Tại sao Mỹ khó kiếm một ứng cử viên tổng thống “được lòng người”?

Dù là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hay tỉ phú địa ốc Donald Trump đắc cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, cử tri Mỹ sẽ đều khó hài lòng.

tai sao my kho kiem mot ung cu vien tong thong duoc long nguoi

Dù ai giành chiến thắng, người đó cũng không thể làm cử tri Mỹ hài lòng.

Cựu Tổng thống Mỹ Carter mới đây cho biết, “ứng cử viên Tổng thống của hai chính đảng chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đều không được hoan nghênh”. Bình luận của cựu Tổng thống 91 tuổi này đã nói lên một đặc điểm của cuộc tổng tuyển cử Mỹ năm nay và cách nói này cũng được các cuộc điều tra dân ý trong nhiều tháng qua chứng thực.

Nhiều khả năng hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hoà, bất kể ai đắc cử, đều không thể làm cho cử tri hài lòng. Theo giới quan sát, chịu ảnh hưởng bởi cuộc đấu tranh giữa các đảng phái, quấy nhiễu của tiền bạc và tệ nạn cơ chế, hiện Mỹ muốn chọn ra một vị Tổng thống được đa số cử tri chấp thuận sẽ ngày càng khó khăn.

Ngay từ đầu tháng 5/2016, cuộc điều tra dân ý trong toàn nước Mỹ đã cho thấy tỷ lệ ủng hộ của bà Hillary và ông Donald Trump đều rất thấp. Hiện cách ngày tổng tuyển cử 8/11 chỉ còn hơn hai tháng, cho dù tỷ lệ ủng hộ của hai ứng viên có phần thay đổi, nhưng tình hình hai ứng cử viên này đều không được đa số cử tri hoan nghênh thì không mấy thay đổi.

Cuộc thăm dò dư luận chung của Hãng NBC và trang web điều tra online Survey Monkey công bố ngày 15/8 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với bà Hillary là 50%, cao hơn ông Donald Trump 9%. Trong khi đó, 59% cử tri có ấn tượng không tốt đối với bà Hillary, hoàn cảnh của ông Donald Trump càng tồi hơn, 64% cử tri không có thiện cảm với ông Trump.

Điều này đã tạo thành bức “kỳ quan” độc đáo trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ. Một mặt, bà Hillary và ông Trump đều lập kỷ lục mới trong chính trị bầu cử Mỹ: Một ứng viên phá vỡ “trần chính trị cao nhất, cứng nhất”, trở thành nữ ứng viên Tổng thống chính đảng chủ chốt đầu tiên trong lịch sử Mỹ; một ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, trở thành ứng viên Tổng thống chính đảng chủ chốt không có kinh nghiệm về đối ngoại đầu tiên trong hơn 50 năm qua.

Mặt khác, cả hai người lập kỷ lục đáng nhẽ phải được hoan hô này lại đều bị cho là “ứng viên có khiếm khuyết”, khiến đa số cử tri cảm thấy bối rối thậm chí chán nản khi phải quyết định lá phiếu trong tay mình.

Cho dù lý do thiếu thiện cảm với bà Hillary và ông Trump của người dân Mỹ có đủ kiểu, nhưng nhìn chung, nguyên nhân nổi bật nhất khiến hai người không được hoan nghênh là phẩm chất đạo đức của họ bị nghi ngờ.

Cuộc bầu cử Mỹ năm nay sở dĩ khác thường như vậy, một nguyên nhân quan trọng là dân chúng tập trung giải tỏa nỗi phẫn nộ đối với chính trị tiền bạc và chính trị tinh anh dưới sự chủ đạo của “những người trong giới chính trị Washington”. Tuy nhiên, rất nhiều cử tri đều thấy rằng, bất kể là bà Hillary hay là ông Trump, đều sở hữu khối tài sản khổng lồ, đều dựa vào sự hỗ trợ bầu cử của các đại gia, đều im lặng đối với sự vận hành của “Ủy ban hành động chính trị siêu cấp” đang dấy lên sự phản đối kịch liệt.

Tuy chính trị tiền bạc bị chỉ trích, chính trị tinh anh bị nghi ngờ, nhưng cải cách mang tính thực chất liên quan đều không được tìm thấy trong cam kết tranh cử của hai ứng cử viên. Sự phẫn nộ của cử tri vẫn không biết chia sẻ cùng ai.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast