Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016

Đã đến lúc chúng ta cần phải đặt câu hỏi: Tại sao không có nhiều phụ nữ làm lãnh đạo? Phụ nữ điều hành thế giới, tại sao không?

Chúng ta vẫn thường quen với việc những vị trí quyền lực nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới thuộc về những người đàn ông. Nhưng năm 2016 có lẽ sẽ thay đổi suy nghĩ này của nhiều người. Những thành công nhất định của các nữ chính trị gia đã khiến các quan sát hy vọng, sự mất cân bằng giới tính trong các vị trí lãnh đạo sẽ dần dần được sửa đổi.

Sau đây là danh sách những nữ chính trị gia đã truyền cảm hứng cho thế giới trong thời gian vừa qua.

Người cầm lái châu Âu- Angela Merkel

Bà Angela Merkel (61 tuổi) là nữ lãnh đạo được những người dân Đức không gọi bằng tên thật, họ gọi bà là “mẹ”, với ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng. Bà đảm nhiệm chức vụ là Thủ tướng nước Đức từ năm 2005 và là người đứng đầu chính phủ tại nhiệm lâu nhất của Liên minh châu Âu.

Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016 ảnh 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (ảnh: Getty).

Năm 2015 đánh dấu 10 năm làm Thủ tướng của bà Angela Merkel. Có thể thấy, trong năm qua, bà Merkel đã có những chính sách không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác trước hàng loạt những cuộc khủng hoảng mà châu Âu phải đối mặt.

Trong cuộc khủng hoảng nợ công, khi các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các chủ nợ quốc tế có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, bà Merkel vẫn kiên định thuyết phục các bên.

Cuối cùng, dù rất khó khăn, thỏa thuận giữa Athens và EU đã được ký với sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên. EU và Hy Lạp đều nhượng bộ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhiều người đã gọi cuộc khủng hoảng này là phép thử lòng kiên nhẫn của người Đức.

Trong cuộc khủng hoảng tị nạn, quyết sách mang tính lịch sử nhất của bà Merkel chính là sự mở cửa biên giới đối với người di cư. Đức là quốc gia cho phép người di cư nhập cảnh vào nước mình nhiều nhất (800.000 người trong năm 2015), dù hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu đã diễn ra ở ngay trong lòng châu Âu khiến nhiều nhà lãnh đạo trở nên e dè hơn.

Quyết sách táo bạo của bà Merkel có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ vì sự hào phóng, tốt bụng, cởi mở của người Đức và người ta gọi bà là “lương tâm của châu Âu”.

Đầu năm nay, bà Merkel đã được tạp chí danh tiếng của Mỹ- TIME lựa chọn là “Nhân vật của năm” vượt qua những chính trị gia khác. Bà cũng là một trong những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tới.

Năm 2016, giới quan sát hy vọng, với những chính sách quyết đoán của mình, bà Merkel vẫn sẽ tiếp tục là người cầm lái châu Âu. “Một lần nữa nếu bạn có câu hỏi về tương lai của châu Âu, bà Merkel chính là người cầm lái”, biên tập viên kì cựu của TIME, Karl Vick cho hay.

Đóa hồng dân chủ Myanmar- Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi là người đã lãnh đạo phong trào dân chủ ở Myanamar. Là lãnh tụ phe đối lập, chủ tịch của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), bà được trao giải Nobel Hòa bình từ năm 1991 và đã trở thành biểu tượng cho ước vọng dân chủ của người dân Myanmar.

Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016 ảnh 2

Bà Aung San Suu Kyi giữa những người ủng hộ. (ảnh: Getty).

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng lịch sử với đa số ghế trong Quốc hội Myanmar hôm 8/11/2015, kết thúc nhiều thập niên quân đội nắm quyền tại quốc gia này.

Bà là con gái của Aung San –người thành lập Tatmadaw, lực lượng vũ trang hiện đại của Myanmar và là người đàm phán về độc lập cho Miến Điện (Burma) khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh vào năm 1947 nhưng bị ám sát ngay sau đó.

Để tiếp tục con đường đấu tranh dân chủ cho Myanmar, đóa hồng dân chủ Suu Kyi đã trải qua không ít những khổ cực. Bà bị quản thúc ở Yangon trong 6 năm, cho đến khi được thả vào tháng 7/1995. Bà một lần nữa bị quản thúc tại nhà vào tháng 9/2000, khi bà cố gắng đến thành phố Mandalay, bất chấp lệnh hạn chế đi lại.

Trong những năm đầu bị giam giữ, bà bị cô lập. Bà không được phép gặp hai cậu con trai và chồng- người đã qua đời vì ung thư tháng 3/1999 mà không có vợ ở bên cạnh.

Chính quyền quân sự từng cho phép bà Suu Kyi đến Anh để thăm chồng khi ông ốm nặng, nhưng Suu Kyi cảm thấy bắt buộc phải từ chối vì sợ sẽ không được phép quay trở lại đất nước. Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng của bà kết thúc vào tháng 11/2010 và con trai Kim Aris được phép đến thăm bà lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Việc đảng NLD giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử minh bạch, công bằng đã cho thấy sự yêu mến, ngưỡng mộ của người dân Myanmar đối với bà Suu Kyi. Người phụ nữ mảnh mai, nhỏ bé này đã khiến chúng ta phải cảm động trước sự kiên định, và tinh thần mạnh mẽ.

Mặc dù nữ chủ nhân của giải Nobel Hòa bình có thể sẽ không thể lên làm Tổng thống Myanmar theo luật pháp nước này nhưng bà Suu Kyi vẫn sẽ có nhiều ảnh hưởng trong chính phủ Naypyidaw. Bà tuyên bố, tiến trình hòa bình sẽ là ưu tiên của chính phủ mới. Chính phủ sẽ không thể làm gì nếu đất nước không có hòa bình, bởi thế chính phủ mới sẽ cố gắng vì thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở đất nước này.

Nhiều nhà quan sát kỳ vọng, dưới sự dẫn dắt của bà Suu Kyi, đất nước Myanmar năm 2016 sẽ bước sang thời kỳ phát triển, thịnh vượng và bớt bất ổn hơn.

Nữ lãnh đạo Đài Loan- Thái Anh Văn

Bà Thái Anh Văn, 59 tuổi, chủ tịch Dân Tiến Đảng (DPP), trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu năm nay. Bà Thái sinh ra trong một gia đình kinh doanh giàu có và lớn lên dưới sự dạy bảo nghiêm khắc của cha mẹ. Bà có bằng tiến sỹ về luật của Đại học Kinh tế London, Anh.

Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016 ảnh 3

Bà Thái Anh Văn, nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan. (ảnh: Getty).

Bà gia nhập DPP vào năm 2004. Năm 2008, nữ chính trị gia Thái Anh Văn đã giúp DPP lấy lại được hình ảnh sau khi Đảng này bị mất uy tín bởi những vụ bê bối xung quanh ông Trần Thủy Biển. Sau vụ việc, vị trí của bà ở trong DPP trở nên quan trọng hơn, và từ đó bà lên nắm quyền lãnh đạo DPP.

Trở thành nữ ứng cử viên đầu tiên trong cuộc bầu cử Người đứng đầu vùng lãnh thổ Đài Loan vào năm 2012 nhưng bà đã thất bại trước ông Mã Anh Cửu. Dẫu vậy, số phiếu bầu cho bà khá ấn tượng với con số suýt soát là 45,6%.

Không bỏ cuộc, bà tiếp tục tranh cử vào năm 2016 và thành công. Bà từng nói với những người ủng hộ mình là “Đừng nản chí”. Tính cách bà Thái Anh Văn có phần “e dè” hơn so các chính trị gia khác. Bà không được xem là một chính trị gia điển hình- những người có khả năng hùng biện để lôi cuốn công chúng. Trái lại, bà dần giành lấy sự tin yêu của người dân dựa vào lòng chân thành, trí thông minh và sự kiên trì của mình.

Bà Thái từng tiết lộ, thần tượng của bà là cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/5/2016. Hiện bà sống độc thân trong một căn hộ tại Đài Bắc cùng với 2 chú mèo Think Think và Ah Tsai.

Các nhà phân tích dự báo, năm 2016, bà Thái Anh Văn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và xử lý quan hệ “nhạy cảm” giữa đảo Đài Loan với Trung Quốc đại lục..

Bà Thái cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ bền vững, có thể dự báo với Trung Quốc đại lục. Chính phủ mới của Đài Loan sẽ phát huy những thành quả giao lưu đối thoại, thúc đẩy nguyên tắc dân chủ, coi đây là cơ sở thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Ủng hộ viên của bà Thái trong đảng DPP tên là Yo Su-ling cho biết: “Chúng tôi biết rằng độc lập hoàn toàn khỏi Trung Quốc là điều không thể vào lúc này vì vậy chúng tôi cần một người như bà, một nhà đàm phán tốt, để có được những thỏa thuận tốt nhất cho cả 2 bên”.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ- Hillary Clinton

Bà Hillary Rodham Clinton sinh ngày 26/10/1947, bà từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ (2009-2013) và là Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang New York từ năm 2001 đến năm 2009.

Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016 ảnh 4

Ứng viên Tổng thống Mỹ 2016 của Đảng Dân chủ, bà Clinton. (ảnh: AP).

Bà cũng là Đệ nhất phu nhân từ năm 1993 đến năm 2001. Tháng 9/2006, bà Hillary Clinton được tạp chí Forrbes bầu chọn là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, đứng thứ 18.

Các nhà quan sát cho rằng, Hillary là Đệ nhất phu nhân đầu tiên trong Nhà Trắng có học vị tiến sĩ và từng thành công trong nghề nghiệp chuyên môn. Nhiều người xem bà là phu nhân Tổng thống có nhiều quyền hạn nhất, hơn cả Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.

Năm 2007, bà từng tham dự cuộc đua giành sự đề cử của Đảng Dân chủ để tranh cử vào chiếc ghế của Tổng thống Mỹ. Sự xuất hiện của bà khiến cuộc đua nóng hơn bao giờ hết, trở thành để tài tranh cãi sôi nổi lúc bấy giờ. Hình ảnh của bà phủ sóng trên các mặt báo và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, sau đó, một vài bài viết của của The Washington Post, ABC News, The Politico đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bà. Đến tháng 12/2007, bà mất đi vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ngày 3/6/2008, đối thủ của bà- ông Barack Obama- đã kiếm đủ số phiếu cần thiết để trở thành người đại diện cho Đảng Dân chủ. Bà chấp nhận thất bại và quay sang ủng hộ ông Obama tranh cử Tổng thống Mỹ.

Năm 2015, bà Hillary Clinton quay trở lại việc tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Những bước đi đầy quyết liệt của bà (cùng sự hỗ trợ của người chồng - cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton), đã giúp bà giành lấy sự tin tưởng ngày càng cao của người dân.

Mới đây, theo khảo sát ngày 17/1 của NBC/Wall Street Journal, bà Clinton đạt tỷ lệ ủng hộ 59% từ giới cử tri Dân chủ trên toàn quốc, trong khi ông Sanders chỉ có 34%. Ứng cử viên còn lại, O’Malley chỉ có 2% tỷ lệ ủng hộ.

Thậm chí, ngày 18/1, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng đã nhận định người đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà đánh bại ứng cử viên Marco Rubio của Đảng Cộng hòa.

Báo cáo của IMEMO cho biết, thành công của bà Hillay Clinton ở giai đoạn cuối của cuộc tranh cử sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng làm những gì không thể, đó là đưa ra một giải pháp trung hòa làm hài lòng cả hai cực (chính trị) ở Mỹ.

Nếu thắng cuộc, bà Hillary sẽ là nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Việc bà lên nắm quyền nước Mỹ (nếu trở thành sự thật) không chỉ cho thấy tài năng, sự kiên trì, bền bỉ của một người phụ nữ; mà còn thay đổi “cán cân quyền lực” giữa nữ giới và nam giới. Bà cũng đã và đang là nguồn cảm hứng cho các nhà lãnh đạo nữ ít ỏi trên thế giới hiện nay.

Năm 2016 sẽ là một năm bận rộn với bà Hillary Clinton, nhưng là một năm đáng để kỳ vọng.

Phụ nữ điều hành thế giới, tại sao không?

Theo số liệu mới nhất từ tổ chức UN Women công bố ngày 20/1, chỉ có 22% số đại biểu Quốc hội tại các quốc gia là nữ giới. Trong số đó, chỉ có khoảng 21 người đóng vai trò là người đứng đầu vùng/lãnh thổ hoặc chính phủ.

Trong khi tỷ lệ nữ giới trên thế giới là trên 50% thì con số phụ nữ làm lãnh đạo như nêu trên cho thấy sự chênh lệch rất rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải đặt câu hỏi "tại sao": Tại sao không có nhiều phụ nữ làm lãnh đạo? Phụ nữ điều hành thế giới, tại sao không?

Những nhà lãnh đạo nữ được dự báo sẽ “làm nên chuyện” năm 2016 ảnh 5

Phụ nữ điều hành thế giới, tại sao không? (hình minh họa: KT).

Bà Sheryl Sandberg, một trong những giám đốc của công ty Facebook, cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bà nói: “Đàn ông vẫn điều hành thế giới- tôi không chắc điều này sẽ tốt… Và cho đến khi chúng ta khắc phục được, tất cả mọi người vẫn sẽ phải chịu ảnh hưởng về điều này. Nó có nghĩa là chúng ta chưa khai thác được đầy đủ tiềm năng của con người, nhất là người phụ nữ”.

Liên Hợp Quốc đang hy vọng năm 2016 sẽ là một năm bước ngoặt trong việc trao quyền cho phụ nữ trên thế giới.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson (người Thụy Điển) tin tưởng: “Việc trao quyền cho phụ nữ sẽ trở thành hiện thực. Đáng chú ý trong năm nay là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ và cho vị trí của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đều là phụ nữ”.

Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Lakshmi Puri cũng khẳng định, việc nữ giới điều thành thế giới hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Và khi nữ giới có thể nắm quyền trong Liên Hợp Quốc và ở Mỹ, họ sẽ thay đổi lịch sử và trò chơi chính trị suốt những năm qua.

Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSCR) số 2122 cũng đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo không chỉ góp phần quản lý được tốt hơn mà còn sẽ xác định lại quyền lực.

Bạn có đồng ý với những ý kiến này không, hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn?

Theo VOV

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast