những thiệt hại về môi trường mà Hạm đội Biển Đen gây ra khi hoạt động tại Ukraine.

Theo thỏa thuận ban đầu, Hạm đội này sẽ ở lại Crimea đến năm 2017 nhưng sau đó thời hạn này đã được kéo dài thêm 25 năm.

Thảo thuận năm 1997 cũng cho phép Hải quân Nga đưa 25.000 binh lính, 24 hệ thống pháo với cỡ nòng nhỏ hơn 100mm, 132 xe bọc thép và 22 máy bay quân sự vào lãnh thổ Ukraine.

Cũng theo thỏa thuận trên, hiện tại Nga đang có 5 đơn vị Hải quân đồn trú tại thành phố cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea.Bên cạnh các đơn vị Hải quân này, Nga còn có 2 sân bay quân sự, 1 tại thị trấn Kacha và 1 tại thị trấn Gvardeysky của Crimea.

Trong khi đó, lực lượng bờ biển của Nga tại Ukraine bao gồm Trung đoàn tên lửa Đối không số 1069 tại Sevastopol và Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 810 với khoảng 2.000 binh lính.

Tuần trước, Hạ viện Nga đã phê chuẩn yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine để duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực cho đến khi “tình hình chính trị và xã hội tại Ukraine được ổn định”.

Mặc dù vậy, quyết định cuối cùng về việc đưa quân vào Ukraine nằm trong tay ông Putin. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa đưa ra quyết định này và nhấn mạnh rằng việc đưa quân chỉ là biện pháp “đặng chẳng đừng”.

Trong khi đó, lãnh đạo tại nước Cộng hòa tự trị Crimea đã yêu cầu Nga hỗ trợ sau khi Chính phủ tự thành lập tại Kiev đưa ra một bộ luật cấm việc sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức trên khắp các vùng tại Ukraine./.

Trần Khánh

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast