Thái Lan lại rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới

Phe đối lập Thái Lan đã thông qua việc khởi kiện Chính phủ tạm quyền về cuộc tổng tuyển cử mà họ cáo buộc là vi hiến.

Thái Lan có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy bất ổn chính trị mới bất sau khi nước này đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm theo đề nghị của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Đảng Dân chủ (DP) đối lập ngày 4/2 đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp đòi hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 2/2 vừa qua.

Người biểu tình Thái Lan tuần hành biểu tình chống cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 (Ảnh AFP)
Người biểu tình Thái Lan tuần hành biểu tình chống cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 (Ảnh AFP)

Luật sư đại diện cho đảng Dân chủ cho biết đơn kiến nghị của Đảng này nêu rõ cuộc bầu cử trên là vi hiến xét trên một số quy định, trong đó có việc cuộc bầu cử đã không được hoàn tất trong một ngày.

Ngoài ra, đảng Dân chủ còn yêu cầu giải tán Đảng cầm quyền Vì nước Thái (Puea Thai) của Thủ tướng Yingluck và ra lệnh cấm tham gia chính trị đối với các thành viên của Đảng này.

Chính phủ Thái Lan đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn theo đề xuất của bà Yingluck nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình chống Chính phủ bùng phát từ hơn hai tháng qua.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đã tảy chay cuộc bầu cử này, đồng thời vận động hàng nghìn người biểu tình ngăn cản các cử tri đi bầu cử khiến Ủy ban Bầu cử Quốc gia phải đóng cửa hơn 10.000 hòm phiếu ở 69 khu vực bầu cử, chủ yếu ở thủ đô Bangkok và các tỉnh miền Nam vốn là “cứ địa” của phe đối lập.

Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ tiến hành vòng bỏ phiếu thứ hai cho các điểm bầu cử chưa thể mở cửa trong ngày 2/2, song phe đối lập lại lấy đây làm cớ để phản đối tính hợp hiến của cuộc bầu cử.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi vừa qua là sự khởi đầu của một vòng xoáy bất ổn chính trị mới hơn là việc chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Đòn tấn công pháp lý này của phe đối lập có nguy cơ làm gia tăng bất ổn và bạo lực tại Thái Lan. Nhà phân tích chính trị độc lập tại Thái Lan Kriengsak Chareonwongsak cho rằng, chỉ có một con đường duy nhất để đưa Thái Lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, đó là Chính phủ và phe đối lập cần ngồi vào bàn đàm phán.

“Đất nước không thể bị bắt làm con tin theo cách như thế này. Họ phải ngồi lại với nhau và đàm phán để tìm ra một giải pháp khả thi, vì lợi ích của đất nước và cũng là tốt cho cả hai bên. Tôi hy vọng các bên nhận thức được điều này”, ông Kriengsak cho biết.

Các nhà phân tích cũng cho rằng trong trường hợp Tòa án hiến pháp hủy kết quả cuộc bầu cử vừa qua thì cũng chỉ làm cho Thái Lan lún sâu hơn vào khủng hoảng, bởi việc tổ chức tổ chức một cuộc bầu cử mới sẽ khó có thể thực hiện do những bất đồng sâu sắc của các bên.

Như vậy trong thời gian tới Thái Lan vẫn chưa thể có Chính phủ mới do những tranh cãi về cuộc tổng tuyển cử hiện nay và trong thời gian này tình hình sẽ còn nhiều bất ổn.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế cho rằng: “Thật khó có thể có một Chính phủ dân bầu hợp hiến bởi đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử. Việc này sẽ khiến cho vấn đề càng khó giải quyết cho dù nền dân chủ được thúc đẩy theo hình thức nào”.

Hiện quân đội Thái Lan đang đứng trước sức ép lớn trong việc ổn định tình hình đất nước, nhưng trong trường hợp quân đội can thiệp để lập lại trật tự thì cũng sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp. Bởi những người ủng hộ Chính phủ sẽ coi đó là hành động ủng hộ các cuộc biểu tình, thậm chí là hành động đảo chính.

Trong tuyên bố mới nhất về tình hình căng thẳng chính trị đang thách thức nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn chứng kiến thêm một cuộc đảo chính quân sự nữa tại đất nước chùa Vàng.

Bà Psaki cho rằng tất cả các thành phần trong xã hội Thái Lan cần làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện dân chủ và hiến pháp để giải quyết các bất đồng chính trị. Mỹ không đứng về bên nào đồng thời hối thúc tất cả các bên tiến hành đối thoại thẳng thắn nhằm giải quyết bất đồng chính trị một cách hòa bình và dân chủ./.

Ngọc Khương

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast