Palestine đưa ra 'giới hạn đỏ' cho thỏa thuận hòa bình với Israel

Trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình khung do Mỹ đề xuất đối với cuộc xung đột Israel - Palestine sẽ được công bố trong vài tuần tới, Palestine ngày 12/2 đã đưa ra một danh sách "giới hạn đỏ" thể hiện những quan điểm không thể thương lượng với Israel.

Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Palestine, ông Saeb Erekat, tuyên bố Chính quyền Palestine sẽ không công nhận Israel là nhà nước Do Thái. Ảnh minh họa từ internet
Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Palestine, ông Saeb Erekat, tuyên bố Chính quyền Palestine sẽ không công nhận Israel là nhà nước Do Thái. Ảnh minh họa từ internet

Nhật báo "Al-Ayyam" dẫn lời ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas, cho biết văn kiện của Mỹ phải bao gồm việc Israel "rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967" trong một khung thời gian từ 3 đến 4 năm, sau khi trả tự do cho tất cả tù nhân Palestine tại các nhà tù Israel. Thỏa thuận này cũng phải dứt khoát nhắc tới Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, danh sách giới hạn đỏ của ông Abbas, được gửi tới Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông trước cuộc họp của nhóm này tại Đức hồi đầu tháng 2 này cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama, còn kêu gọi giải quyết vấn đề người tị nạn dựa trên Nghị quyết 194 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc và từ chối công nhận Israel là nhà nước Do Thái. Ông Abu Rudeineh nêu rõ đây là những giới hạn đỏ trong quan điểm của Palestine, giải thích rằng không thể có hòa bình thực sự và toàn diện trong khu vực nếu thiếu những nguyên tắc này.

Trả lời Đài phát thanh Israel cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Palestine, ông Saeb Erekat, tuyên bố Chính quyền Palestine sẽ không công nhận Israel là nhà nước Do Thái. Ông Erekat nhấn mạnh Jerusalem sẽ là một thành phố mở, với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine và Tây Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cùng ngày 12/2, một quan chức cấp cao Phong trào Hồi giáo Hamas, hiện kiểm soát Dải Gaza, tuyên bố sẽ dùng vũ lực để chống lại bất cứ thỏa thuận hòa bình nào giữa Israel - Palestine phủ nhận các quyền hợp pháp cơ bản của người dân Palestine.

Đám tang một thành viên nhóm Hồi giáo Jihad bị chết trong vụ không kích của Israel vào Beit Hanun, phía bắc Dải Gaza ngày 22/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quan chức cấp cao Hamas Emad Alami, người Palestine có nhiều lựa chọn để chống lại các thỏa thuận nói trên, trong đó chủ yếu là hành động phản kháng vũ trang như từng xảy ra sau khi hiệp định Oslo được ký kết vào năm 1993, với việc Hamas tiến hành hàng loạt vụ tấn công liều chết vào lãnh thổ Israel khiến hàng trăm người thương vong. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Hamas đe dọa hành động vũ trang chống lại một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel trong tương lai.

Trong chuyến thăm Dải Gaza ngày 12/2, Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về tiến trình hòa bình Trung Đông Robert Serry đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh đạt được cách đây hơn một năm giữa Israel và Hamas.Ông Serry nhấn mạnh rằng suốt hai tháng qua các vụ bắn rocket vào Israel đã gia tăng, trong khi các chiến dịch trả đũa của Israel gây thương vong cho thường dân Palestine.

Ông nêu rõ: "LHQ lên án việc gia tăng bạo lực và kêu gọi tất cả các bên phải hành động phù hợp với luật pháp quốc tế".Theo phái viên LHQ, chỉ có sự thống nhất Gaza và Bờ Tây dưới Chính quyền Palestine hợp pháp mới có thể mở đường cho một giải pháp lâu dài cho Gaza, "như một phần của tiến bộ chính trị hướng tới hòa bình". Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào cuối năm 2012 sau chiến dịch Trụ cột Phòng vệ của quân đội Israel nhằm ngăn việc bắn rocket từ Gaza vào miền Nam nước này.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Palestine (PFA) Jibril Rajoub hôm 12/2 thông báo Chính quyền Palestine sẽ yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) khai trừ Israel vì không tuân thủ các qui ước của tổ chức này. Ông Rajoub cáo buộc Israel cản trở Palestine có tổ chức thể thao quốc gia riêng và tìm cách phá hỏng quyết tâm thể thao của Palestine. Theo quan chức thể thao Palestine này, hiện Iran, Qatar, Oman, Jordan, Algieria và Tunisia đã cam kết ủng hộ đòi hỏi trên của Palestine.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast