Tấn công Syria sẽ kích ngòi 'chiến tranh và sự hủy diệt'

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 31.8 đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể kích ngòi cho "chiến tranh và sự hủy diệt". Ngược lại, Thủ tướng Anh David Cameron đang ra sức ủng hộ ông Obama.

Tấn công Syria sẽ kích ngòi 'chiến tranh và sự hủy diệt' ảnh 1

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31.8 - Ảnh: AFP

Ông Obama "phớt lờ" Hội đồng bảo an LHQ?

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 31.8, Tổng thống Maduro lên tiếng đả kích kế hoạch tấn công Syria của ông Obama, theo AFP.

Tổng thống Maduro cho rằng ông Obama đã “phớt lờ” Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), định “thay thế” Hội đồng bảo an LHQ bằng Quốc hội Mỹ để thông qua việc can thiệp quân sự vào Syria.

Ông Maduro còn cảnh báo việc ông Obama “qua mặt” Hội đồng bảo an LHQ “có nguy cơ gây ra chiến tranh và sự hủy diệt”.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31.8, Tổng thống Obama cho biết các chiến dịch quân sự can thiệp “với quy mô giới hạn” vào Syria có thể xảy ra vào “ngày mai, tuần tới hoặc là trong tương lai gần”, nhưng cần phải có một buổi tranh luận và chờ Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc can thiệp quân sự vào Syria vào ngày 9.9 tới, theo AFP.

Vì thế, ít nhất năm tàu chiến Mỹ được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk sẽ phải tiếp tục neo đậu trong trạng thái “chờ đợi” ở vùng biển Địa Trung Hải.

Nhưng ông Obama khẳng định quyền được ra lệnh tấn công (hạn chế) vào Syria mà không cần thông qua Quốc hội Mỹ. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho AFP biết từ nay đến 9.9 là khoảng thời gian “trì hoãn” để ông Obama kêu gọi sự ủng hộ quốc tế.

Trước đó, chính quyền ông Obama còn tuyên bố sẽ tấn công Syria mà không cần phải thông qua sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an LHQ.

Trang tin USA Today dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc (Mỹ) ngày 31.8 cho biết mặc dù các cuộc tấn công tên lửa Syria bị "trì hoãn", nhưng quân đội Mỹ vẫn đang theo dõi mọi động tĩnh của các mục tiêu ở Syria.

Các quan chức này lại "lo ngại" thời gian "trì hoãn" sẽ giúp cho chính quyền Assad có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công lên lửa của Mỹ.

Reuters dẫn kết quả các cuộc thăm dò dân ý tại Mỹ gần đây cho thấy trên 50% dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự vào Syria và chỉ có 20% ủng hộ.

Trong khi đó, 64% dân Pháp phản đối can thiệp quân sự vào Syria, BBC dẫn kết quả các cuộc thăm dò tại Pháp mới đây.

"Tôi rất hiểu và ủng hộ ông Obama"

Sau bài phát biểu của ông Obama, Thủ tướng Anh David Cameron viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Tôi rất hiểu và ủng hộ ông Obama".

Ngoại trưởng Anh William Hague, trên Twitter, cũng khen ngợi ông Obama có một bài phát biểu "hay".

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho AFP biết ông Obama cũng sẽ “thua cuộc” trong phiên bỏ phiếu Quốc hội Mỹ ngày 9.9 tới tương tự như Thủ tướng Cameron.

Quốc hội Anh hôm 29.8 đã bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của chính quyền Thủ tướng Camero, theo AFP.

Ông Mark Mardell, Tổng biên tập tờ North America, nhận định rằng chính việc chính quyền ông Cameron bị Quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của ông Obama (chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc tấn công Syria).

BBC dẫn lời các nhà quan sát cho biết hiện chưa rõ ông Obama sẽ có động thái gì nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ can thiệp quân sự vào Syria.

Cũng trong ngày 31.8, Nhà Trắng đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết lên Quốc hội Mỹ, đề nghị cho phép chính quyền ông Obama can thiệp quân sự vào Syria nhằm “ngăn cản” và “ngăn chặn” những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Chính quyền ông Obama tuyên bố rằng các báo cáo tình báo khẳng chính quyền Tổng thống Assad tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21.8, khiến 1.429 người chết, bao gồm 426 trẻ em.

Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học, trụ sở tại Hà Lan, ngày 31.8 cho biết cần đến ba tuần để phân tích các “chứng cứ” do nhóm thanh sát viên LHQ thu thập được từ khu vực ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, nơi được cho là xảy ra vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 21.8.

Một người phát ngôn viên LHQ (không nêu tên) cho AFP biết tổ chức trên sẽ công bố một bản báo cáo minh bạch.

Washington và các nước phương Tây luôn miệng khẳng định có chứng cứ cáo buộc chính phủ ông Assad dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân, nhưng đến nay vẫn chưa hề công bố chứng cứ rõ ràng.

Trong khi đó, phe nổi dậy và chính phủ ông Assad lại tố cáo lẫn nhau đứng sau những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Cuộc nội chiến Syria kéo dài từ tháng 3.2011 đến nay, khiến trên 100.000 người thiệt mạng, theo báo cáo của LHQ.

Nguồn: Thanh niên Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast