Người Crimea vui mừng chào đón quân Nga

Khi một đoàn xe quân sự Nga đưa hàng chục binh lính có vũ trang vào thành phố cảng không ngủ ở Crimea ngày hôm qua (1/3), người dân nơi đây kéo ra rất đông để chào đón binh lính Nga, họ bấm còi xe, chụp ảnh và vẫy cờ Nga.

Mặc dù các binh lính được triển khai không mang theo phù hiệu nhưng đoàn xe của họ đều mang biển số của quân đội Nga và người dân ở Crimea tin chắc, đó chính là lực lượng quân sự đến từ căn cứ hải quân Nga gần đó. Lực lượng này đã đến Crimea theo lời đề nghị của Thủ tướng lâm thời Crimea nhằm giúp khu vực tự trị bảo đảm hòa bình và sự ổn định.

Người Crimea đổ ra đường chào đón quân Nga
Người Crimea đổ ra đường chào đón quân Nga

Ông Ludmila Marchenko – một giáo viên nghỉ hưu, đã vỗ tay hoan nghênh khi được hỏi về những binh lính mang súng trường, đội mũ trùm kín đầu đang đứng gác ở gần đó. "Đầu tiên, chúng tôi có hơi sốc nhưng bây giờ chúng tôi xem đó là một sự giải phóng”, nhà giáo nghỉ hưu 66 tuổi nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (1/3) đã đề nghị và đã nhận được sự phê chuẩn từ Thượng viện cho phép ông triển khai quân đến Ukraine để bảo vệ các công dân Nga. Moscow cho biết, họ chưa quyết định chính thức về việc có đưa thêm quân vào Ukraine hay không.

Trong khi đa phần người dân vui mừng chào đón sự hiện diện quân sự của Nga ở Crimea thì một số ít coi đó là điềm không lành. Những người này đứng nhìn đoàn xe thiết giáp của Nga từ phía sau đám đông. "Đó là một sự hỗn loạn. Đó là một cuộc xâm lược. Tôi cho rằng, đây là một hành động xâm lược của Nga”, ông Dmitry Bessonov, một thợ mỏ nghỉ hưu 55 tuổi đến từ Donetsk, cho biết. Tuy nhiên, những tiếng nói như của ông Bessonov ở Crimea chỉ là thiểu số. Những người gốc Nga chiếm đa số dân trên bán đảo tự trị Crimea. Lực lượng này đang nổi giận trước những phát biểu mang đầy tính chủ nghĩa dân tộc của phe đối lập vừa lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich sau nhiều tháng tiến hành những cuộc biểu tình ở quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev.

"Họ đã mắc một sai lầm lớn khi họ đứng trên quảng trường Maidan và nói họ muốn cấm ngôn ngữ Nga ở Ukraine.... Chúng tôi không muốn trở thành những công dân hạng hai”, em trai của ông Marchenko – một thủy thủ dân sự cho biết.

"Tôi không chống lại một nước Ukraine thống nhất. Đúng là Tổng thống của chúng tôi không vĩ đại. Đúng là có tham nhũng và trộm cắp nhưng chúng tôi không muốn sống dưới những điều kiện hiện nay. Chúng tôi chán ốm với những phát biểu của lực lượng phát xít và phát xít mới”, người thủy thủ trên cho biết thêm.

Sự xuất hiện của các binh lính Nga ở ngoại ô thành phố Sevastopol – căn cứ của Hạm đội Biển Đen – không có gì là lạ đối với người dân ở Crimea. Họ nhanh chóng thích ứng với sự hiện diện của hơn 100 tay súng có vũ trang đang đi lại ở quê hương của họ.

Trong không khí giống như một lễ hội, các linh mục theo dòng Chính Thống của Nga đọc to những lời cầu nguyện trong khi một đám cưới rộn ràng với những tiếng còi xe được bấm inh ỏi. "Đó là một niềm vui lớn cho chúng tôi. Tôi muốn đây sẽ là mảnh đất của Nga và nó sẽ như vậy”, ông Vladimir Tikhonov – một thợ điện 53 tuổi, cho biết.

Bà Valentina Magomedova, một kế toán, cho biết, người dân nơi đây thấy tiếc về quyết định của Nhà lãnh đạo Xô-viết Nikita Khrushchev khi chuyển giao Crimea từ Nga sang cho Ukraine năm 1954. Bản thân ông Khrushchev là một người Ukraine.

"Giới cầm quyền mới ở Kiev không hợp pháp. Chúng tôi tin tưởng Tổng thống Putin và chúng tôi yêu nước Nga. Chúng tôi là một phần của nước Nga và chúng tôi vẫn lấy làm tiếc khi ông Khrushchev cho chúng tôi đi”, bà Magomedova nói thêm.

Người Crimea có lý do để lo ngại và phản đối chính quyền lâm thời mới ở Kiev khi chính quyền này sau khi lật đổ Tổng thống Yanukovych đã nhanh chóng hướng đến phương Tây và quay lưng lại với Nga. Chính quyền lâm thời Ukraine còn đưa ra một số chính sách gây ảnh hưởng đến người gốc Nga ở Ukraine như đưa ra lệnh cấm ngôn ngữ Nga. Bản thân Tổng thống Putin đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự phân biệt đối xử của chính quyền lâm thời Ukraine với những người gốc Nga.

Biểu tình, đụng độ và bạo lực

Các cuộc đụng độ đã nổ ra ngày hôm qua (1/3) tại ít nhất một trong hàng loạt các cuộc biểu tình ủng hộ Nga trên khắp khu vực phía đông Ukraine. Đây là nơi mà người dân đa phần chống lại chính phủ lâm thời vừa chiếm quyền ở Kiev.

Đám đông nổi giận kêu gọi Nga can thiệp vào tình hình ở nước họ. Lời kêu gọi này được đưa ra khi mà Tổng thống Putin đã nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện cho một hành động can thiệp quân sự vào Ukraine.

Tại thành phố Kharkhiv, khoảng 10.000 người đã đổ ra đường biểu tình phản đối chính quyền lâm thời mới ở Kiev và ủng hộ Nga. Một cuộc đụng độ đã nổ ra giữa những người này với các thành phần thân chính phủ, khiến hơn 100 người bị thương.

Những cuộc biểu tình ủng hộ Nga đang diễn ra thường xuyên hơn ở các khu vực phía nam, phía đông nói tiếng Nga của Ukraine sau khi phe đối lập phá vỡ thỏa thuận đã ký với Tổng thống Viktor Yanukovych dưới sự giám sát của EU và Nga để lên chiếm quyền, lật đổ ông Yanukovych. Lực lượng biểu tình cho biết, họ cảm thấy lo ngại trước những phát biểu mang đầy tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan từ Kiev.

Ngoài Kharkhiv, các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Donetsk – một thành trì ủng hộ truyền thống của Tổng thống Viktor Yanukovych. Những người biểu tình trong đám đông khoảng 7.000 người đã tìm cách chiếm đóng trụ sở chính quyền và kéo lá cờ ba màu của Nga lên. Họ kêu gọi Nga hãy can thiệp vào Ukraine.

Ở Mariupol, phía đông nam Ukraine, hàng trăm người biểu tình mang theo lá cờ Nga tụ tập ở ngay bên ngoài tòa thị chính.

Những lá cờ Nga hôm qua đã được kéo lên ở một loạt trụ sở chính quyền ở các thành phố trên khắp khu vực phía đông Ukraine như Kharkhiv, Donetsk, Odessa, Mariupol và Dnieperpetrovsk.

Những cuộc biểu tình rầm rộ nói trên đã phơi bày mâu thuẫn và sự chia rẽ sâu sắc về dân tộc và ngôn ngữ ở Ukraine.

Theo VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast