Phe đối lập Bolivia kêu gọi đình công phản đối kết quả bầu cử

Việc phe đối lập Bolivia nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này là do Tòa án Bầu cử Tối cao vẫn chưa thể đưa ra kết quả cuối cùng của quá trình kiểm phiếu nhanh.

Phe đối lập Bolivia kêu gọi đình công phản đối kết quả bầu cử

Những người ủng hộ ứng viên đối lập chính tại Bolivia Carlos Mesa tập trung tại thủ đô La Paz ngày 21/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 22/10, phe đối lập Bolivia đã kêu gọi tổng đình công để phản đối kết quả kiểm phiếu nhanh, qua đó cho thấy đương kim Tổng thống Evo Morales có khả năng sẽ tái đắc cử ngay tại vòng 1 với khoảng cách hơn 10%, vừa đủ để đánh bại ứng cử viên đối lập đứng ngay sau là cựu Tổng thống Carlos Mesa .

Trong khi đó, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng thường trực theo đề nghị của Brazil, Canada, Colombia, Mỹ và Venezuela (đại diện cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido) để thảo luận về những diễn biến tình hình tại Bolivia.

Việc phe đối lập Bolivia và các nước trong khu vực lên tiếng nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử tại quốc gia Nam Mỹ này là do Tòa án Bầu cử Tối cao (TSE) vẫn chưa thể đưa ra kết quả cuối cùng của quá trình kiểm phiếu nhanh mặc dù cuộc bầu cử đã kết thúc cách đây 2 ngày, đặc biệt là sau bản thông báo đầu tiên ngay trong đêm diễn ra bầu cử 20/10 thì việc cập nhật thông tin bất ngờ bị dừng lại khi đã kiểm được 84% số phiếu, theo đó, đương kim Tổng thống Morales giành được 45,28% phiếu ủng hộ, trong khi ông Mesa có được 38,16% số phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, đến gần 1 ngày sau bản thông báo thứ 2 mới được đưa ra khi kiểm được hơn 95% số phiếu bầu với kết quả bất ngờ là Tổng thống đã có được khoảng cách hơn 10% (46,87% so với 36,73%) vừa đủ để đánh bại ứng cử viên Mesa ngay ở vòng 1.

Trước diễn biến trên, Ngoại trưởng Bolivia Diego Pary đã đề xuất OAS gửi một phái đoàn kỹ thuật tới La Paz để có thể tham gia kiểm lại kết quả bầu cử, đồng thời khẳng định sẵn sàng chấp nhận bất kỳ kết quả nào bởi mong muốn lớn nhất của chính phủ Bolivia là có được một tiến trình minh bạch cần thiết./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast