Nỗ lực quốc tế ngăn chặn sự can thiệp quân sự chống Syria

Căng thẳng tại Syria tiếp tục gia tăng với những lời kêu gọi của phương Tây và các đồng minh nhằm can thiệp quân sự vào nước này.

Tâm điểm của cuộc khủng hoảng giờ đang diễn ra ngay trong nội bộ nước Mỹ khi Nhà trắng đang nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp chấp thuận tấn công Syria.

Trong khi đó, Nga, Iran và Trung Quốc cũng đang nỗ lực để có thể ngăn chặn hành động can thiệp quân sự vào Syria mà họ cho là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Nội các Iran nỗ lực chống lại việc can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh Getty Images)

Nội các Iran nỗ lực chống lại việc can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh Getty Images)

Trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế cũng như sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ về hành động can thiệp quân sự chống Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama, người có quyền phát động chiến tranh mà không cần quốc hội thông qua, đã bất ngờ “đá quả bóng Syria” sang Quốc hội.

Động thái này đang đặt ông Obama vào thế khó, bởi nếu Quốc hội Mỹ bác bỏ nghị quyết chống Syria, thì uy tín của vị tổng thống này sẽ bị tổn hại nặng nề với tuyên bố “giới hạn đỏ”, như cảnh báo của Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain.

Còn nếu Quốc hội Mỹ thông qua, tức là nước Mỹ tiến hành một cuộc chiến mới ở Trung Đông, sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường trong khi hiệu quả thì quá mơ hồ.

Phát biểu sau cuộc họp ngắn với Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Obama về tình hình Syria, nghị sĩ John McCain hôm qua cảnh báo, uy tín của Mỹ thậm chí của chính Tổng thống Obama sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu Quốc hội lưỡng viện Mỹ bỏ phiếu phản đối kế hoạch tấn công trừng phạt Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Thượng nghị sỹ Graham và tôi mong muốn đa số thành viên của hai viện trong Quốc hội sẽ ủng hộ một nghị quyết. Nếu Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết đó, sẽ là một thảm kịch, ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ và của tổng thống và không ai trong chúng ta mong muốn điều đó”, ông McCain nói.

Cùng quan điểm với ông McCain, thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng, nói "không" với hành động quân sự nhằm vào Syria chính là thông điệp gửi đến Iran, đồng minh thân cận của Syria rằng, Chính phủ Mỹ không quan tâm đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Không chỉ gây sức ép đối với những đồng nghiệp phe Cộng hòa có ý định bỏ phiếu chống, hai nghị sĩ này còn cho rằng, quy mô kế hoạch tấn công Syria cần phải được mở rộng và đề cập đến kịch bản cho giai đoạn hậu al-Assad và Mỹ nên sẵn sàng một kế hoạch cho lực lượng đối lập tại nước này.

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ và một số nghị sỹ chủ trương tấn công Syria đang vận động quốc hội ủng hộ một nghị quyết tấn công Syria, nhà chức trách Nga có sáng kiến cử một phái đoàn nghị sỹ đến Mỹ để thảo luận về tình hình Syria.

Kế hoạch này hôm qua đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ trong cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng liên bang của Thượng viện Valentina Matviyenko và Chủ tịch Hạ viện Sergei Naryshkin.

Phát biểu tại cuộc gặp với tổng thống Putin, Chủ tịch Matviyenko cho biết: “Nếu chúng ta thiết lập được kênh đối thoại với các đối tác tại Quốc hội Mỹ để trao đổi quan điểm, sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng quốc hội Mỹ sẽ giữ vị thế cân bằng và sẽ không ủng hộ đề xuất sử dụng vũ lực tại Syria”.

Sáng kiến mới nhất của Điện Kremli dường như nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ kiến nghị của Tổng thống Obamavề hành động quân sự đối với Syria. Theo chủ tịch Matviyenko, phái đoàn nghị sĩ Nga sẽ cố gắng đến Mỹ trước ngày 9/9, thời điểm Quốc hội Mỹ họp trở lại sau kỳ nghỉ.

Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia Iran IRIB hôm qua cho biết, Iran đã tuyên bố với Liên Hợp Quốc rằng, nước này chuẩn bị tìm kiếm một “giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng tại nước đồng minh Syria.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chuyển thông điệp này cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ngoại trưởng Iran cũng cảnh báo, Quốc hội Mỹ không được phép bật đèn xanh cho các cuộc tấn công quân sự mà ông cho rằng sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Về phía Trung Quốc - nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, hôm qua cũng lên tiếng phản đối can thiệp quân sự vào Syria sau khi phía Mỹ chuyển một số “bằng chứng” về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, bất kỳ hành động can thiệp nào cũng phải tuân theo hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế./.

Ngọc Khương (Tổng hợp)

Nguồn: VOV.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast